Tuổi đời 24 năm, CTCP Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành (Phương Thành Tranconsin) đang là một trong những đơn vị tham gia đầu tư và thi công đường cao tốc nhiều nhất Việt Nam.
Trong hơn 1.000km đường cao tốc đã hoàn thành, đưa vào khai thác, tổng số chiều dài doanh nghiệp này đã tham gia thi công khoảng hơn 150km (chiếm 12%) với một số dự án tiêu biểu như: Dự án đầu tư nâng cấp tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ theo hình thức BOT, dự án cao tốc Nội Bài – Lào Cai, TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái…
Phương Thành Tranconsin còn đang hiện diện trên hàng loạt dự án quan trọng quốc gia khác như Cao tốc Bắc - Nam đoạn Vũng Áng - Bùng, Vân Phong - Nha Trang; Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; ...
Bên cạnh đó, Phương Thành còn tham gia thi công các công trình cầu kỹ thuật cao như Cầu Bạch Đằng - cây cầu lớn nhất cả nước và đứng thứ 3 trong số 7 cây cầu dây văng có nhiều nhịp nhất thế giới, Cầu Bến Rừng với kết cấu vĩnh cửu, gồm 4 nhịp Extradosed hiện đại...
Trong năm 2022, tổng giá trị sản lượng thi công dự án của Phương Thành hơn 4.143 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ. Doanh thu công ty đạt gần 2.000 tỷ đồng.
Bước ngoặt "cổ phần hóa"
Thành lập vào tháng 11/1999, tiền thân của Phương Thành Tranconsin là Công ty Xây dựng và dịch vụ GTVT, một doanh nghiệp trực thuộc Công đoàn GTVT Việt Nam. Những năm đầu ra đời, công ty có số vốn gần như bằng 0, chỉ có hơn 40 cán bộ, công nhân viên, các công trình thi công chủ yếu là chỉ định thầu và thầu phụ. Doanh thu của doanh nghiệp khi đó chỉ vài chục tỷ đồng, thu nhập hàng tháng của người lao động chỉ vỏn vẹn hơn 1 triệu đồng.
Theo ông Phạm Văn Khôi - Chủ tịch HĐQT của Phương Thành Tranconsin, bước ngoặt quan trọng dẫn đến sự phát triển vượt bậc của doanh nghiệp đó chính là cổ phần hóa.
Cụ thể, năm 2004, thực hiện chủ trương của Bộ GTVT và Công đoàn ngành, công ty được chuyển đổi mô hình CTCP. Sau khi cổ phần hóa, tổng vốn chủ sở hữu của công ty chỉ 7,5 tỷ đồng gồm 1,6 tỷ vốn Nhà nước và còn lại là vốn huy động từ cán bộ, công nhân viên công ty và các tổ chức, cá nhân khác.
May mắn việc cổ phần hóa giúp Phương Thành đáp ứng là doanh nghiệp có vốn Nhà nước dưới 50% để đủ điều kiện tham gia các dự án sử dụng vốn WB.
Từ những gói thầu 30 - 50 tỷ đồng, Phương Thành sau cổ phần hóa đã liên danh với các đơn vị lớn trúng thầu các dự án/gói thầu trị giá từ 250 tỷ đồng như dự án cải tạo, nâng cấp QL37 đoạn Đình Trám - Phố Hương, dự án cải tạo nâng cấp QL38B đoạn cầu Tràng - Hải Dương, ...
Năm 2007, cơ hội tiếp tục đến khi nguồn lực ngân hàng ADB cho Việt Nam vay để phát triển các dự án giao thông, mà các dự án này lại không chấp thuận doanh nghiệp có vốn Nhà nước tham gia. Công ty đã đề xuất với Công đoàn ngành xin thoái vốn Nhà nước và được chấp thuận, 1,6 tỷ vốn góp Nhà nước đã được cán bộ, công nhân viên Phương Thành mua lại.
Kể từ đây, Phương Thành tiếp tục tham gia được nhiều dự án lớn. Đến năm 2014, doanh thu của công ty đã đạt mức 1.000 tỷ. Cũng trong năm này, Phương Thành đã thử sức với vai trò nhà đầu tư tại dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ. Tiếp sau đó là dự án BOT Hạ Long - Vân Đồn, BOT cầu Bạch Đằng.
Giai đoạn 2014 -2015, Phương Thành tham gia những gói thầu 500 tỷ, 1.000 tỷ như gói thầu CW7.3 dự án hành lang ven biển phía tây nam 550 tỷ đồng, gói thầu CW2C dự án Cao Lãnh - Vàm Cống 1.000 tỷ đồng.
Thoát nạn trong suy thoái kinh tế nhờ "đi bằng nhiều chân"
Chia sẻ về giai đoạn khó khăn nhất của Phương Thành, ông Phạm Văn Khôi cho biết, năm 2011, Phương Thành trúng thầu gần 10 dự án thì có tới 6 dự án phải đình giãn trong quá trình thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh suy thoái kinh tế.
Ở một số dự án đã ứng tiền mua máy móc thiết bị, công ty phải trả lại chủ đầu tư, trong khi đó, các nguồn vay ngân hàng hạn chế hoặc lãi suất rất cao, có lúc lên tới 22-24%/năm.
May mắn, Phương Thành đã lựa chọn tham gia các dự án sử dụng dòng vốn khác nhau, không chỉ tập trung vào các dự án đầu tư công mà còn tích cực tham gia các dự án sử dụng vốn nước ngoài. Chính việc tham gia các dự án ODA khi ấy đã "cứu cánh" cho doanh nghiệp.
Ông Phạm Văn Khôi nói "Trong "bão tố" mới thấy được Phương Thành đã đi đúng hướng, nghĩa là chúng tôi đã đúng khi chọn đi bằng nhiều chân, tham gia các dự án sử dụng dòng vốn khác nhau."
Ngoài ra, một giai đoạn khó khăn khác của Phương Thành đó là năm 2018, nguồn vốn Nhà nước cho dự án giao thông bị bó hẹp, công ty dự kiến tiếp tục đầu tư một số dự án theo hình thức PPP nhưng do một số dự án BOT trước đó không được như kỳ vọng, các tổ chức tính dụng mất niềm tin và thu hẹp cánh cửa cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay. Công ty đối diện với sự hụt hẫng về khối lượng công việc, công ăn việc làm với người lao động, khi phải bỏ dở hành trình với các dự án BOT mới.
Nghiên cứu mở rộng sang thi công đường sắt tốc độ cao, sân bay, bến cảng, ...
Nói về cơ hội sắp tới, ông Khôi nhận xét, với mục tiêu đột phá kết cấu hạ tầng với 5 quy hoạch chuyên ngành GTVT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có lộ trình đầu tư cụ thể với các dự án đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải, hàng không, cơ hội với các doanh nghiệp giao thông Việt Nam nói chung, công ty Phương Thành nói riêng là rất lớn.
"Tôi nghĩ ngành Giao thông vẫn còn nhiều cơ hội phát triển khi việc xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc, sân bay, bến cảng mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu tăng tốc." - Chủ tịch Phương Thành Tranconsin nói
Phương Thành vẫn xác định lấy ngành nghề chính là xây dựng các công trình giao thông. Từ xây dựng cầu, đường đơn thuần, tới đây, công ty sẽ nghiên cứu chuyển hướng mở rộng thị trường xây lắp với nhiều loại hình công trình khác như: đường sắt tốc độ cao, sân bay, bến cảng, ...
Định hướng của Phương Thành là sẽ tiếp tục tích lũy nguồn lực để khi luật PPP được hoàn thiện, các dự án BOT được xã hội nhìn bằng ánh mắt thiện cảm hơn, công ty sẽ kết hợp với các tổ chức tín dụng, nhà đầu tư khác nghiên cứu đặt chân vào các dự án PPP mới, có phương án tài chính khả quan.