Thúc đẩy thị trường mua bán nợ: Làm thế nào để xử lý tài sản nợ xấu nhanh nhất?

Minh Trang | 14:53 11/07/2023

Việc thúc đẩy thị trường mua bán nợ là điều hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay nhằm thúc đẩy các khoản nợ được các bên mua lại nhanh chóng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và ngân hàng cơ cấu lại nợ.

Thúc đẩy thị trường mua bán nợ: Làm thế nào để xử lý tài sản nợ xấu nhanh nhất?
Đây là một trong số tài sản đảm bảo được ngân hàng rao bán. (Ảnh: Int)

Sau hai năm đại dịch Covid-19 tàn phá, sau đó là kinh tế vĩ mô thế giới tác động đến đã làm cho sức khoẻ của nhiều doanh nghiệp trong nước đang gặp vấn đề. Điều đó đang được thể hiện qua việc mới đây hàng loạt Ngân hàng thương mại cổ phần có vốn của Nhà nước rao bán hàng loạt các tài sản đảm bảo là bất động sản và các tài sản có giá trị khác.

“Ồ ạt” rao bán nợ

Đơn cử như mới đây, ngân hàng Vietinbank rao bán gần 400 khách sạn, bất động sản, phương tiện vận tải, và máy móc thiết bị ở TP Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Cà Mau, Cần Thơ,... nhằm thu hồi nợ.

Theo VietinBank, đây là những tài sản đảm bảo cho các khoản vay của cá nhân, doanh nghiệp đã không có khả năng trả nợ các khoản vay. Trong số đó, có nhiều bất động sản là biệt thự, khách sạn 3-5 sao, nhà hàng. Các tài sản này được bán đấu giá hoặc theo hình thức thoả thuận.

Tổng giá trị tài sản được rao bán lên tới gần 8.000 tỷ đồng, gồm 358 bất động sản và 38 phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị khác….

Ngân hàng BIDV có 4 thông báo phát mại tài sản, trong đó có 3 thửa đất với giá khởi điểm từ 7 - 18 tỷ đồng. Ngân hàng này còn đang phát mại hàng loạt dự án, nhà máy lớn như khoản nợ của Công ty Thủy điện Đức Nhân Đắk Psi và Công ty TNHH Hoàng Nhi với giá khởi điểm 914 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo của khoản nợ này gồm nhà máy thủy điện Đắk Psi công suất 18MW, nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng tại Khu công nghiệp Trà Đa cùng với bất động sản tại Gia Lai và Kon Tum.

Nhiều tài sản được BIDV rao bán hàng chục lần vẫn không có người mua. Như dự án Nhà máy thủy điện Tân Thượng do Công ty Năng lượng Tân Thượng làm chủ đầu tư, giá khởi điểm 325 tỷ đồng. Tài sản này đã được đấu giá đến lần thứ 10. Hay như Nhà máy xi măng lò quay Áng Sơn tại thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình và các tài sản liên quan vừa được thông báo đấu giá lần thứ 15 với giá khởi điểm hơn 191 tỷ đồng.

Một loạt các khoản nợ khác cũng đã được BIDV hạ giá sau nhiều lần rao bán không có người mua, như khoản nợ Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Minh Sơn và Công ty cổ phần Thanh Tâm bán với giá khởi điểm hơn 346 tỷ đồng (trong khi nợ gốc và lãi gần 600 tỷ đồng)…

Mới đây, Agribank - Chi nhánh Long Biên cũng vừa thông báo đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH MTV Đầu tư Hạ tầng Kinh doanh Đô thị. Theo đó, khoản nợ có giá trị ghi sổ tính đến ngày 11/4/2023 là gần 1.413 tỷ đồng và 10,04 triệu USD (tương đương 240 tỷ đồng). Trong đó, nợ gốc là hơn 527 tỷ đồng và hơn 5,8 triệu USD; nợ lãi là gần 886 tỷ đồng và gần 4,3 triệu USD...

Thúc đẩy thị trường mua bán nợ

Đây chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”, khi nhiều ngân hàng tư nhân cũng rao bán nợ. Đáng chú ý là các khoản nợ rao bán này rất khó có thanh khoản và có nhiều khoản nợ rao nhiều lần vẫn không có người mua. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp và ngân hàng khi phải cơ cấu lại các khoản nợ và cũng là chỉ dấu cho thấy kinh tế vĩ mô tiếp tục khó khăn.

Đánh giá về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc ngân hàng rao bán tài sản là hoạt động bình thường của nền kinh tế. Các doanh nghiệp vay ngân hàng, có những doanh nghiệp trả nợ được, nhưng trong số đó có doanh nghiệp thua lỗ không trả nợ được lãi vay đúng hạn và ngân hàng tìm cách xử lý nợ xấu tài sản thế chấp của khoản vay.

Sau 2 năm đại dịch gặp khó khăn và kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, một số ngành hàng bị mất đơn hàng xuất khẩu dẫn đến doanh nghiệp gặp khó khăn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp bất động sản cũng gặp khó khăn trong huy động vốn, nợ trái phiếu… đã dẫn đến nhiều doanh nghiệp không trả được nợ.

“Chính phủ cũng đã có yêu cầu Ngân hàng cho phép doanh nghiệp hoãn, giãn nợ và chưa nâng nhóm nợ xấu. Kỳ vọng là với việc vào cuộc của Chính phủ, các doanh nghiệp sẽ bớt khó khăn hơn và tình trạng ngân hàng phải phát mại tài sản cũng sẽ giảm trong thời gian tới”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trong bối cảnh nợ xấu tại các ngân hàng mặc dù không quá cao, nhưng đang có dấu hiệu gia tăng, thì vấn đề thúc đẩy thị trường mua bán nợ là cần thiết, đặc biệt là cần tạo hành lang pháp lý cho thị trường mua bán nợ hoạt động hiệu quả.

Bởi khi bán tài sản nợ xấu, vấn đề quyền sử dụng đất và đấu giá tài sản của các doanh nghiệp đang là bài toán khó. Hơn nữa, còn liên quan đến vấn đề thẩm định giá, đặc biệt sự chênh lệch giá cả bất động sản ở thời điểm cho vay và thời điểm thanh lý, từ đó dẫn đến để thanh lý tài sản đảm bảo đó khó khăn, một số ngân hàng mang ra đấu giá tài sản nhưng giảm giá trị nhiều lần nên khó khăn thanh lý.

“Cần thúc đẩy mạnh hoạt động thị trường mua bán nợ xấu, đây là điều cần có trong nền kinh tế thị trường để việc bán tài sản nợ xấu không phụ thuộc vào cơ quan thẩm định giá hay cơ quan quản lý mà nó phụ thuộc vào thị trường và theo giá thị trường. Điều này sẽ đơn giản hơn và tạo điều kiện xử lý tài sản nhanh nhất”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Thúc đẩy thị trường mua bán nợ: Làm thế nào để xử lý tài sản nợ xấu nhanh nhất?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO