Thị trường vàng tuần qua: Vàng thế giới ‘áp sát’ mức đỉnh, trong nước ‘trồi sụt’ khó đoán

Hạnh | 08:03 14/01/2023

Trong khi giá vàng trong nước tuần qua có phiên giảm sốc, thì thị trường vàng thế giới lại “leo dốc” mạnh.

Thị trường vàng tuần qua: Vàng thế giới ‘áp sát’ mức đỉnh, trong nước ‘trồi sụt’ khó đoán
Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Nội dung chính

Vàng thế giới có tuần tăng thứ 4 liên tiếp do đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm mạnh.

Nhập khẩu vàng tại Ấn Độ giảm do giá vàng nội địa tăng cao kỷ lục.

Giá vàng trong nước giảm sốc gần 1 triệu đồng/lượng, nhưng hồi phục nhanh chóng.

Giá vàng thế giới cao nhất gần 9 tháng

Vàng thế giới đã tăng 2,8 % trong tuần này sau khi chạm mức 1.900 USD/Ounce lần đầu tiên kể từ tháng 4/2022.

Giá kim loại quý tăng mạnh do đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ lao dốc. Diễn biến này xảy ra sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Mỹ bất ngờ giảm trong tháng 12 vừa qua, đánh dấu lần đầu tiên giảm sau hơn 2 năm rưỡi liên tục tăng.

Sau dữ liệu này, các nhà hoạch định chính sách của Fed bày tỏ sự nhẹ nhõm khi lạm phát tại Mỹ tiếp tục giảm trong tháng 12, mở ra kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất tại kỳ họp chính sách tiếp theo vào tháng 2.

Vàng là tài sản định giá bằng USD và không mang lãi suất nên lãi suất thấp hơn sẽ có lợi cho giá vàng.

Ngoài ra, theo chiến lược gia Ole Hansen của Saxo Bank, giá vàng thế giới còn đang được hỗ trợ từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại và Ngân hàng Trung ương nước này (PBOC) đã mua ròng 62 tấn vàng trong 2 tháng cuối năm 2022.

Tính đến phiên giao dịch ngày 13/1, giá vàng thế giới đã chạm ngưỡng 1.920 USD/Ounce, tương đương 54,4 triệu đồng/lượng.

Vàng và một số mặt hàng khác, có thể chịu sự giao động lớn về giá trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, về lâu dài, vàng thường được coi là khoản đầu tư cực kỳ ổn định.

Một danh mục đầu tư tốt là sự kết hợp của cả đầu tư rủi ro và đầu tư bảo thủ. Nắm giữ một khoản đầu tư thận trọng như vàng trong dài hạn có thể là một cách tốt để bù đắp cho các khoản đầu tư rủi ro hơn trong danh mục đầu tư.

Tuần qua cũng chứng kiến giá vàng nội địa tại Ấn Độ tăng kỷ lục, với mức tăng cao nhất kể từ tháng 8 năm 2020. Trong khi đó, nhập khẩu vàng của Ấn Độ tháng 12 lại giảm 79% so với cùng kỳ năm trước do giá vàng nội địa tăng cao làm giảm nhu cầu mua vàng của người dân nước này.

Trong năm 2022, nhập khẩu vàng của Ấn Độ đạt 706 tấn. Tính riêng tháng 12/2022, Ấn Độ chỉ nhập khẩu 20 tấn vàng, thấp hơn nhiều so với con số 95 tấn vàng nhập khẩu ở tháng 12 năm 2021.

Năm 2022, theo Báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới, các quỹ ETF vàng (giao dịch hoán đổi vàng) đã bán ròng 3 tỷ USD, tương đương 110 tấn vàng, giảm 3% so với cùng kỳ.

gold-12.png

Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới được rút ngắn

Ngược xu thế tăng của giá vàng thế giới, giá vàng miếng trong nước tuần qua biến động thất thường.

Trong phiên giao dịch ngày 10/1, giá vàng miếng SJC giảm gần 1 triệu đồng/lượng. Cụ thể, Công ty Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 65,7 triệu đồng/lượng mua vào và 66,5 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 800.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá so với ngày 9/1. Vàng miếng tụt giá được cho là xuất phát từ nguyên nhân tỷ giá USD/VND giảm nhanh.

Tuy nhiên, trong hai ngày, 11/1 và 13/1, Công ty SJC đã tăng 400.000 đồng/lượng ở mỗi phiên để đẩy giá vàng miếng hồi về mức giá tương tự phiên đầu tuần. Cụ thể là 66,5 triệu đồng/ lượng và 67,3 triệu đồng/lượng ở hai chiều mua vào – bán ra.

Chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC bán lẻ và giá vàng thế giới được rút ngắn xuống còn gần 13 triệu đồng/lượng. 


(0) Bình luận
Thị trường vàng tuần qua: Vàng thế giới ‘áp sát’ mức đỉnh, trong nước ‘trồi sụt’ khó đoán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO