Tập đoàn SCG vừa công bố tổng kết năm 2023. Thông tin đáng chú ý, SCG cho biết Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn đã khởi động vận hành thử nghiệm thành công theo kế hoạch đã đề ra. Đồng thời, quá trình vận hành máy móc và chạy thử nghiệm với công suất tối đa diễn ra suôn sẻ và dự kiến hoàn thành vào quý 1/2024.
Hiện, SCG đã khởi động vận hành Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn (LSP) - đây là tổ hợp hóa dầu tích hợp đầu tiên của Việt Nam. LSP đặt mục tiêu sản xuất 1,35 triệu tấn olefin và 1,4 triệu tấn polyolefin hàng năm cho thị trường toàn cầu.
Sau 15 năm đầu tư và tiêu tốn hàng tỷ USD, năm 2024 theo SCG sẽ là năm đầu tiên Tổ hợp Hoá dầu Long Sơn tại Việt Nam cung cấp sản phẩm polymer chất lượng cao cho thị trường toàn cầu.
Được biết, LSP là dự án có quy mô lớn nhất tính đến hiện tại, đồng thời là tổ hợp hóa dầu tích hợp hoàn chỉnh đầu tiên tại Việt Nam. Dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư tháng 7/2008, có tổng vốn đầu tư ban đầu là 3,77 tỷ USD, sau đó tăng lên 4,5 tỷ USD và tăng lên 5,4 tỷ USD vào giai đoạn cuối. Cùng với các nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn, Long Sơn, đây là dự án có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của ngành dầu khí Việt Nam.
Dự án đặt tại xã Long Sơn, Tp.Vũng Tàu, bao gồm nhà máy lefin, nhà máy polyethylene và các hạng mục liên quan như cụm cảng - bồn bể chuyên dụng và nhà máy tiện ích trung tâm với tổng vốn đầu tư hơn 5 tỷ USD, có diện tích mặt đất là 464ha và diện tích mặt nước là 194ha (cho hệ thống cảng biển).
LSP có tổng công suất thiết kế 1,4 triệu tấn hạt nhựa olefin/năm, được thiết kế để sản xuất đa dạng các sản phẩm hoá dầu, bao gồm những sản phẩm là nguyên liệu cần thiết cho ngành nhựa như polyetylen, polypropylen và các sản phẩm khác, giúp thay thế các sản phẩm polyolefin nhập khẩu cũng như tăng khả năng cạnh tranh cho các nhà sản xuất hạ nguồn tại thị trường nội địa.
Năm 2018, SCG chính thức sở hữu 100% vốn tại Tổ hợp Hóa dầu miền Nam (Dự án Long Sơn).
SCG là một trong những tập đoàn hàng đầu Đông Nam Á hoạt động trong 3 lĩnh vực kinh doanh chính là: Xi măng - Vật liệu xây dựng (SCG Cement-Building Materials), Hóa dầu (SCG Chemicals), và Bao bì (SCG Packaging), SCG không còn xa lạ trên thương trường Việt với cả chục thương vụ M&A lớn nhỏ trong thập niên qua.
SCG bắt đầu mở rộng hoạt động sang Việt Nam như một quốc gia chiến lược từ năm 1992. Mặc dù mới thâm nhập vào thị trường Việt được 23 năm, Tập đoàn này cũng đã có trong tay hơn 20 thương vụ mua bán, sáp nhập, trong đó, có những vụ mua bán với giá trị lên tới cả vài trăm triệu USD. Một trong những thương vụ lớn nhất phải kế đến vụ thâu tóm Prime Group, và loạt tên tuổi khác như Nhựa Bình Minh, Nhựa Duy Tân, Bao bì Biên Hoà, Bao bì Tín Thành….
Về hoạt động kinh doanh năm qua, SCG công bố doanh thu bán hàng là 342.220 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước do giá sản phẩm hóa dầu giảm và không hợp nhất hoạt động kinh doanh của SCG Logistics Sales. Ngược lại, lợi nhuận trong năm đạt 17.750 tỷ đồng tăng 21% so với cùng kỳ, chủ yếu từ việc điều chỉnh giá trị hợp lý của các khoản đầu tư trong nửa đầu năm 2023.
Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của SCG lên tới 620.560 tỷ đồng. Trong đó, tổng tài sản của SCG tại Đông Nam Á (ngoại trừ Thái Lan) là 284.100 tỷ đồng, chiếm 46% tổng tài sản hợp nhất của SCG.