Thị trường việc làm Mỹ hạ nhiệt khi chỉ có 175.000 việc làm mới được bổ sung trong tháng 4, một trong những tháng thấp nhất trong 3 năm qua. Số việc làm phi nông nghiệp thấp hơn nhiều so với con số dự kiến 235.000 việc làm của các nhà kinh tế và thấp hơn so với mức tăng 315.000 việc làm trong tháng 3.
Dựa trên ước tính ban đầu, báo cáo việc làm tháng 5 từ Cục Thống kê Lao động (BLS) sắp được công bố có thể giảm tương tự. Các nhà kinh tế dự đoán số việc làm mới sẽ ở mức 180.000 và tỷ lệ thất nghiệp giữ ở mức 3,9%. Nếu tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục dưới 4%, nó sẽ duy trì chuỗi kỷ lục chưa từng có kể từ thập niên 1950.
Trong cuộc chiến kiềm chế lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) muốn thấy nhu cầu hạ nhiệt để hạ sức nóng của giá cả. Họ cũng muốn chứng kiến thị trường lao động đạt được sự cân bằng, không gây ra tình trạng thất nghiệp tăng đột biến hoặc suy thoái kinh tế.
Nhà kinh tế cấp cao Elizabeth Crofoot tại công ty phân tích dữ liệu lao động Lightcast đánh giá thị trường lao động vẫn mạnh mẽ và vững chắc, nhưng đồng thời đang hướng tới kịch bản “hạ cánh mềm” – tức lạm phát giảm mà nền kinh tế không rơi vào suy thoái.
Hàng loạt dữ liệu việc làm bổ sung được công bố trước ngày 7/6 dường như cho thấy rằng: Cơ hội việc làm đang thu hẹp, việc tuyển dụng đang chậm lại, người lao động không nghỉ việc nhiều.
Nhà kinh tế Crofoot cho rằng việc thị trường hạ nhiệt một cách từ từ là khá hợp lý. Không ai muốn thị trường lao động “sụp đổ và bùng cháy”.
Báo cáo việc làm tháng 5 có thể củng cố một xu hướng mà nước Mỹ chưa từng chứng kiến kể từ đầu những năm 1950. Đó là nếu tỷ lệ thất nghiệp như dự đoán, đây sẽ là tháng thứ 28 liên tiếp tỷ lệ thất nghiệp dưới 4%, chuỗi dài nhất trong lịch sử hơn 70 năm.
Nhà kinh tế Dean Baker, đồng sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế, cho biết: “Nếu tỷ lệ thất nghiệp ở mức dưới 4% trong 28 tháng liên tiếp thì đó sẽ là cơ hội để ăn mừng. Nếu các dữ liệu khác trong báo cáo việc làm giống như hồi tháng 4, thì điều đó sẽ giúp Fed cảm thấy thoải mái hơn với việc hạ lãi suất”.
Nhà kinh tế trưởng Julia Pollak của trang việc làm trực tuyến ZipRecbeaner cho biết 4% là một con số kỳ diệu. Ở mức này, các nhà tuyển dụng sẽ phải mở rộng tìm kiếm, tích cực tuyển những ứng viên “phi truyền thống”, đưa ra điều kiện làm việc hấp dẫn hơn.
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch. Ngày 6/6, Bộ Lao động báo cáo rằng người Mỹ đã nộp 229.000 đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 1/6. Mặc dù đây là tuần cao nhất trong tháng, con số này vẫn thấp hơn mức 311.000 hồ sơ trước đại dịch.
Mặc dù đồng tình rằng mức tăng việc làm và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức ổn định, các nhà kinh tế vẫn đang theo dõi thêm một số xu hướng khác:
Thu nhập bình quân mỗi giờ: Fed đã theo dõi chặt chẽ mức tăng trưởng tiền lương, vì lo ngại mức tăng lương nhanh sẽ gây áp lực lên lạm phát. Mức tăng lương đã chậm lại, nhưng vẫn ở trên mức trước đại dịch.
Người lao động nhập cư: Ngoài tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cao ở những người trong độ tuổi lao động chính, thị trường lao động Mỹ đang được hưởng lợi từ bùng nổ lao động nhập cư.
Giáo dục công của tiểu bang và địa phương: Chương trình Hỗ trợ Khẩn cấp dành cho trường Tiểu học và Trung học sẽ kết thúc vào tháng 9 và có thể kéo theo việc sa thải diện rộng. Điều đó có nghĩa là báo cáo việc làm tháng 5 và tháng 6 có thể bị ảnh hưởng.
Tỷ lệ thất nghiệp do bỏ việc: Điểm bất thường trong các báo cáo việc làm gần đây là tỷ lệ thất nghiệp do tự nguyện nghỉ việc tương đối thấp. Đây là thước đo niềm tin của mọi người vào thị trường lao động. Nó cho thấy người lao động sẵn sàng nghỉ việc trước khi có công việc mới.
Theo CNN