Thị trường vàng năm 2022: Vàng thế giới tăng 12%, kỳ vọng tiếp tục tăng trong năm 2023

Mỹ Hạnh | 09:10 31/12/2022

Giá vàng trong nước “lệch pha” thế giới trong những ngày cuối năm.

Thị trường vàng năm 2022: Vàng thế giới tăng 12%, kỳ vọng tiếp tục tăng trong năm 2023

Nội dung chính:

Giá vàng thế giới năm 2022 “trồi sụt” liên tục do việc các ngân hàng trung ương đẩy mạnh nỗ lực chống lạm phát.

Giá vàng trong năm 2023 được kỳ vọng bứt phá khỏi mốc 2000 USD/ounce.

Nhu cầu tiêu thụ vàng trang sức mỹ nghệ của người tiêu dùng Việt Nam ở mức cao.

Năm 2022, nhà đầu tư chìm – nổi với giá vàng thế giới

Trong tuần giao dịch cuối cùng của năm 2022, giá vàng thế giới biến động mạnh.

Vàng thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng ở phiên ngày 27/12 nhờ việc Trung Quốc - nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới - nới lỏng các quy định chống Covid-19 và tiến tới mở cửa trở lại nền kinh tế. Tuy nhiên, mối lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (Fed) có thể giữ lãi suất ở mức cao hơn trong thời gian lâu hơn để chống lạm phát trong năm 2023 đã khiến giá vàng đột ngột “lao dốc” một ngày sau đó.

Đồng USD giảm giá sau báo cáo việc làm của Mỹ là những dấu hiệu kỳ vọng Fed có thể dừng tăng lãi suất hoặc bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm 2023 đã giúp giá vàng trên thị trường quốc tế trở lại xu hướng tăng ở phiên ngày 29/12. Vì vàng là tài sản không mang lãi suất, nên những kỳ vọng như vậy có lợi cho giá vàng.

Trong năm 2022, vàng thế giới đã chứng kiến ​​mức tăng mạnh 16% từ cuối tháng 1/2022 đến ngày 8/3 sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ. Kim loại quý này đã tăng lên 2.070 USD/ounce, gần mức cao nhất mọi thời đại được ghi nhận vào tháng 8/2020. 

Khi Fed đưa ra đợt tăng lãi suất đầu tiên trong năm vào giữa tháng 3 năm 2022, vàng bắt đầu giảm giá. Vàng đã giảm 22% từ mức cao nhất trong tháng 3 xuống mức thấp nhất trong tháng 9 là 1.615/ounce trong bối cảnh đồng USD tăng giá và lợi suất trái phiếu kho bạc tăng.

Sau khi chạm mức “ba đáy” vào ngày 29/9, ngày 21/10 và ngày 3/11, vàng đã bắt đầu phục hồi và có mức tăng 12% cho đến cuối tháng 12.

Theo dữ liệu của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) công bố ngày 1/11/2022, tốc độ mua vào của các ngân hàng trung ương đã đạt mức cao nhất trong 55 năm qua. Chỉ riêng trong quý III các ngân hàng trung ương đã mua vào gần 400 tấn vàng, trị giá khoảng 20 tỷ USD. 

0000999598_resized_goldbars1022.jpg
Các Ngân hàng Trung ương thế giới mua vàng kỷ lục trong quý III/2022. (Ảnh: itn)

Kịch bản nào cho giá vàng năm 2023?

Giới phân tích cho rằng kịch bản tốt nhất đối với giá vàng trong năm 2023 là kinh tế toàn cầu giảm tốc và các ngân hàng trung ương chuyển sang nới lỏng chính sách tiền tệ, đặc biệt là Fed. Sự mở cửa trở lại của Trung Quốc cũng có thể trở thành lợi thế cho giá vàng. Những yếu tố này có thể đưa giá vàng bứt phá qua mốc 2.000 USD/ounce, tương đương 57,5 triệu đồng/lượng.

Trước đó, ông Juerg Kiener, Giám đốc điều hành kiêm giám đốc đầu tư của Swiss Asia Capital đã đưa ra nhận định giá vàng có thể tăng lên 4.000 USD/ounce vào năm 2023 (khoảng 115 triệu đồng/lượng).

Trái lại, kịch bản xấu nhất của giá vàng trong năm 2023 là Fed đi ngược lại kỳ vọng của thị trường, tăng mạnh lãi suất hơn dự báo, và không thực hiện nới lỏng chính sách ngay cả khi suy thoái xảy ra.

Sau một năm nắm giữ, giá vàng trong nước bình quân tăng 5,74% trong năm 2022

Theo dữ liệu mà Tổng Cục Thống kê vừa công bố, tính đến ngày 25/12/2022, chỉ số giá vàng tháng 12/2022 tăng 0,45% so với tháng trước; tăng 4,16% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân năm 2022 tăng 5,74%.

Trong năm 2022, giá vàng miếng trong nước đạt mức cao nhất 74,4 triệu đồng/lượng được thiết lập vào ngày 8/3. Chênh lệch giữa mức thấp nhất và cao nhất ở chiều bán ra của vàng miếng SJC trong năm 2022 là 12,8 triệu đồng/lượng.

So với đầu năm, giá vàng miếng SJC dao động quanh ngưỡng 60,9 - 61,6 triệu đồng/lượng ở hai chiều mua vào – bán ra, đến nay, giá vàng miếng đã tăng 5 triệu đồng/lượng mua vào và 5,1 triệu đồng/lượng bán ra.

Sau nhiều tháng liên tục duy trì ở vùng 16-18 triệu đồng/lượng, thậm chí lên tới 19 triệu đồng/lượng, chênh lệch giá vàng miếng trong nước và thế giới hiện nay đã thu hẹp đáng kể, vào khoảng 14,6 triệu đồng/lượng.

30114508c7263f6.jpg
Mỗi năm Việt Nam tiêu thụ gần 50 tấn vàng trang sức mỹ nghệ. (Ảnh: itn)

Tính đến ngày 30/12, giá vàng nhẫn 24K, vàng trang sức các loại đã tăng khoảng 950.000 đồng/lượng so với phiên đầu năm. Biên độ chênh lệch giữa mức mua vào – bán ra của vàng trang sức vào những ngày cuối tháng 12 tiếp tục duy trì ở ngưỡng 1 triệu đồng/lượng.

Nhu cầu tiêu thụ vàng của người tiêu dùng Việt Nam đã tăng mạnh trong quý III/2022. Theo thông tin từ Hội đồng Vàng thế giới (WGC), mức vàng mà Việt Nam tiêu thụ ở quý III/2022 đạt 12 tấn, tăng gần gấp 3 lần so với mức 3,3 tấn ghi nhận vào quý III năm trước.

Trong những năm qua, vàng trang sức là mặt hàng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Theo Hội Mỹ nghệ Kim hoàn TP.HCM (SJA), giai đoạn 1991-2021, Việt Nam sản xuất và tiêu thụ gần 50 tấn vàng trang sức mỹ nghệ mỗi năm. Riêng TP.HCM đã tiêu thụ hơn 80%, tương đương khoảng gần 40 tấn.

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Thị trường vàng năm 2022: Vàng thế giới tăng 12%, kỳ vọng tiếp tục tăng trong năm 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO