Dầu tăng khoảng 2% do hy vọng tăng trưởng của Trung Quốc
Giá dầu tăng khoảng 2%, do hy vọng kinh tế Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ lấn át những lo lắng về việc tăng lãi suất của Mỹ sẽ kéo giảm tiêu thụ tại nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Chốt phiên 28/2, dầu thô Brent giao tháng 4, đáo hạn trong phiên này tăng 1,44 USD hay 1,8% lên 83,89 USD/thùng. Hợp đồng kỳ hạn tháng 5 tăng 1,41 USD hay 1,7% lên 83,45 USD/thùng.
Dầu WTI tăng 1,37 USD hay 1,8% lên 77,05 USD/thùng.
Dự đoán nhu cầu tại Trung Quốc phục hồi đã củng cố đà tăng, thị trường này đang đợi số liệu quan trọng trong hai ngày tới. Các nhà kinh tế trong thăm dò của Reuters dự đoán hoạt động sản xuất tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trong tháng hai.
Xuất khẩu dầu thô Urals sang Trung Quốc từ các cảng phía Tây của Nga tăng trong tháng 2 so với tháng trước đó, do chi phí vận chuyển giảm và nhu cầu tăng.
Giá dầu được dự đoán tăng lên trên 90 USD/thùng trong nửa cuối năm 2023 khi nhu cầu của Trung Quốc phục hồi và sản lượng của Nga giảm, theo một thăm dò của Reuters.
Tương tự, các nhà phân tích dầu mỏ của JPMorgan duy trì dự báo giá dầu Brent trung bình năm 2023 ở mức 90 USD/thùng.
Đà tăng của dầu bị hạn chế bởi lo sợ Mỹ tăng lãi suất sau khi các đơn hàng mới về tư liệu sản xuất của Mỹ mạnh hơn dự kiến trong tháng 1.
Tổ chức OPEC đã sản xuất 28,97 triệu thùng dầu mỗi ngày trong tháng 2, theo khảo sát của Reuters, tăng 150.000 thùng/ngày so với tháng 1. Sản lượng vẫn giảm hơn 700.000 thùng/ngày so với tháng 9.
Trong khi đó Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ EIA cho biết sản lượng dầu thô của nước này trong tháng 12/2022 giảm xuống 12,1 triệu thùng/ngày, thấp nhất kể từ tháng 8/2022.
Tuy nhiên, dự trữ dầu thô của Mỹ đang tăng và được dự báo tăng tuần thứ 10 liên tiếp, các nhà phân tích trong thăm dò của Reuters dự đoán tăng gần nửa triệu thùng trong tuần trước.
Vàng có tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2021
Giá vàng tăng trong phiên nhưng có tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2021 do USD mạnh lên và lo sợ rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tiếp tục tăng lãi suất.
Vàng đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 4/2022 trong đầu tháng 2, nhưng sớm đảo chiều. Giá vàng giảm hơn 5% trong tháng 2 sau khi số liệu kinh tế mạnh thúc đẩy dự đoán lãi suất sẽ tăng thêm.
Vàng giao ngay tăng 0,6% lên 1.828,28 USD/ounce, trong phiên có lúc chạm mức thấp nhất kể từ cuối tháng 12/2022 tại 1.804,20 USD. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 4 đóng cửa tăng 0,7% lên 1.836,7 USD/ounce.
Trong vài tuần tới, USD và lợi suất trái phiếu của Mỹ có thể giảm và hỗ trợ giá vàng, sau đó giá có thể giảm (do Fed tiếp tục tăng lãi suất) và giảm xuống mức 1.700 USD/ounce.
USD tăng tháng đầu tiên trong 5 tháng khiến vàng đắt hơn cho người mua bằng ngoại tệ khác, làm giá vàng có tháng giảm đầu tiên trong 4 tháng.
Đồng tăng do nhà đầu tư chốt lời
Giá đồng tiếp tục tăng do các nhà đầu cơ điều chỉnh vị thế do hy vọng nhu cầu phục hồi tại Trung Quốc, nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới.
Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London tăng 1,9% lên 8.965,5 USD/tấn sau khi tăng 1% trong phiên trước. Tuy nhiên, hợp đồng này giảm 2,7% trong tháng 2, giảm lần đầu tiên kể từ tháng 10/2022.
Đồng tại sàn Comex Mỹ tăng 2,1% lên 4,09 USD/lb.
Giá đồng LME phục hồi từ mức quan trọng đối với các nhà đầu tư đang theo dõi những tín hiệu kỹ thuật.
Tính từ điểm thấp nhất trong phiên ngày 27/2, đồng LME đã giảm 9% kể từ mức đỉnh 7 tháng tại 9.550,50 USD/tấn đã chạm tới hồi tháng 1. Trong tháng 1, giá đồng tăng phần lớn do hy vọng việc nới lỏng kiểm soát Covid-19 nghiêm ngặt tại Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu.
Nhu cầu đồng tại Trung Quốc vẫn yếu trong tháng 2 gây sức ép lên giá, nhưng giới phân tích dự kiến kinh tế Trung Quốc phục hồi mạnh từ đầu tháng 3, chính phủ có khả năng tung thêm kích thích tại kỳ họp Quốc hội.
Giá quặng sắt trái chiều
Giá quặng sắt tại Đại Liên và Singapore biến động do triển vọng thị trường trong ngắn hạn trái chiều.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa giảm 0,78% xuống 888,5 CNY (127,98 USD)/tấn. Trong khi quặng sắt tại Singapore giao tháng 3 tăng 0,87% lên 123,8 USD/tấn.
Các nhà phân tích tại Huatai Futures cho biết nguồn cung vẫn khá hạn hẹp và nhu cầu sẽ được hỗ trợ bởi sự phục hồi nhu cầu thép, đồng thời cảnh báo khả năng biến động giá ngày càng tăng xuất phát từ tình trạng không rõ về chính sách.
Công ty khai thác Vale SA của Brazil cho biết sản lượng quặng sắt loại tốt dự kiến tăng trong những năm tới.
Giá thép tiếp tục quỹ đạo đi xuống trong bối cảnh giá nguyên liệu thô suy yếu.
Thép cây tại Thượng Hải giảm 0,64% xuống 4.174 CNY/tấn, thép cuộn cán nóng giảm 0,54% và thép không gỉ giảm 0,66%.
Cao su Nhật Bản giảm trong tháng 2
Giá cao su Nhật Bản tăng trong phiên, theo hướng cổ phiếu trong nước mạnh lên, mặc dù tính chung cao su giảm trong tháng 2 do sản lượng nhà máy địa phương yếu kém và lo sợ suy thoái toàn cầu.
Hợp đồng cao su giao tháng 8 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 1,4 JPY hay 0,6% lên 224,2 JPY (1,65 USD)/kg. Hợp đồng này đã giảm 3,5% trong tháng hai so với tháng liền trước.
Tại Thượng Hải, cao su giao tháng 5 giảm 70 CNY xuống 12.450 CNY (1.794 USD)/tấn.
Sản lượng của nhà máy ở Nhật Bản tháng 1 giảm với tốc độ nhanh nhất trong 8 tháng do nhu cầu ở nước ngoài sụt giảm đã gây thiệt hại nặng cho các ngành công nghiệp chính như ô tô và thiết bị bán dẫn.
Thị trường cao su tự nhiên cũng được hỗ trợ bởi giá dầu tăng.
Đường thô đạt mức đỉnh mới trong 6 năm
Đường thô kỳ hạn tháng 3, hết hạn trong phiên này đóng cửa giảm 0,01 US cent xuống 22,08 US cent/lb, trước đó giá đã lên 22,36 US cent, cao nhất kể từ tháng 11/2016.
Đường thô kỳ hạn tháng 5 giảm 0,22 US cent hay 1,1% xuống 20,07 US cent/lb. Cấu trúc thị trường này chỉ ra nguồn cung khan hiếm trong ngắn hạn.
Giám đốc công ty DATAGRO cho biết tại Hội nghị Đường Dubai, sản lượng đường ở khu vực Trung Nam Brazil dự báo tăng 13% lên 38 triệu tấn trong niên vụ 2023/24.
Nhà sản xuất năng lượng Raizen SA của Brazil dự kiến 48% lượng mía tại khu vực Trung Nam được sử dụng để sản xuất đường trong niên vụ 2023/24. Dự báo này cao hơn một chút dự báo trung bình là 46% trong thăm dò của Reuters công bố vào tháng trước.
Đường trắng kỳ hạn tháng 5 giảm 8,9 USD hay 1,6% xuống 562,4 USD/tấn.
Cà phê trái chiều
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 5 đóng cửa giảm 0,15 US cent hay 0,1% xuống 1,863 USD/lb.
Cà phê arabica vẫn được củng cố bởi thị trường giao ngay ở Brazil và Colombia khan hiếm và dự trữ của sàn giao dịch giảm.
Rabobank cho biết mặc dù thời tiết tốt tại Brazil, triển vọng vụ mùa này dường như không thay đổi nhiều khi tiềm năng mùa vụ được thiết lập từ nhiều tháng trước trong quá trình nở hoa.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 5 tăng 7 USD hay 0,3% lên 2.140 USD/tấn.
Xuất khẩu cà phê từ Việt Nam ước tính giảm 13,1% trong hai tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước, xuống 323.000 tấn.
Ngô xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2022, đậu tương thấp nhất 7 tuần
Giá ngô trên sàn giao dịch Chicago giảm 2,1% xuống mức thấp nhất 7 tháng do việc bán ra của quỹ và những lo ngại về nhu cầu xuất khẩu đang sụt giảm.
Hợp đồng ngô CBOT kỳ hạn tháng 5 đóng cửa giảm 13-1/4 US cent xuống 6,3-1/4 USD/bushel. Trước đó giá ngô đã xuống 6,3 USD, thấp nhất đối với hợp đồng được giao dịch nhiều nhất kể từ ngày 22/8/2022. Tính chung cả tháng ngô giảm 7,2%, tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2022.
Đậu tương giảm xuống mức thấp nhất 7 tuần do các quỹ thanh lý trước khi kết thúc tháng 2. Đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 5 giảm 33-3/4 US cent xuống 14,79 USD/bushel, giảm 3,8% trong tháng 2, tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 9/2022.
Lúa mì giảm lần thứ 5 trong 6 phiên do lo ngại về nhu cầu ở nước ngoài và thời tiết nông vụ của Mỹ đang cải thiện.
Lúa mì mềm đỏ vụ đông giao tháng 5 giảm 4-1/2 US cent xuống 7,05-1/2 USD/bushel, giảm 7,1% trong tháng 2, giảm tháng thứ 5 liên tiếp.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 01/03