Dầu tăng trong ngày, giảm trong tuần
Giá dầu tăng vào thứ Sáu nhờ dữ liệu kinh tế khả quan ở khu vực đồng euro và Anh, nhưng tính chung cả tuần giảm do không chắc chắn về lãi suất của Mỹ và về nhu cầu.
Giá dầu Brent kết thúc phiên 21/4 tăng 56 cent lên 81,66 USD/thùng. Giá dầu thô Trung cấp Tây Texas của Mỹ (WTI) tăng 50 cent lên 77,87 USD/thùng.
Tính chung cả tuần, giá Brent giảm 5,4%, trong khi WTI giảm 5,6%.
Các cuộc khảo sát cho thấy sự phục hồi kinh tế của khu vực đồng euro đã bất ngờ tăng tốc trong tháng này khi ngành dịch vụ - chiếm ưu thế của khối - chứng kiến nhu cầu, vốn đã tăng cao, nay càng tăng mạnh, bù đắp cho sự suy giảm sâu sắc trong lĩnh vực sản xuất.
Một cuộc khảo sát ngành cho thấy các doanh nghiệp Anh cũng báo cáo hoạt động phục hồi và lạm phát chi phí đầu vào chậm nhất trong hơn hai năm.
Triển vọng nguồn cung thắt chặt hơn cũng góp phần hỗ trợ thêm, với các nhà phân tích kỳ vọng dầu tồn kho sẽ giảm từ tháng tới, do các mục tiêu sản lượng giảm của OPEC và nhu cầu của Trung Quốc tăng.
Cà phê tăng
Giá cà phê robusta giao tháng 7 tăng 8 USD, tương đương 0,3%, lên 2.382 USD/tấn khi thị trường tiếp tục đà tăng khi giá đang ở gần mức cao nhất trong 11 năm rưỡi của tuần trước là 2.401 USD. Tính chung cả tuần giá tăng 2%.
Cà phê arabica giao tháng 7 giảm 2,45 cent, tương đương 1,3%, xuống 1,9145 USD/lb, tính chung cả tuần không có sự thay đổi.
Giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam giảm xuống thấp hơn so với giá tham chiếu quốc tế, do giá cà phê robusta tại London nhích lên trong tuần này bởi kho dự trữ gần như trống rỗng.
Nông dân ở Tây Nguyên, vùng trồng cà phê lớn nhất của Việt Nam, bán hạt cà phê ở mức 50.300 đồng đến 52.000 đồng (2,14-2,21 USD) một kg, tăng từ mức 49.400 đồng - 51.500 đồng một tuần trước.
Các thương nhân tại Việt Nam chào giá cà phê robusta đen loại 2 (5% vỡ) với mức chiết khấu 30-50 USD/tấn so với hợp đồng robusta kỳ hạn tháng 7 trên sàn London. Tuần trước, giá cà phê Việt Nam cao hơn 40-50 USD/tấn.
Cacao tăng
Giá cacao trên sàn ICE đã tăng thêm 3% trong tuần này do tiếp tục được hỗ trợ bởi triển vọng nguồn cung toàn cầu thắt chặt.
Ca cao tháng 7 tại London tăng 22 bảng, tương đương 1%, lên 2.285 GBP/tấn, trước đó đã đạt mức cao mới trong 6 năm rưỡi là 2.295 GBP.
Các đại lý cho biết thị trường được hỗ trợ bởi quan điểm về nguồn cung hạn chế, với dự báo thâm hụt toàn cầu lần thứ hai liên tiếp trong niên vụ 2022/23 hiện tại.
Ca cao kỳ hạn tháng 7 của sàn New York tăng 27 USD, tương đương 0,9%, lên 2.983 USD/tấn, sau khi thiết lập mức cao nhất trong 6 năm rưỡi là 2.995 USD.
Vàng giảm
Giá vàng giảm mạnh vào thứ Sáu do những phát ngôn từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tuần qua vẫn ủng hộ việc tăng lãi suất để chống lạm phát, giúp củng cố khả năng sẽ có ít nhất một đợt tăng lãi suất nữa và hỗ trợ đồng USD.
Giá vàng giao ngay giảm 1,2% xuống 1.979,63 USD/ounce. Giá vàng Mỹ kỳ hạn tháng 6 giảm 1,4% xuống còn 1.990,50 USD.
Các quan chức Fed hôm thứ Năm cho biết lạm phát vẫn "vượt xa" mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương. Thống đốc Fed Michelle Bowman nhắc lại rằng cần phải hành động nhiều hơn nữa để chế ngự lạm phát.
Thép giảm
Giá thép kỳ hạn nói chung đang có xu hướng giảm. Thép cây trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 1,46% xuống mức thấp gần 5 tháng, là 3.842 nhân dân tệ/tấn, thép cuộn cán nóng giảm 1,64%, dây thép cuộn giảm 0,27% và thép không gỉ giảm 0,55%.
Dữ liệu của Hiệp hội Thép Thế giới cho thấy sản lượng thép thô toàn cầu trong tháng 3 tăng 1,7% so với một năm trước đó lên 165,1 triệu tấn. Trong đó, sản lượng thép thô từ Trung Quốc, nhà sản xuất và tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới, đã tăng 6,9% lên 95,7 triệu tấn trong tháng 3.
Tuy nhiên, thông tin từ Nhật Bản cho biết sản lượng thép thô của nước sản xuất thép số 3 thế giới này đã giảm 8,1% trong năm tài khóa 2022/23 do sản lượng ô tô chậm lại bởi tình trạng thiếu hụt chip gây áp lực lên nhu cầu trong khi xuất khẩu suy yếu phản ánh nền kinh tế nước ngoài trì trệ.
Sản lượng thép trong quý từ tháng 1 đến tháng 3 giảm 6,0% xuống 21,62 triệu tấn.
Sản lượng riêng trong tháng 3 giảm 5,9% so với một năm trước đó xuống 7,49 triệu tấn, đánh dấu tháng giảm thứ 13 liên tiếp.
Đồng giảm
Giá đồng tiếp tục giảm vào thứ Sáu do lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu tại Trung Quốc, nước tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới.
Giá đồng kỳ hạn 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại Luân Đôn (LME) đã giảm 1,0% xuống còn 8.789 USD/tấn.
“Sự không chắc chắn xung quanh mức độ phục hồi ở Trung Quốc, thị trường quan trọng nhất đối với kim loại này, sẽ vẫn là yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến giá đồng… trong ngắn hạn,” Commerzbank cho biết trong một báo cáo.
Sản lượng đồng tinh luyện tháng 3 của Trung Quốc tăng 9% lên mức cao kỷ lục 1,05 triệu tấn.
Quặng sắt giảm
Giá quặng sắt kỳ hạn tại các sàn Đại Liên và Singapore ngày thứ Sáu giảm ngày thứ ba liên tiếp xuống mức thấp nhất gần 4 tháng do sức mua từ các nhà máy thép giảm và hàng tồn kho tại cảng biển Trung Quốc tăng làm suy yếu tâm lý nhà đầu tư.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên giảm 4,04% xuống mức thấp gần 4 tháng, là 736,5 nhân dân tệ (106,96 USD)/tấn.
Trên Sàn giao dịch Singapore, giá quặng sắt giao tháng 5 giảm 4,52% xuống 110,15 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 28 tháng 12 năm 2022.
Dự trữ quặng sắt tại 45 cảng lớn của Trung Quốc được khảo sát tăng 1,23 triệu tấn, tương đương 1% trong tuần đến 21 tháng 4 lên 130,35 triệu tấn, dữ liệu của Mysteel cho thấy.
Khí đốt thấp nhất 2 năm
Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay trên thị trường châu Á giữ ở mức thấp nhất trong 22 tháng trong tuần này, do nhu cầu vẫn yếu tại các thị trường Bắc Á chủ chốt, là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Giá LNG trung bình cho đợt giao hàng tháng 6 tới Đông Bắc Á tuần này ở mức 12 USD/một triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu).
Cao su kết thúc chuỗi 5 ngày tăng
Giá cao su kỳ hạn của Nhật Bản vào thứ Sáu đã kết thúc chuỗi 5 ngày liên tiếp tăng trong bối cảnh giá dầu giảm và lo ngại suy thoái kinh tế, mặc dù giá vẫn tăng trong tuần.
Hợp đồng cao su giao tháng 9 của Sở giao dịch Osaka kết thúc phiên giảm 2,7 yên, tương đương 1,4%, xuống 210,1 yên (1,57 USD)/kg nhưng tăng 0,1% trong tuần, đánh dấu tuần tăng thứ hai liên tiếp.
Hợp đồng cao su giao tháng 9 trên sàn giao dịch Thượng Hải giảm 80 NDT xuống 11.860 NDT (1.720,11 USD)/tấn.
Đường giảm
Giá đường thô hạ nhiệt trong phiên thứ Sáu, nhưng tính chung cả tuần tăng 3% do tiếp tục được hỗ trợ bởi triển vọng nguồn cung toàn cầu thắt chặt.
Đường thô kỳ hạn tháng 5 giảm 0,42 cent, tương đương 1,7%, xuống 24,83 cent/lb sau khi thiết lập mức cao nhất trong 11 năm là 25,62 cent vào đầu phiên giao dịch. Hợp đồng này đã tăng 3% trong tuần.
Đường trắng kỳ hạn tháng 8 giảm 19,30 USD, tương đương 2,8%, xuống 676,40 USD/tấn, tiinhs chung cả tuần giảm 3%.
Ngô, đậu tương, lúa mì giảm
Giá đậu tương kỳ hạn tương lai của Mỹ giảm lúc kết thúc phiên thứ Sáu, kéo dài chuỗi ngày giảm do đậu tương giá rẻ của Brazil đang cạnh tranh với đậu tương Mỹ, quốc gia sản xuất đậu tương lớn thứ hai trên thế giới.
Giá ngô kỳ hạn kết thúc phiên cũng giảm do nhà đầu tư thanh lý hợp đồng dài hạn và triển vọng tích cực đối với thời tiết trồng trọt của Mỹ.
Giá lúa mì cũng yếu hơn khi các thị trường theo dõi diễn biến trong các cuộc đàm phán về xuất khẩu của Ukraine và theo dõi các dự báo về lượng mưa giảm ở các vùng bị hạn hán ở Đồng bằng Mỹ.
Hợp đồng đậu tương giao tháng 7 trên Sàn giao dịch thương mại Chicago kết thúc phiên giảm 19,5 US cent xuống 14,49 USD/bushel. Hợp đồng ngô giao cùng kỳ hạn giảm 10-3/4 cent xuống 6,15-1/4 USD/bushel, trong khi lúa mì giảm 7 cent xuống 6,73 USD/bushel.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 22/4: