Thu về hơn 100.000 tỷ đồng, các hãng hàng không đóng góp bao nhiêu vào ngân sách?

Huyền Trang | 13:15 02/03/2023

Doanh thu của các hãng hàng không đều đạt tăng trưởng ấn tượng so với năm 2021.

Thu về hơn 100.000 tỷ đồng, các hãng hàng không đóng góp bao nhiêu vào ngân sách?

Nhìn lại năm 2022, ngành hàng không Việt Nam đã chứng kiến sự phục hồi ấn tượng sau hơn 2 năm gặp khó vì dịch bệnh. Đóng góp một phần lớn cho sự phục hồi của các hãng bay là nhờ sự bùng nổ của du lịch nội địa, cùng với đó là việc mở cửa lại với hàng không quốc tế. Doanh thu của các hãng hàng không đều đạt tăng trưởng ấn tượng so với năm 2021.

Dẫn đầu về doanh thu các hãng hàng không vẫn là Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines, mã: HVN). Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022, doanh thu Vietnam Airlines năm 2022 đạt 70.579 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ. Dù đạt tăng trưởng cao nhưng doanh thu của Vietnam Airlines vẫn chưa thể khôi phục về mức trước đại dịch Covid-19.

Còn CTCP Hàng không Vietjet (mã: VJC) cũng ghi nhận doanh thu hợp nhất năm 2022 đạt 39.342 tỷ đồng, gấp 3 lần năm 2021.

Ngày 27/02/2023 mới đây, Cục Thuế tỉnh Bình Định đã có văn bản cảm ơn tri ân Công ty cổ phần hàng không Tre Việt (Bamboo Airways). Trong đó tiết lộ, năm 2022, Bamboo Airways đã tăng trưởng mạnh về sản lượng, doanh thu vượt ngưỡng 13.000 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 4 lần so với cùng kỳ năm trước.

image(1).png

Bên cạnh đó, Cục Thuế tỉnh Bình Định cho biết năm 2022, Bamboo Airways đã nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thuế kỷ lục 546 tỷ đồng, tăng gấp hàng chục lần so với số tiền thực nộp bình quân hàng năm về trước. Hiện nay, Bamboo Airways không có công ty con.

Doanh thu cao nhất nên số tiền nộp thuế của Vietnam Airlines trong năm 2022 cũng cao nhất trong 3 hãng hàng không với 3.264 tỷ đồng, gấp 6 lần số tiền nộp thuế của Bamboo Airways. So với năm 2021, số tiền nộp thuế của Vietnam Airlines đã tăng 38%.

Trong 3.264 tỷ tiền thuế của Vietnam Airlines, thuế giá trị gia tăng chiếm tỷ trọng lớn nhất với 1.410 tỷ đồng, chiếm 43%; sau đó là thuế bảo vệ môi trường với 1.089 tỷ đồng, chiếm 33%, thuế thu nhập cá nhân 314 tỷ đồng, chiếm 10%, ...

Thuế bảo vệ môi trường của Vietnam Airlines là khoản thuế cho hoạt động cung ứng nhiên liệu Hàng không của Công ty TNHH MTV Nhiên liệu hàng không Việt Nam (Skypec) - công ty do Vietnam Airlines sở hữu 100% vốn điều lệ.

image(5).png

Đứng sau Vietnam Airlines là Vietjet Air với số tiền nộp thuế năm 2022 là 2.237 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần số thuế đã nộp năm 2021. Trong đó, nộp thuế VAT 1.794 tỷ đồng, thuế TNCN 239 tỷ đồng, thuế TNDN 140 tỷ đồng, thuế nhà thầu nước ngoài 21 tỷ đồng và các loại thuế khác 42 tỷ đồng.

image(3).png

Đánh giá về triển vọng của ngành hàng không năm 2023, Chứng khoán SSI cho biết, COVID-19 hiện được coi như bệnh đặc hữu tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, do đó hồi phục sẽ là chủ đề chính cho năm 2023. Nhu cầu toàn cầu tiếp tục hồi phục trong khi Trung Quốc hủy bỏ chính sách Zero Covid, tạo cơ hội cho du lịch Châu Á -Thái Bình Dương và du lịch xuyên lục địa. Đây là bước tiến quan trọng đối với chính sách nghiêm ngặt của nước này trong 3 năm qua, và cũng sớm hơn ước tính của thị trường (trước đây là Q2-Q3/2023).

Do Trung Quốc là thị trường lớn cho du lịch đường dài và trong khu vực, SSI ước tính việc thay đổi chính sách này sẽ tác động đến thị trường hàng không toàn cầu. Kì nghỉ hè 2023 có thể là một điểm quan trọng trong quá trình phục hồi của khách du lịch Trung Quốc.

Đối với Việt Nam, đây là yếu tố đáng kể tác động đến ngành, khi khách quốc tế Trung Quốc chiếm 32% khách quốc tế đến Việt Nam qua đường hàng không trong năm 2019 và Trung Quốc là điểm đến du lịch sôi động nhất đối với người Việt Nam. SSI ước tính khách Trung Quốc đến Việt Nam dần hồi phục trong Q2/2023, trước khi đạt đỉnh vào kỳ nghỉ hè 2023. Các chuyến bay quốc tế 2024 có thể vượt qua mức 2019, đánh dấu hồi phục hoàn toàn cho ngành hàng không Việt Nam.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Thu về hơn 100.000 tỷ đồng, các hãng hàng không đóng góp bao nhiêu vào ngân sách?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO