Tỉnh Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, được tái lập từ ngày 1/1/1997. Đây là tỉnh ở Đông Nam Bộ có nhiều thành phố nhất cả nước, bao gồm: TP. Thủ Dầu Một, TP. Thuận An, TP. Dĩ An, TP. Tân Uyên và TP. Bến Cát cùng 4 huyện: Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên.
Từ một tỉnh nghèo với kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, đến nay, Bình Dương đã trở thành tỉnh công nghiệp với tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh. Trong đó, tỷ lệ đô thị hóa thuộc nhóm cao nhất cả nước. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, Bình Dương là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước, đạt 8,29 triệu đồng/người/tháng.
Theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030, tỉnh Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 mục tiêu đạt khoảng 10%/năm, GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 15.800 USD. Tỷ lệ đô thị hóa mục tiêu đạt 88-90%.
Mặc dù số lượng, mật độ và tỷ lệ đô thị hóa rất cao so với bình quân cả nước, tuy nhiên, tỉnh Bình Dương có mật độ 3 thành phố là TP. Thủ Dầu Một, TP. Dĩ An và TP. Thuận An là vùng đô thị hóa tập trung tương đối lớn (mật độ 2 đô thị này cao nhất so với mức bình quân toàn tỉnh 3,0 - 8,3 lần), là các khu vực đô thị đóng vai trò quan trọng của tỉnh, Vùng Đông Nam Bộ và đóng vai trò quan trọng trong hệ thống đô thị của quốc gia.
Theo Báo cáo tổng hợp quy hoạch tỉnh Bình Dương, tỉnh định hướng phát triển 4 thành phố (bao gồm cả thị xã Bến Cát mới lên thành phố vào năm 2024) có tỷ lệ đô thị hóa đạt 100%.
TP. Thủ Dầu Một
TP. Thủ Dầu Một là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, đô thị của tỉnh Bình Dương và Vùng Đông Nam Bộ; là đô thị thông minh, hạt nhân của vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương; phát triển đô thị gắn với công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao. Thành phố này là đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một vùng liên tỉnh Đông Nam Bộ.
Theo định hướng phát triển TP. Thủ Dầu Một, đến năm 2025, dân số đạt khoảng 400.000 người, trong đó dân số nội thành khoảng 400.000 người; đến năm 2030, dân số thành phố là 550.000 người, dân số nội thị khoảng 550.000 người, tỷ lệ đô thị hoá là 100%.
Mô hình cấu trúc phát triển bao gồm 3 vùng chức năng tương ứng với 3 không gian động lực của thành phố. Trong đó, vùng động lực phía Bắc – Thủ phủ tỉnh Bình Dương và trung tâm Đổi mới Sáng tạo của vùng Đông Nam Bộ. Vùng động lực phía Nam – Đô thị văn hóa lịch sử của vùng: bao gồm đô thị cũ và vùng phụ cận. Vùng động lực phía Tây – Thủ phủ xanh của vùng: là vùng không gian phía Tây của Thành phố, tả ngạn sông Sài Gòn, đối diện với Củ Chi.
TP. Dĩ An
TP. Dĩ An là đô thị dịch vụ - giáo dục - công nghiệp của tỉnh Bình Dương, là Trung tâm đô thị đại học, đầu mối giao thông vùng, trong đó công nghiệp được định hướng phát triển theo chuyên sâu.
Thành phố có chức năng là không gian liên kết vùng giữa đô thị Bình Dương và TP. HCM, là trung tâm dịch vụ thương mại và công nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển giao thông đầu mối. Ngoài ra, đây là trung tâm giáo dục, đào tạo cấp vùng; trung tâm dịch vụ, thương mại kết hợp với các khu ở mật độ cao; trung tâm phát triển Logistic kết hợp với phát triển đô thị.
Đến năm 2025, quy mô dân số định hướng tại thành phố đạt khoảng 550.000 người, trong đó dân số nội thành khoảng 550.000 người; đến năm 2030, quy mô dân số đạt khoảng 600.000 người, trong đó dân số nội thành khoảng 600.000 người; tỷ lệ đô thị hoá là 100%.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021 - 2025, TP. Dĩ An tập trung đầu tư vào một số dự án hạ tầng khung có tầm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội (Quốc lộ 1A, 1K, xây dựng hoàn chỉnh đường Vành đai 3, cao tốc Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, các tuyến Vành đai Đông Bắc). Xây dựng các đô thị hiện đại và bền vững, tập trung nguồn lực xây dựng thành phố đạt tiêu chí đô thị loại I, là thành phố trực thuộc tỉnh..
TP. Thuận An
TP. Thuận An là một trong các tiểu vùng trung tâm phía Bắc của khu trung tâm đô thị vùng TP. HCM – cửa ngõ phía Bắc của TP. HCM với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Nam Tây Nguyên.... Đây là một đô thị dịch vụ - công nghiệp quy mô lớn phía Nam tỉnh Bình Dương, là đầu mối giao thông quốc gia, quốc tế quan trọng của tỉnh và của Vùng TP. HCM và có vị trí quan trọng về quốc phòng an ninh.’
Theo định hướng phát triển thành phố, đến năm 2025, quy mô dân số đạt khoảng 670.000 người, trong đó dân số thành thị khoảng 670.000 người; đến năm 2030 khoảng 700.000 người, dân số thành thị khoảng 700.000 người; tỷ lệ đô thị hóa là 100%.
Định hướng phát triển kinh tế của TP. Thuận An theo 3 vùng chính, bao gồm: Vùng 1 (đô thị sinh thái, đô thị và truyền thống dịch vụ); Vùng 2 (trung tâm công nghiệp, dịch vụ Logistic); Vùng 3 (đô thị hiện trạng và phát triển mới).
TP. Bến Cát
Sáng ngày 25/4/2024, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TX.Bến Cát đã tổ chức lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập phường An Điền, phường An Tây thuộc TX. Bến Cát và thành lập Thành phố Bến Cát, thuộc tỉnh Bình Dương. Như vậy, sau khi thị xã Bến Cát lên thành phố, tỉnh Bình Dương trở thành địa phương có nhiều thành phố nhất cả nước.
Bến Cát là đô thị động lực, hạt nhân của tỉnh Bình Dương với tính chất là trung tâm công nghiệp, văn hoá, giáo dục đào tạo của tỉnh. Đây là trung tâm đô thị có chức năng đô thị công nghiệp - dịch vụ - đầu mối giao thông. Trong đó, công nghiệp theo hướng phát triển công nghiệp sạch, có công nghệ cao. Ngoài ra, đây cũng là đầu mối giao thông phía Tây Nam của tỉnh Bình Dương.
Theo Báo cáo tổng hợp quy hoạch tỉnh Bình Dương, đến năm 2030, dân số Bến Cát đạt khoảng 550.000 người (dân số chính thức 460.000 người, dân số quy đổi 90.000 người), tỷ lệ đô thị hoá khoảng 100%. Đến năm 2040, dân số khoảng 740.000 người và đạt quy mô 800.000 người đến năm 2050.