Hơn 5 tháng nay, anh N.T.T (môi giới Hải Dương) trở lại công việc lái xe taxi khi nghề môi giới bất động sản đã không còn viễn cảnh “hái ra tiền”.
Anh T. kể, người bán gửi hàng rất nhiều nhưng người mua gần như không có. Nhiều lô đất đẹp đang được chủ đất cắt lỗ tới 20% nhưng vẫn không có người hỏi mua. Nhất là lô đất đấu giá, dòng sản phẩm này không chỉ ghi nhận tình trạng nhà đầu tư bỏ cọc ồ ạt mà hiện tại lượng giao dịch cũng rất ít khi xảy ra.
“Bất động sản đang chững lại. Bây giờ, mọi người đều tâm lý e ngại chờ đợi vì lãi suất tăng, kinh tế khó khăn. Do lãi suất tăng, khó vay nên việc mua, bán trên thị trường cũng chậm”, anh T. nói.
Thị trường bất động sản Hải Dương từng đón cơn sốt đất khi giá đất tăng theo cấp số nhân. Ở thời điểm giai đoạn 2020-2021, giá đất tại thành phố Hải Dương tăng trung bình gấp 2 lần, nhất là đối với các khu vực dự án ven thành phố. Đến cuối năm 2021, đầu năm 2022, loại hình đất đấu giá tại khu vực này cũng hút các nhà đầu tư. Nhưng hiện tại, trạng thái trầm lắng đang bao trùm thị trường.
Tương tự như Hải Dương, thị trường bất động sản Hải Phòng cũng ghi nhận diễn biến tương tự. Trước đó, thông tin Thuỷ Nguyên lên thành phố cộng hưởng với sự đổ bộ của loạt dự án lớn khiến thị trường nơi đây sốt nóng mạnh. Một số lô đất thổ cư tại Thuỷ Nguyên ghi nhận tăng gấp 3 lần trong thời gian ngắn. Tại thành phố Hải Phòng, đặc biệt khu vực vùng ven, mức giá dao động ở ngưỡng 30-50 triệu đồng/m2, tuỳ thuộc vào vị trí, đặc thù lô đất.
Nhưng đến hiện tại, không khí ảm đạm bao trùm thị trường Hải Phòng. Khảo sát đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, lượng tin đăng và mức độ quan tâm nhà đất Hải Phòng đều sụt giảm ở cả 3 loại hình chính của thị trường này là chung cư, đất nền và biệt thự.
Chung cư ghi nhận lượng tin đăng tháng 8 sụt giảm mạnh nhất với 16% so với tháng 7, đất nền cũng giảm 13%. Lượt tìm kiếm đất nền giảm khoảng 5%, tìm kiếm biệt thự, chung cư cũng giảm lần lượt 4% và 3% so với tháng trước đó.
Không chỉ các loại hình bất động sản chủ lực, tin đăng bán nhà mặt phố, nhà riêng tại Hải Phòng cũng giảm lần lượt 21% và 12% so với tháng 7. Tuy nhiên, lượt tìm kiếm ở hầu hết các loại hình bất động sản ở thị trường này chỉ giảm nhẹ, từ 2-4% cho thấy thị trường vẫn thu hút sự quan tâm của người mua.
Đơn vị này đưa ra nhận định, thị trường nhà đất bán Hải Phòng giảm nhiệt ở tất cả các loại hình, hơn nữa còn diễn biến diện rộng khi gần như tất cả các quận, huyện đều có lượng tin đăng bán sụt giảm so với tháng 7.
Nguồn hàng đăng bán giảm mạnh nhất ở quận Ngô Quyền với 20%, An Dương giảm gần 18%, các địa bàn còn lại cũng giảm từ 5-10%. Tương tự, lượt tìm kiếm nhà đất tại các địa bàn cũng giảm từ 1-6%, mạnh nhất là An Dương.
Những điểm nóng sốt giá trước đây như Thủy Nguyên, thị trấn Cát Bà, Dương Kinh, Kiến An... đều trầm lắng, tuy nhiên giá bán vẫn đang chững hoặc chỉ giảm nhẹ cục bộ.
Theo một lãnh đạo doanh nghiệp đến từ Hà Nội, thị trường bất động sản một số tỉnh đang bước vào giai đoạn “đóng băng” khi lượng giao dịch sụt giảm mạnh. Nguyên nhân khiến cho thị trường bất động sản tỉnh trầm lắng do các địa phương này từng diễn ra cơn sốt ảo, mức giá tăng gấp 2, gấp 3 thậm chí có nơi gấp 5 lần.
Vị này phân tích thêm, đánh giá về cơ sở gia tăng giá trị có thể thấy, mức giá bất động sản tăng theo lần, tăng trước khi hạ tầng xây dựng và hoàn thiện là mức tăng ảo. Chưa kể, rất nhiều dự án đổ bộ về tỉnh nhưng phần lớn là các nhà đầu cơ. Trong khi người dân ở địa phương có nhu cầu mua ở thực rất thấp.
Do lãi suất tăng cao, áp lực gồng nợ lãi tăng, nhà đầu tư buộc phải rút. Thị trường bất động sản một số tỉnh xảy ra tình trạng hàng tồn nhiều, người gửi bán đông nhưng không có ai mua. Giai đoạn này chỉ có người mua ở thực. Người mua bất động sản đầu tư, đầu cơ lại không xuất hiện. Bất động sản tỉnh bước vào giai đoạn “đóng băng” là điều dễ hiểu.