Tại Hội thảo "Thúc đẩy phát triển thị trường thanh toán điện tử ở Việt Nam" do báo Lao Động tổ chức chiều ngày 15/9, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, phổ cập tài chính toàn diện là một trong các mục tiêu quan trọng của ngành ngân hàng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 ban hành kèm theo quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021.
Thời gian qua, thanh toán không dùng tiền mặt đã có sự phát triển mạnh mẽ. Đến cuối năm 2022, trên 77,41% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Trong 7 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 51,14% về số lượng; qua kênh Internet tăng 66,46% về số lượng và 4,01% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 63,09% về số lượng và 8,79% về giá trị; qua phương thức QR Code tăng 124,15% về số lượng và 16,12% về giá trị.
Việc mở tài khoản trực tuyến được triển khai từ cuối tháng 3/2021, tính đến tháng 06/2023, gần 27 triệu tài khoản thanh toán được mở bằng phương thức điện tử (eKYC) đang hoạt động và 10,8 triệu thẻ đang lưu hành phát hành bằng phương thức eKYC.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN, trong Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 có nhiệm vụ phát triển dịch vụ thẻ ngân hàng. Đặc biệt, theo ông Tuấn, thẻ tín dụng nội địa có nhiều tiềm năng để phát triển trong tương lai, đem lại nhiều lợi ích cho người dùng và thúc đẩy thanh toán không tiền mặt.
Đến hết tháng 7/2023, có 15 tổ chức phát hành thẻ đã phát hành thẻ tín dụng nội địa. Số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đến tháng 7/2023 đạt trên 811,4 nghìn thẻ (tăng 42,5% so với cùng kỳ năm 2022). Trong giai đoạn 5 năm 2018-2022, số lượng thẻ tín dụng nội địa phát hành đạt mức tăng trưởng bình quân 29,6%/năm, cao hơn thẻ tín dụng quốc tế là 17,72%/năm.
Mặc dù có tốc độ tăng trưởng cao những năm gần đây, quy mô thẻ tín dụng nội địa vẫn còn khiêm tốn so với thẻ tín dụng quốc tế. Hiện nay số lượng thẻ tín dụng nội địa mới chỉ chiếm khoảng 8,7% tổng số lượng thẻ tín dụng đang lưu hành.
Ông Phạm Anh Tuấn cho rằng, thẻ tín dụng đã khá phổ biến tại thành thị, nhưng vẫn còn khá mới mẻ tại vùng nông thôn – nơi mà nhiều người dân có thu nhập ổn định, có khả năng trả nợ và có nhu cầu liên quan sản phẩm này. Đây là phân khúc khách hàng tiềm năng cho các tổ chức phát hành thẻ khai phá. Thẻ tín dụng nội địa có thể là điểm hấp dẫn nhóm khách hàng phổ thông hoặc lần đầu tiếp cận sản phẩm bởi thủ tục mở thẻ đơn giản, chi phí phát hành và thanh toán thấp.
Đặc biệt, khi phát hành thẻ nội địa, các tổ chức phát hành được chủ động hơn trong việc xây dựng các mức phí phù hợp với đối tượng khách hàng, giúp chi phí như phí phát hành, phí thường niên (miễn phí hoặc có mức phí cạnh tranh so với thẻ quốc tế).
“Tôi thấy câu chuyện thành công từ việc phát triển thẻ tín dụng nội địa tại một số thị trường quốc tế như Ấn Độ, Hàn Quốc sẽ là niềm cảm hứng cho các tổ chức phát hành tại Việt Nam có hướng đi đúng đắn, chiến lược bài bản, cách phát triển phù hợp với thực tế, điều kiện thị trường trong nước”, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN chia sẻ.