Theo Tổng cục Thuế, thu từ sản xuất, kinh doanh gồm các khu vực bao gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp công thương nghiệp - ngoài quốc doanh 11 tháng năm 2022 ước đạt 660.562 tỷ đồng, bằng 107,8% dự toán, bằng 108,8% so với cùng kỳ. Nếu loại trừ các yếu tố tác động của chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế thì tăng 12,2% so với cùng kỳ. Đây là khu vực đóng góp lớn nhất trong tổng thu nội, địa chiếm 51%.
Bên cạnh đó, thu từ khu vực sản xuất, kinh doanh đạt khá so với dự toán chủ yếu do nền kinh tế hồi phục và tăng trưởng khá, hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trở lại trạng thái “bình thường mới”. Cùng đó, cơ cấu thuế thu nhập doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu từ khu vực sản xuất, kinh doanh (chiếm khoảng 40,7% trong tổng số thu từ khu vực sản xuất, kinh doanh) đến cuối tháng 11/2022 các doanh nghiệp đã tạm nộp 5/5 kỳ nộp thuế thunhập doanh nghiệp, đã đẩy số thu từ khu vực sản xuất, kinh doanh tăng trưởng khá.
Đặc biệt, từ tháng 6 trở lại đây, thị trường bất động sản khó khăn do các doanh nghiệp thiếu vốn, nhưng tính chung 11 tháng đầu năm, các khoản thu từ nhà, đất ước đạt 222.626 tỷ đồng, bằng 136,9% so với dự toán, bằng 130,5% so với cùng kỳ, chiếm khoảng 17,2% tổng thu nội địa. Trong đó, thu tiền sử dụng đất ước đạt 183.681 tỷ đồng, bằng 136,1% dự toán, bằng 134,8% so với cùng kỳ; thu tiền thuê đất ước đạt 35.382 tỷ đồng, bằng 143,1% dự toán, bằng 110,2% so với cùng kỳ.
Tổng cục Thuế đánh giá, do thị trường bất động sản tiếp tục sôi động từ cuối năm 2021 cho đến cuối quý I/2022, đồng thời cơ quan thuế tăng cường đôn đốc thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và thu nợ đối với các dự án đã thực hiện giao đất và cho thuê đất trong năm 2021, kịp thời nộp vào đầu năm 2022, khiến số thu từ chỉ tiêu này tăng trên 30% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện có hiệu quả công điện chống thất thu đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản của Tổng cục Thuế, các địa phương đẩy mạnh công tác quản lý thu thuế chặt chẽ, chống thất thu đối với các giao dịch chuyển nhượng bất động sản từ đó người dân có ý thức nộp thuế để hoàn thiện các hồ sơ pháp lý về quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, số thu thuế, phí từ bất động sản đang có dấu hiệu chững lại và sụt giảm qua các tháng gần đây.
Không chỉ thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản giảm tốc, mà thu lệ phí trước bạ từ nhà đất cũng đang sụt giảm mạnh. Thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, tháng 6 thu lệ phí trước bạ tăng 78,4%, thì bước sang tháng 7, số thu chỉ bằng 76,8% so với tháng 6, tháng 8 bằng 72%, tháng 9 bằng 56,4%, tháng 10 bằng 57,4% và tháng 11 ước chỉ bằng 44,9%.
Để huy động kịp thời các nguồn thuế phát sinh vào ngân sách nhà nước, Tổng cục Thuế đã giao cơ quan thuế các cấp tập trung rà soát lại toàn bộ nguồn thu trên địa bàn để tổ chức giao nhiệm vụ thu tháng cuối năm cho từng đơn vị quản lý thu; tập trung chỉ đạo điều hành, đôn đốc thu kịp thời các khoản tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn khi hết thời hạn gia hạn nộp thuế.
Đồng thời, cơ quan thuế tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý, nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai phục vụ công tác quản lý các khoản thu từ đất và bấtđộng sản.
Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng tăng cường công tác quản lý thuế, xây dựng chuyên đề thanh tra - kiểm tra đối với từng đối tượng người nộp thuế nhằm phát hiện các hành vi trốn thuế, gian lận thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh bấtđộng sản, thực hiện công tác quản lý thuế theo quy định của pháp luật.
Trước đó, năm 2018, Bộ Tài chính từng đưa ra đề nghị xây dựng Luật Thuế tài sản. Theo đó, Bộ này dự kiến đánh thuế đối với nhà, đất ở, tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị 1,5 tỷ đồng trở lên.
Còn đối với nhà ở, Bộ Tài chính xây dựng hai phương án đánh thuế: một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên với mức thuế suất là 0,3% hoặc 0,4%. Tuy nhiên, đề xuất này không nhận được sự đồng thuận của dư luận nên dừng lại.
Mới đây, Bộ Tài chính vừa có quyết định phê duyệt chương trình hành động triển khai thực hiện chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.
Theo quyết định này, Bộ Tài chính lên kế hoạch trong năm 2023 sẽ trình Quốc hội xem xét và năm 2024 ban hành Luật thuế liên quan đến tài sản. Sau khi Quốc hội ban hành luật này, năm 2024, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành thuế liên quan đến tài sản.
Liên quan đến vấn đề đánh thuế với những người sở hữu nhiều nhà đất, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, đây là thời điểm thích hợp để áp dụng việc đánh thuế cao với người sở hữu nhiều nhà, đất.
“Bởi lẽ thuế nhà, đất hiện hành ở nước ta quá thấp so với các quốc gia trên thế giới. Cụ thể, mức thuế của chúng ta chỉ ở mức 0,03%, trong khi các nước khác là 1 – 1,5%. Và việc đánh thuế nhà, đất cao sẽ giúp ngân sách nhà nước có được nguồn đóng góp lớn từ người dân”, GS. Đặng Hùng Võ nói.