Tại phiên họp, Chính phủ xem xét cho ý kiến đối với 11 dự án, đề nghị xây dựng luật.
Đây là những dự án nằm trong 20 dự án, đề nghị xây dựng luật cần được Chính phủ xem xét, cho ý kiến để trình Quốc hội trước ngày 1/3/2022 nhằm điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Cụ thể, các dự án, đề nghị xây dựng luật được thảo luận tại phiên họp lần này gồm: Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Đề nghị xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi); Đề nghị xây dựng Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Đề nghị xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viễn thông; Đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp Công nghệ số; Đề nghị xây dựng Luật về phòng thủ dân sự...
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, các bộ trưởng, trưởng ngành phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, không ủy quyền cho cấp phó trong lĩnh vực này, hằng tháng phải chỉ đạo rà soát lại các vấn đề vướng mắc, cần tháo gỡ, các vấn đề mới, nhạy cảm, phát sinh trong quá trình chỉ đạo, điều hành; những vấn đề chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng thực tiễn đã vượt qua...
Trên cơ sở đó, tiến hành sơ kết, tổng kết, bổ sung, hoàn thiện các quy định, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, điều chỉnh trên tinh thần bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.
Thủ tướng yêu cầu cần triển khai các khâu trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật một cách kỹ lưỡng, chú trọng việc huy động trí tuệ tập thể, tổ chức hội thảo, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, những người hoạt động thực tiễn, các đối tượng tác động, người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, tổ chức thực thi pháp luật bảo đảm đồng bộ, hiệu quả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế được Đảng, Nhà nước xác định là một trong những khâu đột phá chiến lược.
Ngay sau kiện toàn Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, các cấp bắt tay ngay vào xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế tập trung vào các vấn đề mới phát sinh chưa có quy định, cũng như những vấn đề đã có quy định, song vượt qua thực tiễn, những vướng mắc phát sinh cần bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu cuộc sống đặt ra.
Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế thực hiện trên tinh thần đổi mới, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn và lấy thực tiễn làm thước đo, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.