Theo Báo cáo nhanh Công tác phòng, chống thiên tai ngày 8/9, phát ngày 9/9, của Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, tính đến 6h sáng 9/9, 113.593 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại (tập trung Hải Phòng 7.005ha; Thái Bình 18.000ha, Hà Nội 15.563ha; Hưng Yên 12.119ha; Hải Dương 18.500ha; Hà Nam 11.220ha; Lạng Sơn 3.688ha; Bắc Giang 4.822ha; Bắc Ninh 9.601ha; Vĩnh Phúc 6.000ha...);
22.047 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại (tập trung tại Hải Phòng 1.600ha; Nam Định 2.500ha; Thái Bình 3.345ha; Hà Nội 1.205ha; Bắc Ninh 2.293ha; Hải Dương 2.900ha; Hoà Bình 4.193ha, Lạng Sơn 1.136ha...);
6.887 ha cây ăn quả bị hư hại (tăng 1.860ha so với báo cáo ngày 07/9) (tập trung tại Hải Phòng 1.650ha; Thái Bình 1.385ha, Hưng Yên 1.841ha, Hải Dương 900ha, Nghệ An 798ha,...);
121.668 cây xanh bị gãy đổ (Hải Phòng 6.059, Hà Nội 24.807, Hưng Yên 9.036, Hải Dương 40.000, Bắc Ninh 31.860,...)
Trên 1.500 lồng bè (tăng 384 lồng bè so với báo cáo ngày 7/9) nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi (tập trung Quảng Ninh 1.000, Hải Dương 300,...).
79 con gia súc, 190.131 con gia cầm (tập trung ở Hải Dương 186.000 gia cầm).
Nhiều địa phương bị mất điện, liên lạc do bão
25 tàu thuyền các loại bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh. Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng;
Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm 9.851 nhà ở bị hư hỏng; 12 đoạn đường dây 500kV, 36 đường dây 220kV, 161 đường dây 110kV bị sự cố và nhiều cột điện hạ thế bị gãy đổ.
Nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gãy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gãy đổ la liệt trên các tuyến đường tại các tỉnh, TP Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội…
“Các địa phương đang tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại”, báo cáo cho biết.
Bộ Công thương đã ban hành Công điện số 6815/CĐ-BCT ngày 08/9/2024 về việc tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường sau bão số 3; Công điện 6814/CĐ-BCT ngày 7/9 chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các địa phương khắc phục thiệt hại, sự cố do bão để sớm cấp điện trở lại cho nhân dân, tính đến ngày 8/9, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã khôi phục được 3/12 đường dây 500kV, 21/36 đường dây 220kV; các đơn vị điện lực địa phương đã khôi phục 94/161 đường dây 110kV (Hải Phòng 30/38, Quảng Ninh 11/59, Hải Dương 37/44, Thái Bình 4/4, Bắc Giang 7/9, Bắc Ninh 5/7).
Chính phủ đã hỗ trợ khẩn cấp cho các địa phương. Hỗ trợ 20 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 cho 2 địa phương để hỗ trợ nhân dân ổn định đời sống ngay sau mưa lũ (Sơn La 10 tỷ đồng, Điện Biên 10 tỷ đồng) như đề nghị của Bộ Tài chính.
Thủ tướng cũng chỉ đạo trước mắt hỗ trợ khoảng 100 tỷ đồng cho mỗi địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng để khắc phục hậu quả do cơn bão gây ra.
Bão số 3 (Yagi) là cơn bão rất đặc biệt, hình thành từ phía đông của Philippines nhưng mạnh lên thành siêu bão trên Biển Đông và là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong vòng 30 năm qua.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17; khi đổ bộ vào đất liền Quảng Ninh - Hải Phòng với sức gió mạnh nhất cấp 13-14, giật cấp 16-17.
*Tại Trung Quốc, bão Yagi gây thiệt hại ước hơn 8 tỷ USD. Thiệt hại về cơ sở hạ tầng đường bộ, giao thông đường thủy, giao thông đường bộ, hàng không dân dụng và các dự án giao thông đang triển khai trên khắp Hải Nam đã tăng lên tổng cộng 728 triệu nhân dân tệ (khoảng 102,6 triệu USD).
Tính đến 5 giờ chiều 7/9, thủ phủ của Hải Khẩu đã sơ tán khoảng 105.500 cư dân do cơn bão, hơn 400 ngôi nhà đã bị sập và hơn 32.000 ngôi nhà đã bị hư hại. Hơn 167.800 cây trong thành phố đã bị bật gốc và 56.742 ha cây trồng bị ảnh hưởng, gây ra thiệt hại kinh tế trực tiếp hơn 26,3 tỷ nhân dân tệ (hơn 3,6 tỷ USD).
Tổng thiệt hại kinh tế của thành phố Văn Xương do Yagi gây ra đã lên tới 32,7 tỷ nhân dân tệ (4,5 tỷ USD).