Dẫn thông tin từ báo cáo về xu hướng nhu cầu vàng của Hội đồng Vàng Thế giới ( WGC), Vietdata cho biết nhu cầu tiêu thụ vàng của Việt Nam trong quý 2 năm 2023 đã giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm mạnh so với mức giảm 2% của thế giới. Nhu cầu mảng trang sức của Việt Nam giảm từ 4.5 tấn trong quý II/2022 xuống còn 3,7 tấn vào quý II/2023, giảm 18% so với cùng kỳ.
Nhu cầu tiêu thụ trang sức của người tiêu dùng Việt Nam bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm kinh tế. Bên cạnh đó, giá vàng cũng bị ảnh hưởng bởi chính sách tiền tệ của ngân hàng Trung Ương làm giá vàng gia tăng khiến cho nhu cầu tiêu dùng trang sức cũng giảm. Từ đó, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong thị trường trang sức cũng bị ảnh hưởng đáng kể.
Tại thị trường trang sức trong nước, có thể nói, hai tên tuổi lớn không thể không nhắc đến là DOJI và PNJ và những hoạt động của 2 doanh nghiệp này đã và đang tạo nên những điểm nhấn chính cho bức trang của ngành.
DOJI với doanh thu “đi trước”
Tập đoàn DOJI tiền thân là Công ty Phát triển Công nghệ và Thương mại TTD, thành lập năm 1994. Đến năm 2007 đổi tên thành Công ty CP vàng bạc đá quý & đầu tư thương mại DOJI. Vàng bạc Đá quý DOJI chủ yếu nhập vàng hạt từ Thụy Sĩ, sau đó gia công thành vàng miếng có độ nguyên chất cao, đáp ứng các yêu cầu của thị trường.
Theo Vietdata, tính tới thời điểm hiện tại, DOJI có 15 công ty thành viên, trong đó có 5 công ty liên kết góp vốn đầu tư với hơn 61 chi nhánh, 200 trung tâm kinh doanh, hơn 400 đại lý và điểm bán trang sức trên toàn quốc. Những sản phẩm vàng đang được Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI khai thác kinh doanh rộng rãi trên toàn hệ thống gồm có vàng miếng và trang sức mỹ nghệ.
Sau hàng loạt các thương vụ thâu tóm để mở rộng hệ thống phân phối, DOJI đã trở thành doanh nghiệp kinh doanh trang sức có doanh thu hàng đầu Việt Nam, lên tới 100,000 tỷ đồng. Tuy nhiên những năm gần đây, doanh thu của DOJI đang tụt dốc khá nhanh. Cụ thể, trong năm 2022 thương hiệu trang sức ghi nhận mức doanh thu là 77,191 tỷ đồng, giảm 19.7% so với năm 2021.
Mặc dù DOJI vẫn giữ vị trí doanh thu lớn nhất trên thị trường trang sức Việt Nam nhưng lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này lại cực kỳ thấp so với PNJ. Mức lợi nhuận của DOJI trong năm 2022 chỉ đạt 1,016 tỷ đồng thấp hơn khá nhiều so với mức lợi nhuận của PNJ.
PNJ chiếm ưu thế về lợi nhuận
Công ty PNJ được thành lập vào ngày 28/04/1988 với tên Cửa hàng kinh doanh Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận. Vào năm 2004 công ty chính thức đổi tên thành Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận. PNJ là một trong những thương hiệu hàng đầu của ngành trang sức Việt Nam.
Theo Vietdata, tính tới năm 2022, PNJ đã có tổng cộng 362 cửa hàng tại 55/63 tỉnh thành. Trong đó bao gồm 341 cửa hàng PNJ Gold, 7 cửa hàng PNJ Silver, 3 cửa hàng CAO Fine Jewellery, 5 cửa hàng Style by PNJ, 3 cửa hàng PNJ Watch và 3 cửa hàng PNJ Art. Với mục tiêu mở từ 30 – 35 cửa hàng trong 2022, PNJ đã hoàn thành kế hoạch đề ra về.
Với bối cảnh thị trường khó khăn, doanh thu của PNJ trong quý 3 và quý 4 năm 2022 giảm mạnh. Tuy nhiên với sự nỗ lực trong việc thúc đẩy các hoạt động kinh doanh, lũy kế cả năm 2022 doanh thu của PNJ đạt 33,786 tỷ đồng, tăng 73.3% so với năm 2021. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của thương hiệu trang sức này ghi nhận 1,810 tỷ đồng, tăng hơn 800 tỷ so với năm trước.
Doanh thu trong năm 2022 của PNJ tăng cao là do các hoạt động phát triển khách hàng mới, chăm sóc khách hàng hiệu quả cùng các chiến lược hàng hóa phù hợp và chương trình tiếp thị bán hàng đa dạng, linh hoạt phù hợp với nhu cầu của từng thị trường, nhóm khách hàng mục tiêu.