DN đằng sau Tổ hợp hóa dầu tích hợp hoàn chỉnh đầu tiên tại Việt Nam: Tổng vốn hơn 5 tỷ USD, sắp vận hành sau 15 năm đầu tư

Tri Túc | 08:21 12/11/2023

Khi đi vào vận hành thương mại, tổ hợp hóa dầu Long Sơn sẽ tạo việc làm ổn định cho 10.000 lao động và đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 2.500 tỷ đồng/năm.

DN đằng sau Tổ hợp hóa dầu tích hợp hoàn chỉnh đầu tiên tại  Việt Nam: Tổng vốn hơn 5 tỷ USD, sắp vận hành sau 15 năm đầu tư

Tổ hợp hóa dầu Long Sơn (LSP) hơn 5 tỷ USD tại Vũng Tàu sắp vận hành toàn bộ, thông tin được đưa ra từ chủ đầu tư. Trong thông báo hồi tháng 5, phía Tập đoàn SCG cho biết dự án đã đi vào vận hành thử nghiệm sản xuất hạt nhựa polyolefin (PP, HDPE, LLDPE) cung cấp hạt nhựa cho thị trường Việt Nam.

tổ hợp hóa dầu tích hợp hoàn chỉnh đầu tiên tại Việt Nam, tổng đầu tư hơn 5 tỷ USD

Được biết, LSP là dự án có quy mô lớn nhất tính đến hiện tại, đồng thời là tổ hợp hóa dầu tích hợp hoàn chỉnh đầu tiên tại Việt Nam. Dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư tháng 7/2008, có tổng vốn đầu tư ban đầu là 3,77 tỷ USD, sau đó tăng lên 4,5 tỷ USD và tăng lên 5,4 tỷ USD vào giai đoạn cuối. Cùng với các nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn, Long Sơn, đây là dự án có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của ngành dầu khí Việt Nam.

Dự án đặt tại xã Long Sơn, Tp.Vũng Tàu, bao gồm nhà máy lefin, nhà máy polyethylene và các hạng mục liên quan như cụm cảng - bồn bể chuyên dụng và nhà máy tiện ích trung tâm với tổng vốn đầu tư hơn 5 tỷ USD, có diện tích mặt đất là 464ha và diện tích mặt nước là 194ha (cho hệ thống cảng biển).

LSP có tổng công suất thiết kế 1,4 triệu tấn hạt nhựa olefin/năm, được thiết kế để sản xuất đa dạng các sản phẩm hoá dầu, bao gồm những sản phẩm là nguyên liệu cần thiết cho ngành nhựa như polyetylen, polypropylen và các sản phẩm khác, giúp thay thế các sản phẩm polyolefin nhập khẩu cũng như tăng khả năng cạnh tranh cho các nhà sản xuất hạ nguồn tại thị trường nội địa.

Khi đi vào vận hành thương mại, tổ hợp hóa dầu Long Sơn sẽ tạo việc làm ổn định cho 10.000 lao động và đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 2.500 tỷ đồng/năm. Quan trọng hơn, sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác, tổ hợp hóa dầu tích hợp 5 tỷ USD này được kì vọng sẽ tạo ra sức lan tỏa lớn cho sự phát triển ngành công nghiệp hóa dầu, các ngành công nghiệp hạ nguồn như ô tô, điện tử, thiết bị điện, bao bì và các ngành dịch vụ khác của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Chính thức về tay SCG từ tháng 6/2018

Về chủ đầu tư, LSP trải qua nhiều biến động về cổ phần. Ở thời điểm được cấp phép năm 2008, chủ đầu tư của dự án này - Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) - là liên doanh giữa Tập đoàn Siam Cement Group (SCG) của Thái Lan chiếm 53%; Công ty Nhựa và Hóa chất Thái Lan (thuộc SCG) chiếm 18%; Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) chiếm 18%; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) chiếm 11%.

Cuối năm 2012, Vinachem tiến hành thoái toàn bộ vốn khỏi dự án với lý do muốn tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính là các sản phẩm phi dầu khí và phân bón. Petrovietnam, dưới sự chấp thuận của Chính phủ, đã mua lại 11% cổ phần của Vinachem để nâng phần góp vốn lên 29% vào tháng 12/2014….

Đến tháng 6/2018, SCG đã ký thỏa thuận mua lại 29% cổ phần của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petro Vietnam) trong dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam (Dự án Long Sơn), chính thức tăng vốn sở hữu từ 71% lên 100%.

Trong đó, SCG không còn là cái tên xa lạ trên thương trường Việt Nam với loạt thương vụ M&A đình đám, sau sự vụ chấn động LSP.

SCG là một trong những tập đoàn hàng đầu Đông Nam Á hoạt động trong 3 lĩnh vực kinh doanh chính là: Xi măng - Vật liệu xây dựng (SCG Cement-Building Materials), Hóa dầu (SCG Chemicals), và Bao bì (SCG Packaging), SCG không còn xa lạ trên thương trường Việt với cả chục thương vụ M&A lớn nhỏ trong thập niên qua.

