Ngày 8/1, lợi suất trái phiếu chính phủ Anh kỳ hạn 30 năm tăng lên mức cao nhất 26 năm, kể từ năm 1998 đến nay. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm cũng giao dịch ở mức cao nhất kể từ năm 2008. Đối với cả hai kỳ hạn này, lợi suất tăng khoảng 1 điểm phần trăm, tức 100 điểm cơ bản trong một năm. Đây là biến động lớn trên thị trường trái phiếu. Trong hơn một tháng, lợi suất trái phiếu các kỳ hạn này đã tăng khoảng 0,5 điểm phần trăm.
Tại sao xảy ra biến động trái phiếu chính phủ Anh?
Câu chuyện này liên quan đến một số yếu tố. Thị trường trái phiếu lo ngại về các kế hoạch thuế và chi tiêu của chính phủ Anh như đã nêu trong gói ngân sách mùa Thu ngày 30/10.
Một số thay đổi về thuế vẫn chưa có hiệu lực. Trong đó, đáng chú ý nhất là kế hoạch tăng tiền Bảo hiểm quốc gia (thuế thu nhập) đánh vào chủ sử dụng lao động. Điều này dẫn đến giá cả tăng vì các công ty đẩy chi phí cho người tiêu dùng.
Do đó, nhiều người lo ngại khả năng lạm phát quay trở lại, cũng là nỗi lo chung ở Mỹ và khu vực đồng euro.
Chính quyền ông Trump sắp tới với các kế hoạch về thuế quan và nhập cư cũng là một yếu tố tác động đến thị trường trái phiếu toàn cầu.
Tại sao lợi suất trái phiếu chính phủ lại tăng?
Lợi suất và giá trái phiếu có mối quan hệ tỷ lệ nghịch với nhau. Lợi suất tăng thì giá trái phiếu giảm và ngược lại.
Việc bán tháo trái phiếu, cụ thể hơn là trái phiếu chính phủ Anh, đã đẩy lợi suất tăng cao. Các yếu tố khác thúc đẩy lợi suất bao gồm lãi suất và kỳ vọng lạm phát.
Sau khi tăng lãi suất từ 0,1% lên 5,25% trong vòng chưa đầy hai năm, Ngân hàng Anh chỉ cắt giảm lãi suất hai lần vào năm 2024. Điều này đã khiến lợi suất trái phiếu chính phủ cao hơn dự kiến.
Thị trường tài chính đã dự đoán 3 hoặc 2 lần cắt giảm lãi suất vào năm 2025, nhưng con số đó đã giảm xuống còn 1 lần. Nhưng vẫn có nhiều ý kiến trái chiều về độ chính xác của các dự báo này. Một số chuyên gia vẫn kỳ vọng 4 lần cắt giảm. Và nếu điều đó thành hiện thực, lợi suất trái phiếu chính phủ ngắn hạn sẽ giảm.
Tại sao các nhà đầu tư bán tháo trái phiếu chính phủ Anh?
Động thái bán tháo được cho là phản ứng muộn đối với gói ngân sách mùa Thu công bố cách đây hơn hai tháng. Khi Đảng Lao động Anh trở lại cầm quyền, họ tuyên bố tìm thấy một "hố đen tài chính", tức khoản thâm hụt ngân sách trị giá hơn 20 tỷ bảng Anh.
Chính phủ Công đảng muốn huy động thêm hàng tỷ bảng từ việc tăng thu thuế và tăng chi tiêu công. Ngay sau khi gói ngân sách mới được công bố ngày 30/10, lợi suất trái phiếu chính phủ tăng, trở thành một dấu hiệu đáng lo ngại. Những biến động trong 48 giờ qua cũng là một vấn đề đáng lưu ý trong cách tiếp cận của chính phủ.
Đối với Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves, lợi suất trái phiếu chính phủ tăng vọt đúng thời điểm bà phải thực hiện các cam kết chi tiêu đã đưa ra trong cuộc bầu cử. Chính phủ sử dụng trái phiếu để rót vào chi tiêu công ngắn hạn và dài hạn, từ tài trợ cho Cơ quan y tế quốc gia (NHS) đến các dự án cơ sở hạ tầng.
Đây có phải cuộc khủng hoảng giống giai đoạn của cựu Thủ tướng Anh Liz Truss không?
Lợi suất trái phiếu chính phủ hiện cao hơn so với giai đoạn nhiệm kỳ chóng vánh của Thủ tướng Liz Truss. Mặc dù không hoảng loạn như năm 2022, đây vẫn là một khởi đầu không mong muốn cho năm 2025 đối với Đảng Lao động Anh.
Theo như Giám đốc danh mục đầu tư Mike Riddell tại Fidelity International giải thích, đây không phải là vấn đề của riêng nước Anh. Đây là câu chuyện toàn cầu.
Lợi suất trái phiếu của Anh tăng sau lợi suất Mỹ tăng cao. Lợi suất trái phiếu Đức cũng tăng.
Giám đốc phân tích đầu tư Laith Khalaf của AJ Bell cũng không tin rằng thị trường trái phiếu phản ứng do ngân sách. Thay vào đó, ông cho rằng việc ông Trump quay trở lại Nhà Trắng có liên quan nhiều hơn.
“Thực tế là lợi suất tăng ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương. Điều đó cho thấy thị trường đang chú ý đến việc tổng thống Mỹ sắp nhậm chức và khả năng chính sách thuế quan và nhập cư của ông sẽ gây ra lạm phát”, ông nói.
Giám đốc nghiên cứu Kathleen Brooks tịa XTB nhận định: “Các quốc gia khác có vấn đề về tài chính, nhưng Vương quốc Anh có khả năng đang trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng tài chính khác, nếu không có 1) sự can thiệp từ Ngân hàng Anh, hoặc 2) hành động của chính phủ nhằm tăng thuế hoặc cắt giảm chi tiêu. Cả hai đều không phải là lựa chọn hấp dẫn khi nền kinh tế đang trì trệ”.
Theo MarketWatch