Trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Donald Trump cam kết áp dụng thuế quan lên hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động lên kế hoạch ứng phó thay vì chờ đợi những tác động khó tránh khỏi.
Theo Tiến sĩ Scott McDonald, vấn đề thuế quan đặt ra nhiều thách thức, tuy nhiên, đây cũng có thể mở ra cơ hội để thúc đẩy làn sóng đổi mới và nâng cao chất lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam.
"Sự chuyển mình này có thể làm nổi bật vai trò của Việt Nam như một đối tác thương mại quan trọng hơn đối với Mỹ trong tương lai", chuyên gia nhận định.
Có nhiều giải pháp chiến lược có thể làm thay đổi vị thế xuất khẩu của Việt Nam trong thập kỷ tới, theo giảng viên Đại học RMIT, doanh nghiệp nên chuyển đổi từ cạnh tranh về giá thành sang cạnh tranh bằng giá trị, đầu tư công nghệ 4.0, tối đa hóa chuỗi cung ứng, xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, đổi mới chuyên môn hóa...
“Các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam sẽ thu được lợi ích lớn khi đầu tư vào công nghệ tiên tiến và phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao, giúp từng bước vươn lên các bậc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu”, chuyên gia chia sẻ.
Dẫn chứng về việc đầu tư vào công nghê, chuyên gia từ RMIT cho rằng, nhiều nhà sản xuất lớn hiện đã ứng dụng công nghệ 4.0, bao gồm hệ thống kiểm soát chất lượng bằng trí tuệ nhân tạo và dây chuyền sản xuất tự động. Những khoản đầu tư này không chỉ cải thiện năng suất mà còn giúp giảm thiểu tác động của thuế quan thông qua tiết kiệm chi phí vận hành.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp khác cũng tối ưu hóa chuỗi cung ứng thông qua việc xây dựng các mạng lưới logistics tiên tiến với hệ thống theo dõi thời gian thực, quản lý hàng tồn kho thông minh và phân tích dự báo. Những cải tiến này giúp giảm thiểu lãng phí, hạ thấp chi phí và nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng tại Mỹ.
Cùng với đó, việc xây dựng quan hệ đối tác lâu dài với các doanh nghiệp Mỹ ngày càng trở nên quan trọng. Nhiều công ty Việt Nam không còn chỉ dừng lại ở vai trò nhà cung cấp mà đã thiết lập các quan hệ đối tác chiến lược với doanh nghiệp Mỹ, bao gồm phát triển sản phẩm chung, hợp tác nghiên cứu thị trường và các hợp đồng cung ứng dài hạn để ứng phó với những biến động thị trường.
Xu hướng chuyển đổi từ mối quan hệ nhà cung cấp đơn thuần sang mối quan hệ đối tác toàn diện đang ngày càng rõ nét. Nhiều công ty Việt Nam đã mở văn phòng tại Mỹ, xây dựng mạng lưới phân phối và phát triển quan hệ trực tiếp với khách hàng cuối cùng. Việc hiện diện ngay tại thị trường này giúp họ duy trì tính cạnh tranh bất chấp sự gia tăng của các rào cản thuế quan.
Đổi mới và chuyên môn hóa đang trở thành những lợi thế cạnh tranh khác biệt. Thay vì chỉ cạnh tranh về giá, các nhà sản xuất Việt Nam đang hướng tới phát triển các sản phẩm độc đáo và khả năng chuyên biệt, khiến họ trở thành đối tác giá trị của các doanh nghiệp Mỹ.
Điều này bao gồm đầu tư vào nghiên cứu phát triển, thiết kế sản phẩm tùy chỉnh và nâng cao hệ thống kiểm soát chất lượng. Chúng ta đang chứng kiến một số công ty Việt Nam chuyển mình từ nhà sản xuất gia công sang vai trò đối tác kinh doanh thực thụ, có khả năng cung cấp các giải pháp toàn diện cho khách hàng Mỹ.
Nhìn về tương lai, tiến sĩ Scott McDonald dự báo, ngành sản xuất của Việt Nam có thể chứng kiến các xu hướng gồm: áp dụng công nghệ Digital Twins (bản sao kỹ thuật số) để tối ưu hóa chuỗi cung ứng; xây dựng quy trình sản xuất xanh đáp ứng nhu cầu của thị trường; áp dụng hệ thống theo dõi dựa trên blockchain để tăng cường tính minh bạch; thành lập thêm các trung tâm phân phối…
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang tăng cường năng lực tuân thủ thương mại. Đầu tư vào chuyên môn và hệ thống nhằm đảm bảo quá trình thông quan trôi chảy không chỉ giúp duy trì vị thế là đối tác tin cậy của các cơ quan nước sở tại mà còn xây dựng lòng tin với đối tác và giảm thiểu các rào cản trong giao dịch.
Do đó, chuyên gia RMIT nhận định, tương lai của thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ phụ thuộc rất lớn vào khả năng thích ứng và đổi mới của doanh nghiệp Việt Nam.