SCG bắt đầu hoạt động kinh doanh tại Việt Nam từ năm 1992 đến nay với hơn 21 công ty thành viên đang hoạt động kinh doanh với hơn 8.500 nhân viên. Trong đó, các sản phẩm thuộc ngành Xi măng - Vật liệu xây dựng gồm: ngói bê tông; xi măng trắng; bê tông tươi thương hiệu SCG; gạch men ốp tường và lót sàn thương hiệu Prime; sứ vệ sinh và phụ kiện nhà tắm COTTO.

Thâu tóm loạt tên tuổi lớn ngành nhựa Việt Nam

scg1.png

Thương vụ đáng chú ý gần nhất, giữa cao điểm đại dịch, SCG công bố mua 70% cổ phần của CTCP Sản xuất Nhựa Duy Tân, theo đó công ty con SCG Packaging (SCGP) sẽ là pháp nhân nhận chuyển nhượng cổ phần.

Động thái này nằm trong kế hoạch đầu tư 10 tỷ baht (334 triệu USD), nhằm mở rộng lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam – nơi đang có nhu cầu lớn và tiếp tục gia tăng về các sản phẩm bao bì nhựa. Đặc biệt, nhựa bao bì đang là ngành trọng tâm hiện nay của SCG, từ đầu năm 2020 Tập đoàn này cho biết đang điều chỉnh để đối phó với những biến động kinh thông qua mô hình kinh doanh tích hợp để phát triển bền vững trong khu vực ASEAN.

Trước đó, SCG đã đầu tư vào Bao bì Biên Hòa (Sovi) để củng cố vị thế của mình trong lĩnh vực sản xuất bao bì thượng nguồn tại Việt Nam. Ngoài ra, SCG cũng mua lại Công ty TNHH Go-Pak (Go-Pak), một trong những nhà cung cấp giải pháp dịch vụ thực phẩm hàng đầu tại Anh, châu Âu và Bắc Mỹ, với các cơ sở sản xuất tại miền Nam Việt Nam. Những khoản đầu tư này sẽ mở rộng tiềm năng của tập đoàn trong lĩnh vực kinh doanh bao bì thực phẩm.

Cùng với Sovi và Duy Tân, danh sách các công ty thành viên của SCG trong mảng bao bì hiện có hơn 20 đơn vị, bao gồm Liên doanh Việt – Thái Plastchem, Nhựa và Hóa chất TPC Vina, Chemtech, Vật liệu nhựa Minh Thái, Giấy Kraft Vina, Công ty Công nghiệp Tân Á, Bao bì AP, Sản xuất Bao bì Alcamax, Packamex…

Thế lực lớn trong ngành vật liệu xây dựng

Bên cạnh loạt thương vụ trong ngành nhựa-bao bì thời gian qua thì SCG cũng trở thành một thế lực lớn trong ngành vật liệu xây dựng Việt Nam với những thương vụ mua lại Prime Group, StarCemt/Xi măng Sông Gianh hay Nhựa Bình Minh.

Năm 2012, SCG đã chi ra 240 triệu USD để mua lại 85% cổ phần của nhà sản xuất gạch ốp lát lớn nhất Việt Nam là Prime Group.

Việc mua lại Prime Group không chỉ giúp SCG tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam, mà còn giúp tập đoàn này trở thành nhà sản xuất gạch lát sàn lớn nhất thế giới, với sản lượng kỷ lục là 225 triệu m2/năm.

Năm 2017, SCG tiếp tục chi 156 triệu USD để mua lại công ty VCM - đơn vị sở hữu nhà máy Xi măng Sông Gianh tại Quảng Bình.

Trong lĩnh vực nhựa xây dựng, SCG từng đầu tư vào cả Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong. Sau đó, tập đoàn này đã thoái hết vốn tại Nhựa Tiền Phong đồng thời tăng sở hữu tại Nhựa Bình Minh lên hơn 54%.

scg2.png

Liên tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam với chính sách ưu tiên đầu tư vào Việt Nam sẽ là mua lại nhằm đến với thị trường nhanh hơn, SCG thu về hàng tỷ USD doanh số mỗi năm, tốc độ tăng trưởng đạt 29%. Riêng giai đoạn 2015-2017, doanh thu SCG Việt Nam tăng gần gấp đôi từ mức 14.000 tỷ lên 25.703 tỷ đồng.

Năm 2020, SCG Việt Nam đạt doanh thu bán hàng đạt 26.574 tỷ đồng (1.144 triệu USD), giảm 10% so với cùng kỳ, chủ yếu giảm tại mảng ngành kinh doanh Xi măng - VLXD và xuất khẩu từ Thái Lan. Dù vậy, với loạt thương vụ lớn trong mảng nhựa, doanh số SCG Việt Nam năm sau đó “nhảy vọt” trở lại lên 35.000 tỷ đồng – tăng 32% so với năm 2020.

Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của SCG tại Việt Nam đạt 146.794 tỷ đồng (tương đương 6,442 tỷ USD), tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu từ hoạt động của Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP).


(0) Bình luận
DN đằng sau Tổ hợp hóa dầu tích hợp hoàn chỉnh đầu tiên tại Việt Nam: Tổng vốn hơn 5 tỷ USD, sắp vận hành sau 15 năm đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO