Thách thức không nhỏ
Tuy nhiên, những thách thức đặt ra đối với mục tiêu chấm dứt nhanh chóng cuộc chiến thương mại do chính nhà lãnh đạo này phát động đã lộ rõ từ những ngày đầu tiên.
Vào ngày 14/4, ông Maros Sefcovic – Ủy viên thương mại của Liên minh châu Âu (EU) – sẽ là một trong những quan chức nước ngoài đầu tiên đến Washington để đàm phán khẩn cấp về mức thuế nhập khẩu rất cao mà ông Trump vừa tuyên bố áp dụng hôm 2/4. EU hiện là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, với kim ngạch song phương gần 1.000 tỷ USD trong năm 2024.
Tuy nhiên, vào thời điểm ông Sefcovic đến Washington, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent - nhà đàm phán hàng đầu của chính quyền Trump về các chính sách thuế quan - lại đang ở Buenos Aires để thể hiện sự ủng hộ với các chính sách cải cách kinh tế của Argentina, dù trao đổi thương mại song phương giữa Mỹ và Argentina chỉ đạt 16,3 tỷ USD/năm.
Việc ông Bessent không có mặt ở Mỹ khi đại diện của EU đến đàm phán khiến giới chuyên gia thương mại đặt ra nghi vấn về khả năng chính quyền của Tổng thống Trump có thể điều phối cùng lúc hàng chục cuộc đàm phán và hiện thực hóa mục tiêu đầy tham vọng về 90 thỏa thuận trong vòng 90 ngày.
Bà Wendy Cutler – cựu trưởng đoàn đàm phán của Đại diện Thương mại Mỹ, hiện đứng đầu Viện Chính sách Châu Á - nhận định: "Việc khởi động những thỏa thuận này sẽ đòi hỏi quá trình đàm phán rất nghiêm túc. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, Mỹ sẽ khó mà ký kết được một thỏa thuận toàn diện với bất kỳ quốc gia nào."
Tuy nhiên, cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro lại khẳng định trên kênh Fox Business Network hôm 11/4 vừa qua rằng Bộ trưởng Tài chính Bessent cùng Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer và Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick có thể đảm nhận trọng trách này.
"Chúng tôi sẽ tiến hành đàm phán 90 thỏa thuận trong 90 ngày. Điều đó là khả thi," ông Navarro khẳng định.
Cũng theo lời ông Navarro, Tổng thống Trump sẽ là nhà đàm phán chính: “Sẽ không có bất kỳ điều gì được ký kết trước khi Tổng thống xem xét kỹ lưỡng”.
Trong tuần này, Tổng thống Trump vừa khởi động đồng hồ đếm ngược 90 ngày với tuyên bố tạm hoãn việc áp thuế đối ứng rất cao đối với nhiều quốc gia. Quyết định này được đưa ra sau khi khi thị trường tài chính rơi vào hỗn loạn vì lo ngại suy thoái và lạm phát. Ông Trump cũng tuyên bố giai đoạn tạm hoãn này sẽ là thời gian để các quốc gia đạt được thỏa thuận song phương với Mỹ.
Trong khoảng thời gian 90 ngày này, ngoài các mục tiêu thương mại, việc khôi phục niềm tin trên thị trường tài chính cũng là ưu tiên hàng đầu. Tuần qua, các nhà đầu tư ồ ạt bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ, đẩy lãi suất tăng vọt và làm đồng USD suy yếu, trong bối cảnh lo sợ suy thoái và lạm phát quay trở lại. Giá vàng – loại tài sản trú ẩn của các nhà đầu tư trong giai đoạn khủng hoảng – cũng tăng kỷ lục.
Theo bà Cutler, tình hình thị trường hỗn loạn sẽ buộc đội ngũ của ông Trump phải cố gắng đạt được "những chiến thắng nhanh chóng" trong đàm phán.
"Họ cần phải chứng minh rằng mình có thể nhanh chóng đạt thỏa thuận với các quốc gia khác, và trấn an thị trường cũng như các đối tác thương mại rằng vẫn còn lối thoát cho cuộc chiến thuế quan này," bà Cutler nhận định.
"Nhiệm vụ khổng lồ"
Tình hình càng thêm u ám khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng. Bắc Kinh không được hưởng bất kỳ sự miễn trừ nào và đã trả đũa Washington bằng các biện pháp tương tự.
Bà Cutler cho rằng, việc đạt được các thỏa thuận vừa làm hài lòng ông Trump vừa trấn an thị trường là một “nhiệm vụ khổng lồ”.
Kịch bản được bà Cutler đưa ra là chính quyền Mỹ sẽ buộc phải ưu tiên một số quốc gia then chốt và kéo dài thời gian tạm hoãn đối với các nước còn lại.
Thực tế cho thấy, ngay cả những thỏa thuận nhỏ nhất dưới thời ông Trump – như việc sửa đổi các điều khoản về ô tô và thép trong Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ - Hàn – cũng mất hơn 8 tháng. Trong khi đó, Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) phải mất hơn hai năm để hoàn tất.
Tuy vậy, ông Greer, Đại diện Thương mại Mỹ, vẫn tin tưởng rằng: "Các nhà đàm phán có thể đưa Tổng thống Trump đến bước xem xét ký kết các thỏa thuận. Nếu thấy có lợi, ông ấy sẽ cân nhắc ký kết; nếu không, ông ấy sẽ quay trở lại với biện pháp thuế quan."
Việc điều phối cùng lúc 90 cuộc đàm phán chỉ là một trong nhiều rào cản đối với một bộ máy hành chính đang quá tải.
Nhiều vị trí chủ chốt vẫn còn bỏ trống, trong khi các quan chức hiện tại lại bận rộn với nhiều nhiệm vụ khác. Chẳng hạn, hôm 11/4 vừa qua, các quan chức Bộ Tài chính Mỹ vừa làm việc với các đại diện của Ukraine về một thỏa thuận khoáng sản quan trọng.
Đại diện Thương mại Greer tiết lộ với đài Fox News rằng nhóm 200 nhân viên của ông đang "làm việc suốt ngày đêm" để trao đổi đề xuất với các đối tác nước ngoài.
Tại Bộ Tài chính, Thượng viện Mỹ chỉ mới phê chuẩn thêm một quan chức cấp cao khác là Thứ trưởng Michael Faulkender. Chính quyền Trump thậm chí chưa bổ nhiệm ứng viên nào cho vị trí Thứ trưởng phụ trách các vấn đề quốc tế. Một quan chức lâu năm đang tạm đảm nhiệm vai trò này.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, khi nhiều vị trí cấp phó vẫn đang chờ Thượng viện thông qua.
Trong khi đó, một trở ngại khác là sự thiếu thống nhất trong quan điểm của chính quyền Mỹ về các vấn đề thương mại, theo tiết lộ từ một nhà ngoại giao giấu tên. Theo nguồn tin này, mỗi cố vấn thương mại hàng đầu của ông Trump lại có một quan điểm khác nhau.
Kể từ khi ông Trump nhậm chức hồi tháng 1, nhiều nước như Anh, Australia và một số quốc gia khác đã thảo luận với Mỹ về thương mại, nhưng vẫn chưa đạt được kết quả cụ thể.
"Vẫn chưa có một tài liệu chính thức nào với các lập trường rõ ràng được trao đổi giữa các bên," một nguồn tin từ cơ quan ngoại giao cho biết. "Tôi nghĩ nên gọi đó là ‘trao đổi’ hơn là ‘đàm phán.’"
Tham khảo Reuters