Thống đốc NHNN: Tỷ lệ dư nợ/GDP đang ở mức cảnh báo, nếu không áp chỉ tiêu, tín dụng sẽ tăng rất mạnh, gây rủi ro cho hệ thống ngân hàng

Quốc Thụy | 17:17 06/11/2023

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, trong điều kiện hiện nay, chưa thể bỏ việc điều hành hạn mức tăng trưởng tín dụng vì nhu cầu vốn của nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào tín dụng.

Thống đốc NHNN: Tỷ lệ dư nợ/GDP đang ở mức cảnh báo, nếu không áp chỉ tiêu, tín dụng sẽ tăng rất mạnh, gây rủi ro cho hệ thống ngân hàng

Chiều 06/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục tiến hành Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn.

Tại phiên chất vấn chiều nay, tranh luận của đại biểu Hà Sĩ Đồng liên quan đến điều hành hạn mức tăng trưởng tín dụng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức các buổi tọa đàm với chuyên gia và với đại biểu Quốc hội, qua phân tích, đánh giá, các đại biểu đều thống nhất rằng, với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, vốn phụ thuộc vào vốn tín dụng của ngân hàng rất lớn, trong đó có vốn trung dài hạn; tỷ lệ dư nợ/GDP của Việt Nam là trên 120% và đang ở mức cảnh báo theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế. 

Theo Thống đốc, nhu cầu vốn của hệ thống ngân hàng vẫn rất còn một phần lớn là nhu cầu vốn dài hạn. Vì vậy, nếu không áp chỉ tiêu, tín dụng sẽ tăng rất mạnh. Trong các năm trước đây, tín dụng tăng trưởng rất mạnh, mỗi năm lên tới tăng 30%, cá biệt có năm 2007 tăng tới 53,8%.

"Điều này có thể gây rủi ro cho hệ thống ngân hàng", Thống đốc đánh giá.

Chính vì vậy, Thống đốc cho biết, vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quan tâm, phát triển thị trường vốn như trái phiếu doanh nghiệp để phục vụ nhu cầu vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệ, để các tổ chức tín dụng chủ yếu phục vụ nhu cầu vốn ngắn hạn và vốn lưu động cho doanh nghiệp và khi đó bỏ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ rất thuận lợi.

Thống đốc cũng cho biết, NHNN  có những nguyên tắc chung chứ không tuỳ ý phân bổ hạn mức tăng trưởng cho từng tổ chức tín dụng. "Nguyên tắc chung này căn cứ trên xếp hạng tín nhiệm của các tổ chức tín dụng", Bà Hồng cho hay.

Ngoài ra, NHNN cũng cân nhắc: Tổ chức tín dụng nào có mặt bằng lãi suất giảm và tham gia tích cực vào công tác tái cơ cấu ngân hàng … thì sẽ có những điểm cộng và điểm trừ với những ngân hàng tín dụng tập trung hay tín dụng có tiềm ẩn rủi ro.

Về vấn đề room tín dụng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng, Nghị quyết 62 có nêu nghiên cứu hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành, phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng, đại biểu đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết lộ trình thực hiện thực tế như thế nào?

Trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội, trong phiên chất vấn buổi sáng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc điều hành, phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng là một trong các giải pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước, kết hợp với các công cụ chính sách khác. Trên thực tế, Ngân hàng nhà nước điều hành bám sát theo Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ.

"Qua tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, có thể thấy trong điều kiện hiện nay, chưa thể bỏ việc điều hành tăng trưởng tín dụng vì nhu cầu vốn của nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào tín dụng", bà Hồng trả lời đại biểu Quốc hội.


(0) Bình luận
Thống đốc NHNN: Tỷ lệ dư nợ/GDP đang ở mức cảnh báo, nếu không áp chỉ tiêu, tín dụng sẽ tăng rất mạnh, gây rủi ro cho hệ thống ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO