Tiềm lực của DOJI LAND ra sao sau 10 năm thành lập?

An Diệp | 16:01 09/10/2024

Sau 10 năm thành lập, với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của DOJI Group, DOJI Land đã liên tục gia tăng danh mục và quy mô dự án, vượt lên những trồi sụt trong kết quả kinh doanh của DOJI Group và của chính DOJI LAND.

Tiềm lực của DOJI LAND ra sao sau 10 năm thành lập?
DOJI LAND là thành viên chủ lực của hệ sinh thái DOJI Group

Thành lập vào năm 2014, DOJI LAND là thành viên chủ chốt của Tập đoàn Vàng Bạc Đá quý DOJI - tập đoàn kinh doanh đa ngành, top 5 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, với lĩnh vực then chốt là vàng bạc đá quý, tài chính và bất động sản (BĐS).

Thời gian qua, theo các thông tin quảng bá, với chiến lược khác biệt với các sản phẩm trên thị trường, DOJI LAND là đơn vị tiên phong cho dòng sản phẩm "Kim địa ốc" - BĐS kim hoàn đã giúp DOJI Land giành được nhiều giải thưởng như nhà phát triển BĐS hạng sang tốt nhất Đông Nam Á (DOT Property Southeast Asia Awards 2023), "Doanh nghiệp xuất sắc châu Á" tại giải thưởng Asia Pacific Enterprise Awards 2024, nhà phát triển BĐS hạng sang tốt nhất Việt Nam (DOT Property Vietnam Awards 2024); top 10 nhà phát triển BĐS hàng đầu Việt Nam (BCI Asia Awards 2024); nhà phát triển phong cách sống tốt nhất Việt Nam (PropertyGuru 2023)…

Liên tục mở rộng danh mục và quy mô các dự án bất động sản trên phạm vi cả nước, nhất là tại các đô thị trọng điểm như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế,… yêu cầu DOJI Land cũng như doanh nghiệp đứng sau là DOJI Group cần có một tiềm lực mạnh về tài chính.

Sức khỏe tài chính của DOJI Group

Về quy mô, theo giới thiệu, năm 2023, DOJI Group tiếp tục được vinh danh trong bảng xếp hạng Top 5 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2023. Đây là năm thứ 14 liên tiếp, Tập đoàn DOJI giữ vững vị thế Top 5 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam. Cũng trong năm 2023, DOJI vinh dự đứng vị trí 18/500 doanh nghiệp lớn nhất của mọi thành phần kinh tế Việt Nam.

Năm 2022, DOJI cũng xếp thứ 5 trong Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, trước đó, năm 2021, DOJI xếp trên 2 bậc ở vị trí thứ 3/500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Về tình hình tài chính của DOJI Group, doanh nghiệp sở hữu hệ sinh thái đa ngành với trọng tâm là kinh doanh vàng bạc đá quý do doanh nhân Đỗ Minh Phú sáng lập.

Năm 2023, lợi nhuận sau thuế của DOJI Group sụt giảm 51,67% xuống chỉ còn 491,3 tỷ đồng so với mức lãi ròng của năm 2022 là 1.016,7 tỷ đồng.

doji-1.jpg
Nguồn: Báo cáo của DOJI Group gửi HNX

Đáng chú ý, cùng với đà sụt giảm mạnh của lãi ròng thì nợ phải trả của DOJI Group lại tăng đến 27,77% từ mức khoảng 12.404,9 tỷ đồng cuối năm 2022 lên đến 15.850,9 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2023.

Dù kết quả lợi nhuận năm 2022 của DOJI Group đạt 1.016,7 tỷ đồng, tuy nhiên, trước đó vào năm 2021, DOJI Group lại chỉ báo lãi 233,8 tỷ đồng.

doji-0.jpg
Nguồn: Báo cáo của DOJI Group gửi HNX

Trong khi lợi nhuận ròng thu được liên tục trồi sụt thì nợ phải trả của DOJI Group lại tăng trưởng "bền vững" từ mức 922,9 tỷ đồng (2021) lên 12.404,9 tỷ đồng (2022) và đạt 15.850,9 tỷ đồng (2023).

Bên cạnh đó, dù liên tục góp mặt trong danh sách Top 5 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam nhưng theo sự góp mặt của DOJI trong danh sách danh sách 1.000 Doanh nghiệp nộp thuế TNDN lớn nhất Việt Nam (V1000) lại khá khiêm tốn.

Cụ thể, năm 2021, trong khi xếp thứ 3/500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam thì DOJI xếp thứ 999/1000 trong danh sách V1000. Trong danh sách V1000 năm 2022 do Tổng cục thuế công bố không có sự góp mặt của DOJI.

Tiềm lực của DOJI LAND

Là thành viên chủ chốt trong hệ sinh thái DOJI, hoạt động trong mảng bất động sản, trong giai đoạn 2021 - 2022, DOJI LAND có doanh thu thuần tăng từ 2.058 tỷ đồng lên 2.849 tỷ đồng (tăng 38%). Lợi nhuận gộp cũng tăng tương ứng từ 545 tỷ đồng lên 1.005 tỷ đồng (tăng 84%).

Hoạt động tài chính của DOJI LAND cũng tích cực, tăng từ 18 tỷ đồng (2021) lên 251 tỷ đồng (2022), tức tăng gấp 14 lần.

Trong khi đó, tổng chi phí kinh doanh không quá lớn, chiếm 21% - 22% doanh thu thuần. Nhờ vậy, DOJI LAND ghi nhận khoản lãi sau thuế giai đoạn 2021 - 2022 lên tới 136 - 386 tỷ đồng (tương ứng tăng trưởng 3,7 lần). ROS (lợi nhuận sau thuế/doanh thu) khá cao, lần lượt các năm đạt: 6,6% và 13,5%.

Bước sang năm 2023, doanh thu thuần năm 2023 bất ngờ chỉ đạt 126 tỷ đồng, giảm tới 95% so với năm trước. Lợi nhuận gộp vì vậy chỉ đạt 33 tỷ đồng, giảm tới 97%. Biên lợi nhuận gộp giảm một mạch từ 35,27% của năm trước xuống chỉ còn 26,19%.

Hoạt động tài chính, vốn chứng kiến bước nhảy bằng lần ở năm trước, đến 2023 quay đầu giảm mạnh, chỉ đạt 185 tỷ đồng, tương đương giảm 26%. Mặc dù các chi phí được tiết giảm đáng kể nhưng kết năm 2023, DOJI LAND chỉ có lợi nhuận sau thuế 172 tỷ đồng, giảm tới 55% so với năm trước đó.

Đáng nói hơn nữa là năm 2023, dòng tiền kinh doanh của DOJI LAND âm 816 tỷ đồng trong bối cảnh vẫn đẩy tiền đi góp vốn vào các đơn vị khác, lưu chuyển tiền thuần cả năm âm tới 189 tỷ đồng, khiến quy mô tiền của công ty khi kết thúc năm 2023 chỉ còn 78 tỷ đồng, giảm 71% so với đầu năm.

Liên quan đến hoạt động của DOJI Land tại Hải Phòng, mới đây, Công ty Cổ phần Hải Phòng Invest (công ty con của DOJI LAND) vừa bị đề nghị truy thu 4,4 tỷ đồng do kê khai chưa đúng thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2023.

Tại Hải Phòng, Hải Phòng Invest hiện là chủ đầu tư 2 dự án Diamond Crown và Golden Crown tại mặt đường Lê Hồng Phong, thành phố Hải Phòng.

Được biết, cổ đông chính của Hải Phòng Invest là Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản DOJI Land - thành viên của CTCP Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI - Tập đoàn DOJI. Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc hiện tại của Hải Phòng Invest là ông Dương Anh Tuấn, ông Tuấn cũng được biết đến là Phó Tổng Giám đốc của Tập đoàn DOJI.

Tại lần công bố thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp ngày 13/9/2019, ông Đỗ Minh Đức, người đang là Phó Chủ tịch thường trực của Tập đoàn DOJI cũng đã xuất hiện tại Hải Phòng Invest trên cương vị Chủ tịch HĐQT.

Ở một diễn biến đáng chú ý khác có thể liên quan đến việc huy động tài chính của DOJI LAND, vào ngày 6/4/2023, DOJI Land đã thế chấp phần vốn góp tại Hải Phòng Invest (68 triệu cổ phần tương tương 44,74% vốn điều lệ) cho Vietinbank Chi nhánh Hai Bà Trưng.

Tại dự án Khu phức hợp Vương miện Kim Cương Hải Phòng (Diamond Crown Complex Hai Phong), mới đây, Hải Phòng Invest đã thế chấp hơn 1000 hợp đồng mua bán, đặt cọc với khách hàng tại TPBank.

Ngoài Hải Phòng Invest, thời gian qua, DOJI Land cũng đã liên tục tăng cường sự hiện diện tại thành phố “hoa phượng đỏ” khi vừa qua, CTCP Phát triển bất động sản Dragon, một pháp nhân liên quan mật thiết đến “hệ sinh thái” DOJI cũng đã bỏ ra hơn 1.205 tỷ đồng để trở thành nhà đầu tư trúng đấu giá tại dự án Khu đô thị mới xã Hoa Động, huyện Thủy Nguyên.

Cụ thể, CTCP Phát triển Bất động sản Dragon (bất động sản Dragon) được thành lập ngày 25/11/2023 với vốn điều lệ 1.650 tỷ đồng. Trong cơ cấu góp vốn, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản DOJI Land sở hữu 1.089 tỷ đồng vốn góp, tương đương 66% vốn điều lệ công ty, 33,9% vốn còn lại thuộc về Công ty TNHH Xây lắp và Kỹ thuật Phúc Thịnh.

Vào ngày 9/12/2023, bất động sản Dragon đã tiến hành tăng vốn từ 1.650 tỷ đồng lên 2.260 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được công bố. Trước đó vào ngày 6/12/2023, Bất động sản Dragon ước tính đã chi hơn 480 tỷ đồng để mua vào 27,6 triệu cổ phiếu TPB, tương đương 1,25% vốn của ngân hàng này.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Tiềm lực của DOJI LAND ra sao sau 10 năm thành lập?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO