Thí điểm chủ phương tiện chuyển đổi tài khoản thu phí sang tài khoản giao thông từ ngày 1/10/2025

Quang Minh | 08:18 01/10/2024

Ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục đường bộ Việt Nam) cho biết: Từ 1/10/2024 đến 1/7/2026 thực hiện duy trì hình thức thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng. Từ 1/7/2026 chính thức vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ.

Thí điểm chủ phương tiện chuyển đổi tài khoản thu phí sang tài khoản giao thông từ ngày 1/10/2025
Ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế, Tổng cục đường bộ Việt Nam

Theo ông Tô Nam Toàn, tại Dự thảo Nghị định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ, chúng ta xây dựng dựa trên Luật giao thông đường bộ. Trong quá trình xây dựng Luật Đường bộ, Chính phủ đã xây dựng nội dung thanh toán điện tử giao thông đường bộ.

Việc xây dựng dự thảo Nghị định được bám sát vào các quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước và tạo thuận lợi cho người dân. Bảo đảm phù hợp với các quy định của hệ thống pháp luật Việt Nam, đặc biệt là Luật Đường bộ và quy định về thanh toán không dùng tiền mặt của pháp luật về ngân hàng.

Nghị định kế thừa các quy định của Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động.

Theo ông Toàn, Nghị định là cơ sở tăng cường hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin đối với các hoạt động thanh toán các loại phí, giá, tiền dịch vụ liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện giao thông đường bộ thông qua tài khoản giao thông. Tăng cường sự cạnh tranh cho các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông, vận hành hệ thống điểm thu. Bảo đảm quyền lựa chọn sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử thuận tiện cho người dân.

"Để phục vụ quản lý Nhà nước và chia sẻ dữ liệu tài khoản giao thông cho các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông đường bộ, Bộ Giao thông vận tải xây dựng Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ.

Nhằm đảm bảo minh bạch, quản lý rõ ràng, chúng tôi trao đổi với Ngân hàng nhà nước (NHNN) sẽ tách tài khoản thu phí thành tài khoản giao thông kết nối với phương tiện thanh toán.

"Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ mở tài khoản giao thông cho chủ phương tiện ngay lần đầu gắn thẻ đầu cuối. Tài khoản giao thông chỉ được kết nối với một phương tiện thanh toán và cần có hợp đồng dịch vụ", ông Toàn nói.

Cơ sở dữ liệu (CSDL) thanh toán điện tử Giao thông đường bộ (GTĐB) sẽ bao gồm: Thông tin tài khoản giao thông (TKGT) và Thông tin giao dịch thanh toán điện tử GTĐB.

Trong đó, thông tin tài khoản giao thông gồm: Số TKGT, ngày mở TKGT; Thông tin chủ TKGT (có thể là cá nhân hoặc tổ chức); Thông tin phương tiện gắn thẻ đầu cuối; Thông tin thẻ đầu cuối; Thông tin phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Thông tin giao dịch thanh toán điện tử GTĐB gồm: Thông tin đơn vị tham gia giao dịch; Thông tin thanh toán tiền sử dụng đường bộ; Thông tin thanh toán các loại phí, giá, tiền dịch vụ khác; Thông tin thanh toán (mã bản tin thanh toán; số tiền thanh toán; phương tiện thanh toán; ngày, tháng, năm, giờ, phút, giây thực hiện thanh toán thành công).

Theo dự thảo Nghị định, nhà cung cấp (NCC) dịch vụ thanh toán điện tử giao thông sẽ gồm: NCC dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ làm nhiệm vụ phát hành thẻ đầu cuối, mở TKGT, kết nối, xác định chi phí và thực hiện thanh toán đối với giá dịch vụ sử dụng đường bộ, phí sử dụng đường cao tốc.

Và NCC dịch vụ thanh toán GTĐB có nhiệm vụ kết nối tài khoản giao thông, Kết nối, xác định chi phí, thực hiện thanh toán về phí, giá, tiền dịch vụ khác liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện như: Giá dịch vụ trông đỗ xe, lệ phí đăng kiểm,…

NCC dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ có nhiệm vụ mở TKGT cho chủ phương tiện ngay lần đầu gắn thẻ đầu cuối.

TKGT phải được kết nối với một phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của pháp luật ngân hàng để thực hiện thanh toán điện tử GTĐB.

Mỗi TKGT có thể sử dụng để chi trả cho nhiều phương tiện nhưng mỗi phương tiện chỉ được nhận chi trả từ một TKGT.

Chủ phương tiện phải đảm bảo đủ tiền trong phương tiện thanh toán được kết nối với TKGT khi thực hiện thanh toán điện tử GTĐB.

Nếu không sẽ không được đi qua trạm thu phí trên đường cao tốc hoặc phải sử dụng làn thu phí hỗn hợp tại trạm thu phí đường bộ.

Tài khoản này có thể được khóa theo đề nghị của chủ TKGT hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Việc đối soát doanh thu sẽ được thực hiện theo hàng ngày và hàng tháng.

Về lộ trình triển khai, ông Tô Nam Toàn cho biết, dự kiến từ ngày 1/10/2024 khi Nghị định có hiệu lực đến ngày 1/10/2025, chủ phương tiện phải thực chuyển đổi tài khoản thu phí sang TKGT kết nối phương tiện thanh toán.

Từ 1/10/2024 đến 1/7/2026 thực hiện duy trì hình thức thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng. NCC dịch vụ thanh toán GTĐB và NCC dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ triển khai kết nối hệ thống điều hành và trung tâm dữ liệu để kết nối, chia sẻ thông qua TKGT.

Và từ 1/7/2026 chính thức vận hành hệ thống CSDL thanh toán điện tử GTĐB.


(0) Bình luận
Thí điểm chủ phương tiện chuyển đổi tài khoản thu phí sang tài khoản giao thông từ ngày 1/10/2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO