Thị trường ngày 23/3: Giá dầu, vàng tăng gần 2%, đồng tăng phiên thứ 5 liên tiếp

Minh Quân | 05:56 23/03/2023

Kết thúc phiên giao dịch 22/3 giá dầu và vàng đều tăng gần 2%, đồng tăng phiên thứ 5 liên tiếp sau quyết định tăng lãi suất 0,25% của Fed trong khi quặng sắt, cao su giảm.

Thị trường ngày 23/3: Giá dầu, vàng tăng gần 2%, đồng tăng phiên thứ 5 liên tiếp

Dầu tăng khoảng 2%

Giá dầu tăng khoảng 2% lên mức cao nhất một tuần do USD giảm xuống mức thấp nhất 6 tuần sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất ít như dự kiến đồng thời ám chỉ sẽ dừng các đợt tăng lãi suất trong tương lai.

Chốt phiên 22/3, dầu thô Brent tăng 1,37 USD hay 1,8% lên 76,69 USD/thùng, dầu WTI tăng 1,23 USD hay 1,8% lên 70,90 USD/thùng. Đây là mức đóng cửa cao nhất đối với cả hai loại dầu kể từ ngày 14/3.

Fed đã nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, nhưng cho biết sắp dừng tăng chi phí vay trong bối cảnh bất ổn trong các thị trường tài chính bởi sự sụp đổ của hai ngân hàng Mỹ.

USD giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 2/2 so với rổ các đồng tiền khác, hỗ trợ nhu cầu dầu khi giá rẻ hơn cho người mua bằng các ngoại tệ khác.

Các thị trường dầu mỏ không quan tâm tới số liệu hàng tuần của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ EIA chỉ ra dự trữ dầu thô tăng 1,1 triệu thùng trong tuần trước lên mức cao nhất trong 22 tháng.

Các nhà phân tích trong một thăm dò của Reuters dự báo dự trữ dầu giảm 1,6 triệu thùng. Nhưng số liệu chính thức của EIA cho thấy dự trữ tăng ít hơn so với mức tăng 3,3 triệu thùng trong báo cáo một ngày trước của Viện Dầu khí Mỹ.

Dự trữ dầu thô của Mỹ tăng kể từ tháng 12, khiến tồn kho lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2021. Trong khi đó dự trữ xăng và sản phẩm chưng cất giảm trong tuần trước nhiều hơn so với các nhà phân tích dự kiến.

Giá dầu WTI và Brent tuần trước đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2021 do lo ngại bất ổn trong ngành ngân hàng có thể kích hoạt một cuộc suy thoái toàn cầu và cắt giảm nhu cầu dầu. 

Theo ba đại biểu từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh gồm cả Nga, tổ chức này duy trì thỏa thuận cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày cho tới cuối năm nay, bất chấp giá dầu thô giảm.

Vàng tăng 1,7%

Giá vàng tăng sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất nhẹ và cho thấy chuẩn bị kết thúc giai đoạn tăng lãi suất.

Vàng giao ngay tăng 1,7% lên 1.973,52 USD/ounce sau khi tăng khoảng 2%. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 4 đóng cửa tăng 0,4% lên 1.949,6 USD/ounce trước khi Fed thông báo tăng lãi suất.

Trong cuộc họp báo, chủ tịch Fed Jerome cho biết ngân hàng trung ương này không dự kiến cắt giảm lãi suất trong năm 2023.

Vàng đã tăng hơn 7% trong tháng này, gần mức cao kỷ lục trên 2.000 USD đạt được hồi tháng 3/2020, do lo ngại ngành ngân hàng và tài chính.

Lợi suất trái phiếu của Mỹ giảm và USD chạm mức thấp nhất trong gần 7 tuần, khiến kim loại này hấp dẫn hơn.

Đồng tăng phiên thứ 5

Giá đồng tăng ngày thứ 5 liên tiếp do lo ngại về nguồn cung khan hiếm, nhưng các nhà đầu tư thận trọng trước quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vào cuối ngày.

Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 1,4% lên 8.881,5 USD/tấn, tiếp phục hồi từ mức thấp nhất 10 tuần đã chạm tới trong tuần trước.

Kim loại này được dùng trong dây điện có xu hướng giảm kể từ khi giá đạt 9.550,5 USD/tấn hồi tháng 1, thấp hơn nhiều mức kỷ lục 10.845 USD trong năm ngoái.

Nhu cầu tại Trung Quốc phục hồi chậm hơn dự kiến và bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Các thị trường chứng khoán toàn cầu tăng một cách thận trọng trong khi USD giảm xuống mức thấp nhất 5 tuần khiến các kim loại định giá bằng đồng tiền này rẻ hơn cho người mua bằng các đồng tiền khác.

Nhu cầu đang tăng và nguồn cung khó tăng sẽ khiến thị trường khan hiếm, dự đoán giá sẽ đạt trung bình 9.000 USD/tấn trong năm nay và 11.000 USD/tấn trong năm 2024.

Dự trữ đồng tại sàn giao dịch Thượng Hải và Comex cũng giảm.

Quặng sắt tiếp tục giảm 

Giá quặng sắt Đại Liên và Singapore tiếp tục giảm với triển vọng nhu cầu tạm thời bị sức ép bởi Trung Quốc cân nhắc cắt giảm sản lượng thép khoảng 2,5%.

Mục tiêu được các nhà hoạch định chính sách đề xuất tại cuộc họp tuần trước nhưng vẫn chưa được hoàn thiện. Một số quan chức cho biết việc cắt giảm 2,5% là quá cao khi nền kinh tế vẫn đang phục hồi và mục tiêu dự kiến sẽ được đưa ra trước cuối tháng 6.

Quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa giảm 2,15% xuống 865,5 CNY (125,64 USD)/tấn, thấp nhất kể từ ngày 15/2.

Tại Singapore, quặng sắt giao tháng 4 giảm 2,26% xuống 120,7 USD/tấn, thấp nhất kể từ ngày 13/2.

Thép cây tại Thượng Hải giảm 0,84% xuống 4.153 CNY/tấn, thép cuộn cán nóng giảm 0,35% và thép không gỉ giảm 0,22%.

Cao su Nhật Bản giảm

Giá cao su Nhật Bản giảm sau một thời gian ngắn phục hồi trong phiên, do các thương nhân vẫn lo lắng về quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 8 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 0,6 JPY hay 0,3% xuống 204,4 JPY (1,54 USD)/kg. Hợp đồng này đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021.

Tại Thượng Hải giá cao su giao tháng 5 tăng 25 CNY lên 11.700 CNY (1.698,83 USD)/tấn.

Đường tăng

Giá đường trắng kỳ hạn tháng 5 đóng cửa tăng 14,1 USD hay 2,4% lên 603,9 USD/tấn sau khi thiết lập mức cao nhất 6 tháng tại 604,3 USD/tấn.

Các đại lý cho biết thị trường tiếp tục được hỗ trợ bởi sản lượng thấp hơn dự kiến tại Ấn Độ và Thái Lan trong khi tập trung sẽ sớm chuyển sang vụ thu hoạch ở Trung Nam Brazil dự kiến sẽ bắt đầu sớm và thu hoạch vào tháng tới.

Đường thô kỳ hạn tháng 5 tăng 0,34 US cent hay 1,6% lên 21,14 US cent/lb.

Cà phê giảm

Cà phê arabica kỳ hạn tháng 5 đóng cửa giảm 2,3 US cent hay 1,3% xuống 1,78 USD/lb.

Các đại lý cho biết thị trường này thiếu xu hướng tổng thể rõ ràng và đang giảm trở lại xuống mức trung bình của tháng này.

Cà phê robusta kỳ hạn tháng 5 giảm 18 USD hay 0,8% xuống 2.112 USD/tấn.

Xuất khẩu cà phê của Uganda trong tháng 2 tăng 6% so với cùng tháng năm trước do giá tăng thúc đẩy các nhà đầu tư giải phóng dự trữ của họ.

Đậu tương, lúa mì giảm, ngô tăng

Giá đậu tương trên sàn giao dịch Chicago đóng cửa giảm do thanh lý các hợp đồng mua và áp lực từ ước tính sản lượng của Brazil tăng.

Đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 5 đóng cửa giảm 18-1/2 US cent xuống 14,48-1/2 USD/bushel. Hợp đồng này đã giảm xuống mức thấp nhất 15 tuần trong phiên này.

Lúa mì đóng cửa giảm, có lúc xuống thấp nhất kể từ tháng 7/2021 do việc bán ra theo yếu tố kỹ thuật và sự suy yếu lan tỏa từ thị trường ngũ cốc Châu Âu. Ngô đảo chiều đóng cửa tăng.

Lúa mì mềm đỏ vụ đông giao tháng 5 đóng cửa giảm 19-3/4 US cent xuống 6,63-1/2 USD/bushel sau khi giảm xuống 6,54 USD, mức thấp nhất đối với hợp đồng được giao dịch nhiều nhất kể từ tháng 7/2021.

Ngô CBOT kỳ hạn tháng 5 tăng 3-1/2 US cent lên 6,33-1/2 USD/bushel.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 23/03

Bài liên quan

(0) Bình luận
Thị trường ngày 23/3: Giá dầu, vàng tăng gần 2%, đồng tăng phiên thứ 5 liên tiếp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO