Việt Nam sở hữu lợi thế về các loại trái cây nhiệt đới và nhiều loại trái cây đã thu về hàng tỷ USD mỗi năm từ xuất khẩu. Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam và mới đây thêm một loại quả vừa được cấp visa sang Mỹ là quả chanh leo, nối gót các loại quả thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa, bưởi và dừa.
Chanh leo Việt Nam được xuất khẩu sang Mỹ
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại vào ngày 27/8/2024, Thứ trưởng Hoàng Trung và Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có buổi làm việc với Thứ trưởng Hafemeister và đại diện các cơ quan hữu quan của Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Hai bên đã đạt được thoả thuận quan trọng trong việc đưa thêm một loại trái cây tươi nữa của Việt Nam vào thị trường Mỹ đó là quả chanh leo. Đồng thời đa dạng hoá các hình thức kiểm dịch, để giảm chi phí và tăng thêm tính cạnh tranh của trái cây Việt Nam tại thị trường Mỹ.
Theo thống kê, Việt Nam đã nhanh chóng vươn lên thành quốc gia có lượng chanh leo xuất khẩu lớn thứ 3 trên thế giới, chỉ đứng sau Peru và Brazil. Trên thực tế Brazil là nước có sản lượng lớn nhất, tuy nhiên phần lớn được tiêu thụ nội địa do đó xếp vị trí thứ 2.
Chanh leo không phải loại cây bản địa tuy nhiên khá phù hợp với đặc điểm khí hậu ấm và ẩm như ở Việt Nam. Cây chanh leo phát triển tốt khi có lượng mưa trung bình trên 1.600mm, phân phối đều, tránh mưa bão ở thời điểm ra hoa kết trái.
Chanh leo tím thích hợp ở vùng á nhiệt đới có độ cao 1.000-1.200m, ngược lại giống quả vàng phù hợp với vùng nhiệt đới, độ cao dưới 600m. Thời gian mỗi vụ 4 tháng nên mỗi năm có thể canh tác 3 vụ.
Trong cơ cấu sản lượng chanh leo, Việt Nam xuất sang thị trường châu Âu khoảng 3 – 5%, sang Trung Quốc khoảng 20%, còn lại là tiêu thụ và sản xuất trong nước dưới dạng ép nước.
Điểm danh các ông lớn xuất khẩu chanh leo của Việt Nam
Theo thống kê, mặc dù được canh tác sớm tại Lâm Đồng, tuy nhiên diện tích lớn nhất cả nước hiện nay là Gia Lai, nổi bật ở huyện Chư Sê. Ngoài ra Đăk Nông cũng có diện tích khá lớn.
Có diện tích trồng lớn nhất nên hầu hết các ông lớn trong mặt hàng chanh leo đều tọa lạc tại Gia Lai. Công ty cổ phần Nafoods Group (HOSE: NAF) hiện là đơn vị chế biến và xuất khẩu chanh leo lớn nhất châu Á, chiếm 10% sản lượng toàn cầu. Riêng tại Gia Lai, theo quy hoạch Nafoodco được phép mở rộng vùng nguyên liệu liên kết với nông dân lên tới 3.000 ha.
Doanh nghiệp này chuyên về khai thác lợi thế các loại trái cây nhiệt đới như chanh leo, thanh long, xoài, dứa, dừa, đu đủ,.. và hiện đứng vị trí số 1 về xuất khẩu các sản phẩm chanh leo tại châu Á và Việt Nam.
Trong năm 2023, doanh thu thuần của NAF đạt 1.732,5 tỷ đồng, giảm 1,9% so với năm trước. Biên lãi gộp cải thiện 5,8 điểm phần trăm lên mức 27,1% giúp lợi nhuận gộp đạt 468,8 tỷ đồng, tăng 24,7%. Từ việc bán chanh leo cùng các loại trái cây nhiệt đới khác, NAF liên tục có tỷ suất lợi nhuận gộp duy trì trên 20% trong nhiều năm gần đây.
Một ông lớn xuất khẩu chanh leo trong ngành khác là Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO). Các sản phẩm của công ty đã có mặt tại hơn 60 quốc gia, chinh phục được các thị trường khó tính.
Sản phẩm từ quả chanh leo đang được sản xuất chủ yếu tại nhà máy DOVECO Gia Lai như: nước chanh leo cô đặc, nước chanh leo NFC và ruột chanh leo đông lạnh,… hiện là sản phẩm chủ lực, chiếm hơn 50% tổng giá trị xuất khẩu của Công ty. DOVECO đã bắt đầu tham gia xuất khẩu chanh leo vào năm 2020 với sự kiện xuất 100 tấn chanh leo sang Hà Lan.
Trong năm 2023, doanh thu công ty đạt 3.000 tỷ đồng, trong đó, kim ngạch xuất khẩu chiếm 80%. So với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu của công ty năm 2023 đạt 169% so với năm 2022. Công ty cũng đang sở hữu 4 vùng nguyên liệu chính đó là nông nghiệp trong công ty, vùng Tây Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ, vùng Tây Nguyên với công suất chế biến của các nhà máy hiện nay là 136.000 tấn/năm.
Công ty TNHH Quicornac là nhà máy chế biến chanh leo có vốn đầu tư FDI lớn nhất tại Gia Lai với công suất 300-400 tấn/ngày đêm. Với sự có mặt của Quicornac, ngành sản xuất, chế biến chanh leo ở Gia Lai đã có những bứt phá ngoạn mục cả về năng suất, sản lượng lẫn kim ngạch xuất khẩu.
Hoạt động từ đầu năm 2022, nhà máy chế biến chanh leo của Quicornac đã tiêu thụ hàng chục ngàn tấn chanh leo cho người dân trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, Công ty xuất khẩu hơn 100 container chanh leo sang thị trường châu Âu và Mỹ với kim ngạch trên 20 triệu USD. Bình quân mỗi tháng, các hợp tác xã ở Gia Lai thu mua và cung cấp cho Công ty khoảng 2.000 tấn chanh leo.
Trước đó, một công ty từng sở hữu đến 600 ha chanh leo là Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai – HAGL. HAGL Agrico từng đặt mục tiêu thu về 1.000 tỷ doanh thu từ chanh leo năm 2017, lớn nhất trong 3 loại trái cây được đầu tư phát triển khi đó là chanh leo, chuối và thanh long.
Sang năm 2018, kế hoạch doanh thu từ chanh leo thu hẹp còn 650 tỷ đồng. Năm 2019, HAGL Agrico dự kiến chỉ thu về 30 tỷ đồng từ chanh leo và tập trung vào sản phẩm chủ lực là chuối. Diện tích chanh leo từ hàng nghìn héc-ta dự kiến, giảm dần xuống chỉ 100 héc-ta vào cuối năm 2018 và không còn xuất hiện trong báo cáo thường niên của công ty năm 2019.