Gần đây, trên mạng xã hội Tik Tok, một số người tự nhận là “môi giới” người Việt Nam giới thiệu đầu tư vào các dự án căn hộ, căn hộ tại trung tâm TP Bangkok (Thái Lan). Bangkok, hay được người dân Thái Lan gọi với danh xưng Krung Thep, là thủ đô của Vương quốc Thái Lan - nơi chỉ cách TP HCM 1 giờ và 30 phút bay, gần hơn hơn giữa TP HCM - Hà Nội.
Vị trí các căn hộ hoặc dự án căn hộ được những môi giới này giới thiệu chủ yếu nằm ở khu trung tâm thương mại sầm uất nhất Bangkok. Để dễ hình dung, các vị trí này tương đương với khu Vincom Đồng Khởi (quận 1, TP HCM) hoặc Tràng Tiền Plaza (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Mức giá họ giới thiệu trong video trên mạng xã hội rơi vào tầm 2,5 tỷ đồng/căn hộ. Tuy nhiên, video không nói rõ số phòng ngủ hay không mô tả chi tiết hơn. Khách hàng quan tâm sẽ được yêu cầu nhắn tin riêng. Mức giá này có thể có ở thị trường bất động sản Bangkok nhưng chủ đầu tư người Việt Nam nên hỏi kỹ hơn.
Phóng viên khảo sát một số dự án căn hộ khác tại Bangkok. Dự án HYDE SUKHUMVIT 11, cạnh trạm BTS Nana, đang rao bán dao động 6-7,5 triệu baht (mức giá này có thể thay đổi theo tiến độ dự án, khoảng 4,2 - 5,3 tỷ đồng). Căn hộ nhỏ nhất rộng 28m2, một phòng ngủ. Rộng nhất lên đến 160m2.
Các nếu mua lại căn hộ cũ, người Việt Nam có thể có nhiều lựa chọn vừa túi tiền hơn. Chẳng hạn, một căn hộ ở khu Chatuchak rộng từ 24m2, một phòng ngủ, đang được rao bán từ 3,7 triệu baht (khoảng hơn 2,1 tỷ đồng).
Một căn hộ ở Wang Thonglang, xây dựng từ 2008, có một phòng ngủ, rộng 28m2, đang được rao bán từ 1,350 triệu baht (hơn 910 triệu đồng). Căn hộ ở khu vực Huai Khwang hoàn thành hồi năm 2022, rộng 36m2, một phòng ngủ, được rao bán giá 6,25 triệu baht (4,3 tỷ đồng).
Như vậy, có thể thấy, dải giá căn hộ tại Bangkok khá rộng và phù hợp với khả năng tài chính của nhiều người Việt Nam. Tuy nhiên, nhà đầu tư còn cần quan tâm đến vấn đề pháp lý.
Luật pháp Thái Lan quy định sở hữu bất động sản với người nước ngoài
Theo luật pháp Thái Lan, người nước ngoài không được phép mua đất ở Thái Lan dưới tên riêng của họ. Trong một số trường hợp hiếm hoi, có những ngoại lệ nhưng nó không phải là thông lệ.
Tuy nhiên, theo CBRE Thái Lan, có những lựa chọn thay thế cho người nước ngoài muốn mua đất bằng cách thành lập công ty Thái Lan hoặc sở hữu đất theo cơ cấu cho thuê với nhà phát triển/người bán.
Mặc dù người nước ngoài không thể đứng tên sở hữu mảnh đất nhưng họ có thể sở hữu ngôi nhà trên mảnh đất đó; trước tiên họ phải xin giấy phép xây dựng để đứng tên mình xây dựng. Điều này cũng giúp đảm bảo việc thuê đất dài hạn.
“Không giống như nhà đất, người nước ngoài có thể mua một căn hộ chung cư ở Thái Lan, dưới hình thức sở hữu toàn quyền hoặc cho thuê”, CBRE Thái Lan khẳng định.
Cách phổ biến nhất để người nước ngoài sở hữu tài sản ở Thái Lan là mua một căn hộ chung cư sở hữu toàn quyền. Luật pháp nước này cho phép người nước ngoài sở hữu 49% tổng diện tích có thể bán của mỗi dự án chung cư.
Trong trường hợp đạt đến hạn mức sở hữu nước ngoài trong một dự án chung cư, người nước ngoài có thể mua một căn hộ dưới dạng cho thuê (tùy thuộc vào chính sách của từng dự án) hoặc thành lập một công ty Thái Lan có tỷ lệ nước ngoài nhỏ hơn hoặc bằng đến 49%.
Đối với dự án căn hộ cho thuê, tất cả người nước ngoài đều có thể đứng tên mua mà không bị giới hạn về hạn mức sở hữu nước ngoài. Thời hạn cho thuê tối đa theo luật Thái Lan là 30 năm nhưng một số nhà phát triển cung cấp tùy chọn gia hạn thêm hoặc dưới 30 năm.
Người nước ngoài mua một căn hộ chung cư dưới tên riêng của họ phải chuyển tiền bằng bất kỳ loại ngoại tệ nào từ tài khoản ngân hàng ở nước ngoài của họ vào Thái Lan và với mục đích cụ thể là "mua một căn hộ chung cư".
Người nước ngoài sở hữu căn hộ cũng cần trả phí. Trong đó có phí chung/quản lý hoặc phí quản lý khu vực chung (CAM) là phí được giữ để bảo trì và bảo dưỡng tòa nhà, là một phần chi phí cho khu vực chung, chẳng hạn như điện, bảo vệ, cơ sở vật chất... Có thể thanh toán phí CAM hàng tháng, hàng quý hoặc hàng năm tùy theo chính sách của từng pháp nhân.
Phí này sẽ được tính từ tỷ lệ cố định của từng căn hộ, tỷ lệ sở hữu hoặc quy mô của căn hộ tùy thuộc vào từng dự án. Nếu bất kỳ chung cư sở hữu toàn quyền nào cung cấp chỗ đậu xe dành riêng được nêu trong chứng thư quyền sở hữu, thì những người đồng sở hữu cũng cần phải trả phí CAM cho khu vực đậu xe.
Quỹ chìm là quỹ được thành lập cho các chi phí sắp tới trong tương lai cần thiết để thực hiện việc cải tạo hoặc nâng cấp lớn của tòa nhà, chẳng hạn như sơn lại tòa nhà, bảo trì thang máy hoặc thay đổi đường ống nước. Mọi người đồng sở hữu cần phải trả số tiền này vào tài khoản ngân hàng của pháp nhân như bước đầu tiên khi đăng ký chuyển quyền sở hữu tại Sở Đất đai.
Phí bảo hiểm tòa nhà tùy thuộc vào từng công trình. Ở một số tòa nhà, khoản phí này được bao gồm trong phí chung, nhưng các tòa nhà khác có chính sách coi đây là khoản thanh toán bổ sung. Phí này chỉ bao gồm khu vực chung, không bao gồm bên trong các đơn vị cá nhân. Trong trường hợp hỏa hoạn, bảo hiểm này sẽ chỉ bảo hiểm cho khu vực chung, không bao gồm bên trong căn hộ của người đồng sở hữu.