Thị trường ngày 10/3: Giá dầu chạm đáy 2 tuần, vàng, quặng sắt, dầu cọ đảo chiều đi lên

Minh Quân | 07:23 10/03/2023

Giá dầu và đồng tiếp tục xu hướng giảm trong phiên vừa qua do lo ngại về tăng trưởng kinh tế của Mỹ và Trung Quốc sau khi một số dữ liệu kinh tế được công bố, trong khi vàng tăng trở lại bởi USD yếu đi.

Thị trường ngày 10/3: Giá dầu chạm đáy 2 tuần, vàng, quặng sắt, dầu cọ đảo chiều đi lên
Ảnh minh họa.

Dầu giảm 1% xuống thấp nhất 2 tuần

Giá dầu giảm khoảng 1% xuống mức thấp nhất 2 tuần vào thứ Năm do gia tăng lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể đi quá xa trong việc tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát - điều có thể gây suy thoái kinh tế và giảm nhu cầu dầu trong tương lai.

Giá dầu Brent kết thúc phiên giảm 1,07 USD, tương đương 1,3%, xuống 81,59 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 22/2; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 94 US cent, tương đương 1,2%, xuống 75,72 USD, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 27/2.

Số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới đã tăng nhiều nhất trong 5 tháng vào tuần trước, nhưng xu hướng cơ bản vẫn nhất quán với thị trường lao động thắt chặt.

Vàng tăng 1% khi dữ liệu việc làm của Mỹ xoa dịu các nhà đầu tư

Giá vàng tăng vọt vào thứ 5 khi USD giảm sau khi dữ liệu cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ tăng cao hơn dự kiến vào tuần trước, mang đến một số hy vọng cho các nhà đầu tư rằng việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang có thể gây ảnh hưởng ít hơn so với lo ngại.

Giá vàng giao ngay tăng 1,1% lên 1.832,75 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 4 tăng 0,9% lên 1.834,60 USD.

Chỉ số đồng USD giảm 0,4%, khiến vàng thỏi trở thành một món đầu tư hấp dẫn hơn.

Đồng giảm do lo ngại về nhu cầu của Trung Quốc và lãi suất của Mỹ

Giá đồng giảm vào thứ Năm sau khi dữ liệu kinh tế của Trung Quốc làm gia tăng lo ngại về nhu cầu chậm chạp tại quốc gia tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới này, trong khi lãi suất của Mỹ vẫn có khả năng tăng mạnh.

Kết thúc phiên giao dịch thứ Năm trên Sàn giao dịch kim loại London (LME), giá đồng giao sau 3 tháng giảm 0,7% xuống 8.848,50 USD/tấn.

Xu hướng giảm của giá vàng được hạn chế bởi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới của Mỹ tăng lên đã ảnh hưởng đến chỉ số đồng USD. Đồng đô la yếu đi làm cho hàng hóa được định giá bằng đồng tiền của Mỹ trở nên rẻ hơn đối với người mua sử dụng các loại tiền tệ khác.

Giá nhôm phiên này cũng giảm 1,1% xuống 2.328 USD/tấn.

Ngô giảm theo dự đoán mùa hè El Nino, lúa mì và đậu tương cũng giảm

Giá ngô kỳ hạn tương lai trên sàn Chicago chạm mức giá thấp nhất kể từ tháng 8 do triển vọng thời tiết mùa vụ ở Mỹ thuận lợi hơn sau những dự đoán rằng El Nino có thể đến vào mùa hè.

Trong khi đó, giá lúa mì chạm mức thấp mới trong 18 tháng do nhu cầu yếu đối với lúa mì xuất khẩu của Mỹ.

Giá đậu tương cũng giảm trong phiên này.

Hợp đồng ngô được giao dịch nhiều nhất trên Sàn Thương mại Chicago (CBOT) chạm mức thấp nhất kể từ ngày 19 tháng 8 và giảm 1,72% xuống 6,14-3/4 USD/bushel. Giá lúa mì chạm mức thấp nhất kể từ tháng 7 năm 2021 và giảm 2,47% xuống 6,70-1/2 USD/bushel, trong khi đậu tương giảm 0,23% xuống 15,14-1/4 USD/bushel.

Cao su giảm ngày thứ 4 liên tiếp

Giá cao su kỳ hạn tương lai trên thị trường Nhật Bản giảm vào thứ Năm, khi các nhà giao dịch cân nhắc các chỉ số về sức mạnh của thị trường chứng khoán với đồng yên mạnh hơn và kỳ vọng về các đợt tăng lãi suất tiếp theo của Mỹ.

Hợp đồng cao su giao tháng 8 của Sở giao dịch Osaka kết thúc phiên giảm 0,9 yên, tương đương 0,4%, xuống 221,6 yên (1,62 USD)/kg.

Tương tự, hợp đồng cao su giao tháng 5 trên sàn giao dịch Thượng Hải giảm 185 CNY xuống còn 12.190 CNY (1.748,95 USD)/tấn.

Chỉ số Nikkei trung bình của Nhật Bản lúc đóng cửa tăng 0,63%.

Cà phê giảm

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 5 giảm 2,3 cent, tương đương 1,3%, xuống 1,7505 USD/lb, sau khi có lúc chạm mức thấp nhất trong 4 tuần, là 1,7390 USD.

Lượng arabica dự trữ được ICE chứng nhận đã bắt đầu tăng trở lại sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong năm vào đầu tuần này, trong khi 38.533 bao 60 kg khác vẫn đang được phân loại.

* Cà phê robusta kỳ hạn tháng tăng 9 USD, tương đương 0,4%, lên 2.168 USD/tấn, được hỗ trợ bởi nguồn cung khan hiếm tại nhà sản xuất cà phê robusta hàng đầu thế giới - Việt Nam.

Dầu cọ đảo chiều tăng trở lại

Giá dầu cọ kỳ nhạn tương lai trên thị trường Malaysia tiếp tục giảm vào đầu phiên 10/3, nhưng sau đó đã đảo ngược xu hướng để tưng lên, kết thúc chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp trước đó khi các thương nhân chuyển sự tập trung sang dữ liệu sắp công bố của hội đồng quản trị dầu cọ.

Hợp đồng dầu cọ tham chiếu - giao tháng 5 - trên Sàn giao dịch phái sinh Bursa Malaysia lúc đóng cửa tăng 24 ringgit, tương đương 0,57%, lên 4.204 ringgit (930,29 USD)/tấn.

Mặc dù tăng song giá dầu cọ trên sàn Đại Liên và giá dầu thô yếu đi tiếp tục gây áp lực lên thị trường dầu cọ. Tuy nhiên, xu hướng giảm dự kiến sẽ được hạn chế bởi đồng ringgit yếu và dự báo dự trữ dầu cọ tháng 2 giảm mạnh.

Ủy ban Dầu cọ Malaysia (MPOB) dự kiến sẽ công bố dữ liệu cung và cầu tháng 2 vào thứ Sáu.

Chính sách dầu diesel sinh học của Indonesia và khả năng xuất hiện mô hình thời tiết El Nino có thể làm căng thẳng thêm kho dự trữ dầu cọ toàn cầu, nâng giá vào cuối năm nay, các quan chức và nhà phân tích hàng đầu trong ngành cho biết tại một hội nghị hôm thứ Tư.

Quặng sắt tăng

Giá quặng sắt kỳ hạn tương lai trên sàn Đại Liên và Singapore đảo ngược xu hướng giảm và tăng trở lại vào chiều thứ Năm do dữ liệu cho thấy sản lượng thép của Trung Quốc tăng tạo tâm lý lạc quan.

Sản lượng 5 sản phẩm thép chính của Trung Quốc, bao gồm thép cây, thép cuộn, thép cuộn cán nóng, thép cuộn cán nguội và thép tấm trung bình trong tuần đến ngày 9/3 tăng 49.000 tấn so với tuần trước, lên khoảng 9,52 triệu tấn, dữ liệu từ công ty tư vấn Mysteel cho biết.

Hợp đồng quặng sắt giao tháng 5 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc kết thúc phiên tăng 0,6% lên 916,5 nhân dân tệ (131,45 USD)/tấn.

Trên Sàn giao dịch Singapore, quặng sắt giao tháng 4 ở mức 126,95 USD/tấn, tăng 0,09%.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 10/3:

Bài liên quan

(0) Bình luận
Thị trường ngày 10/3: Giá dầu chạm đáy 2 tuần, vàng, quặng sắt, dầu cọ đảo chiều đi lên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO