Phiên sáng nay, giá dầu WTI tăng 0,72 USD/thùng lên mức 80,40 USD/thùng; dầu WTI tăng 0,79 USD/thùng lên mức 87,45 USD/thùng.
Giá dầu được hỗ trợ đà tăng ngay phiên đầu tuần, tuy nhiên vẫn còn chịu tác động từ đà giảm của tuần trước dưới những thông tin trái chiều.
Một mặt là tác động bởi sự lạc quan về khả năng phục hồi nhu cầu của nhà nhập khẩu dầu hàng đầu Trung Quốc. Mặt khác lại lo ngại về suy thoái kinh tế sau dữ liệu hoạt động kinh doanh của Mỹ trong tháng 1 giảm tháng thứ 7 liên tiếp, dự trữ dầu thô của Mỹ tăng.
Về tình hình tại Trung Quốc, tuần trước, tổng sản phẩm được cung cấp, một thước đo về nhu cầu tiêu thụ thực tế, giảm 866.000 thùng xuống 19,45 triệu thùng/ngày. Mức trung bình trong bốn tuần cũng đã giảm về 18,89 triệu thùng/ngày, thấp hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy nhu cầu tiêu thụ dầu vẫn chưa có sự cải thiện đáng chú ý.
Trong khi đó, đối với nguồn cung từ Mỹ, sản lượng khá ổn định, và dữ liệu của Baker Hughes cũng cho thấy, số lượng giàn khoan dầu khí giữ nguyên ở mức 771 giàn trong tuần qua.
Như vậy, trong bối cảnh thiếu vắng các tin tức mới hỗ trợ từ thị trường Trung Quốc, các tin tức này đã thúc đẩy lực bán đối với dầu thô, là nguyên nhân khiến giá dầu vẫn còn xu hướng giảm.
Mặt khác, tín hiệu nguồn cung mạnh mẽ từ Nga cũng kìm hãm đà tăng của giá dầu. Các thương nhân cho biết, chuyến hàng dầu thô từ cảng Baltic của Nga trong 10 ngày đầu tháng 2 có thể tăng lên 1 triệu tấn từ mức 0,9 triệu tấn trong kế hoạch cùng kỳ tháng 1, tăng 11% so với mức cơ sở hàng ngày.
Nguồn cung từ Nga vẫn còn là một bài toán phức tạp, nhất là khi các nước phương Tây đang lên kế hoạch áp đặt trần giá đối với các sản phẩm dầu tinh chế từ Nga kể từ ngày 5/2 sắp tới.
Trên thị trường nội địa, giá bán lẻ xăng dầu hôm nay được áp dụng theo phiên điều hành ngày 11/1.
Hiện giá xăng E5 RON 92 ở ngưỡng 21.350 đồng/lít, xăng RON 95 là 22.150 đồng/lít.
Dầu diesel ngưỡng 21.620 đồng một lít, dầu hỏa ngưỡng 21.800 đồng, dầu mazut ngưỡng 13.740 đồng/kg.