Thử nghiệm này sẽ trả lời đúng nhất cho câu hỏi: Ngủ phòng đóng kín cửa bật điều hòa có ngộp thở không?

Quốc Vinh | 21:23 20/05/2025

7 người được đưa vào trong phòng khép kín chỉ với 34,5m², bật điều hòa trung tâm và ngồi làm việc trong 8 tiếng. Các cửa bị bít kín bằng băng dính, đảm bảo không có khe hở nào.

Thử nghiệm này sẽ trả lời đúng nhất cho câu hỏi: Ngủ phòng đóng kín cửa bật điều hòa có ngộp thở không?

Thử nghiệm 7 người trong phòng đóng kín

Nỗi lo về mức oxy thấp trong phòng kín không phải mới. Rất nhiều người đã đặt câu hỏi về việc ngủ trong phòng đóng kín cửa và bật điều hòa qua đêm có dẫn đến việc thiếu oxy, gây ngộp thở hay nguy hiểm đến sức khỏe hay không.

Đã có nhiều phương án đưa ra cho người dùng là sử dụng các thiết bị lọc không khí có cung cấp oxy hoặc lắp máy cấp khí tươi. Tuy nhiên, các giải pháp này thường khá đắt tiền.

Để trả lời cho thắc mắc trên, công ty chuyên giải pháp lọc không khí SmartAir Filters có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm thực tế bằng cách đưa 7 người vào trong phòng khép kín chỉ với 34,5m², bật điều hòa trung tâm và ngồi làm việc hàng ngày.

Sơ đồ mô phỏng căn phòng thử nghiệm. 7 người ngồi làm việc với các cửa sổ và cửa ra vào được bít kín.

"Các cửa sổ và cửa ra của phòng được dán kín bằng băng cách nhiệt để ngăn không khí xâm nhập. Sau đó, họ theo dõi nồng độ oxy bằng máy đo chuyên dụng iBrid MX6. Quá trình theo dõi nồng độ oxy được thực hiện trong suốt nhiều ngày. Cửa luôn đóng, trừ lúc mọi người rời đi và trở lại sau giờ ăn trưa.

Kết quả cho thấy mức oxy hao hụt đi rất nhỏ. Ngay cả trong điều kiện đã bít hết các cửa, mức oxy hầu như không thay đổi. Đến cuối ngày, mức oxy đo được chỉ giảm 0,3%.

Về lý thuyết, oxy chiếm khoảng 20% ​​không khí, trong khi carbon dioxide (CO2) chỉ chiếm 0,038%. Do đó, carbon dioxide có khả năng tăng gấp ba lần từ con số nhỏ như vậy nhưng oxy hầu như không thay đổi.

Hầu hết các ngôi nhà bình thường sẽ có ít người sinh hoạt trong một căn phòng hơn và cửa ra vào và cửa sổ không được dán kín bằng băng cách nhiệt như trong thử nghiệm này. Vì vậy, mức giảm nói trên ở những ngôi nhà dân sinh bình thường thậm chí còn nhỏ hơn.

Nói một cách đơn giản, việc đóng kín cửa trong phòng không gây ra nhiều ảnh hưởng và con người không hấp thụ nhiều oxy như chúng ta nghĩ.

Mức oxy gần như không đổi sau 8 tiếng đóng kín cửa.

Trung bình mỗi người tiêu thụ khoảng 0,5 L oxy/phút (khoảng 720 L/ngày). Trong khi đó, một phòng ngủ 20 m² cao 2,5 m chứa ~50.000 L không khí, trong đó oxy chiếm ~21% (~10.500 L).

Như vậy, ước tính rằng một người trung bình có thể sống sót trong một căn phòng kín hoàn toàn, kín gió trong 12 ngày mà không lo thiếu hụt. Việc hết oxy trong một căn phòng là khá khó xảy ra.

Sự khó chịu nằm ở CO2

Trên thực tế, không có phòng ngủ nào là hoàn toàn kín khí; không khí vẫn có thể lưu thông qua các khe hở nhỏ quanh cửa ra vào và cửa sổ. Người ta cho rằng, để tạo ra được một căn phòng kín đến nỗi oxy lọt vào là điều vô cùng khó.

Mức oxy an toàn cho con người là từ 19,5% đến 23,5%. Trong một căn phòng thông thường, sẽ mất nhiều ngày để mức oxy giảm xuống mức nguy hiểm.

Trong khi mức oxy khá ổn định trong ngày, thì lượng carbon dioxide trong không khí sẽ có sự thay đổi. Thử nghiệm cho thấy lượng CO2 trong phòng đã tăng gấp ba lần trong ngày. Điều này có thể gây ra sự khó chịu.

Nồng độ CO2 trong không khí thở ra của con người cao hơn nhiều so với không khí ngoài trời. Mức CO2 trong phòng kín có thể tăng lên đến 1.000-2.500 ppm hoặc thậm chí cao hơn, đặc biệt ở những phòng cách nhiệt tốt hoặc đông người.

Lượng CO2 tăng nhanh sau 8 tiếng đóng kín cửa.

Mặc dù chúng ta không phải lo lắng về việc hết oxy, nhưng quá nhiều carbon dioxide có thể gây hại. Mức độ CO2 trong quá trình thử nghiệm đạt mốc 1.000-3.500PPM có thể khiến mọi người cảm thấy buồn ngủ, thậm chí có thể giảm hiệu suất trong các bài kiểm tra nhận thức.

Trong khi đó, điều hòa không tác động đến việc tăng giảm oxy hay CO2 do thiết bị này hoạt động theo cơ chế hút gió từ chính bên trong căn phòng thay vì lấy gió từ bên ngoài.

Điều hòa cũng có thể gây ra vấn đề sức khỏe nếu không thường xuyên vệ sinh. Điều này dẫn đến tích tụ bụi, nấm mốc, vi khuẩn trong dàn lạnh, thổi vào phòng gây kích ứng đường hô hấp, dị ứng, viêm mũi, thậm chí viêm phổi thể nhẹ.

Một khảo sát tại Ấn Độ phát hiện nhân viên văn phòng làm việc 9 giờ trong môi trường điều hòa kém thông gió có tỉ lệ viêm đường hô hấp, nhức đầu, họng ngứa cao hơn đáng kể so với những người ở trong môi trường không khí thoáng đãng, theo The Times of India.

Vì vậy, câu trả lời cho việc đóng kín cửa bật điều hòa là bạn sẽ không bị thiếu oxy. Thay vào đó, chúng ta sẽ cảm thấy khó chịu vì mức CO2 tăng lên.

Lời khuyên là mọi người hãy thỉnh thoảng mở cửa để CO2 thoát ra ngoài, nhưng cũng tránh mở nhiều để không khí ô nhiễm lan vào phòng nếu trong nhà không có máy lọc không khí.

Nếu có máy lọc không khí, hãy mở hé cửa một chút. Các thử nghiệm cho thấy máy lọc không khí vẫn có thể có hiệu quả ngay cả khi cửa mở. Giải pháp tiếp theo là có thể lắp đặt hệ thống cấp khí tươi nhưng chi phí sẽ khá đắt. Đây chỉ là giải pháp giúp nâng cao chứ không yêu cầu bắt buộc.

Tóm lại, trong không gian trong nhà, mức oxy không phải là vấn đề đáng lo ngại nhưng CO2 có thể là vấn đề. Vì vậy, lần tới khi bạn bắt gặp một quảng cáo thổi phồng về máy lọc không khí có khả năng tạo ra oxy, bạn biết rằng bạn không thực sự cần đến nó.


(0) Bình luận
Thử nghiệm này sẽ trả lời đúng nhất cho câu hỏi: Ngủ phòng đóng kín cửa bật điều hòa có ngộp thở không?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO