Tại Ấn Độ, khi nhắc đến công nghệ thông tin, không thể không nhắc tới Infosys – một trong những gã khổng lồ hàng đầu quốc gia này. Thời điểm hiện tại, Infosys có 13 chi nhánh trên toàn cầu, phục vụ gần 550 triệu khách hàng tại 84 quốc gia trên thế giới, có hơn 335.000 nhân viên và mức vốn hóa thị trường hơn 77 tỷ USD.
Infosys cung cấp dịch vụ đa dạng, bao gồm hệ thống ngân hàng toàn cầu Edge Verve, marketing kỹ thuật số, điện toán đám mây và một số nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI). Năm 2021, nhờ sự bùng nổ của các cổ phiếu công nghệ, Infosys đã lần đầu tiên chạm mốc vốn hóa 100 tỷ USD, qua đó trở thành công ty thứ tư của Ấn Độ làm được điều này.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng nhà sáng lập Infosys – ông Narayana Murthy, người được mệnh danh là huyền thoại của ngành công nghệ thông tin Ấn Độ, cũng từng trải qua vô vàn thách thức để đưa công ty đạt được thành công như hiện nay.
Ông Narayana sinh ra trong một gia đình trung lưu và luôn đạt thành tích học tập xuất sắc. Ông có bằng Cử nhân kỹ thuật điện của Đại học Mysore và tiếp tục theo học Thạc sĩ tại Học viện công nghệ Ấn Độ danh giá ở Kanpur. Sự nghiệp của ông khởi sắc khi ông trở thành trưởng lập trình viên hệ thống của Học viện quản lý Ấn Độ.
Sau đó, ông Narayana đảm nhiệm một số công việc khác trong ngành. Năm 1978, thời điểm kết hôn với vợ là bà Sudha Murthy, ông đang trong trạng thái thất nghiệp và ấp ủ dự định kinh doanh.
Trong một cuộc phỏng vấn sau này, bà Sudha kể lại: “Vì tôi xuất thân trong một gia đình trung lưu có bố là bác sĩ nên việc tôi kết hôn với một người thất nghiệp khiến mọi người lo lắng. Bố tôi nói rằng ông không biết giới thiệu Narayana với bạn bè ra sao. Cuối cùng, tôi bảo ông ấy chỉ cần giới thiệu là chồng của Sudha là được”.
Thời điểm đó, không chỉ là người kiếm tiền chính trong gia đình, bà Sudha còn luôn ủng hộ kế hoạch của chồng. Khi ông Narayana thành lập công ty phần mềm Infosys năm 1981, bà là người đã đưa gần như toàn bộ số tiền tiết kiệm trị giá 250 USD của mình để ông khởi nghiệp.
“Khi đó, chúng tôi đang sống trong một căn hộ thuê ở Mumbai. Một ngày nọ, ông ấy nói rằng mình đang thành lập công ty phần mềm và thuyết phục tôi bằng việc chỉ ra rằng Ấn Độ cần một cuộc cách mạng phần mềm như thế nào. 250 USD hóa ra lại là khoản đầu tư tốt nhất trong cuộc đời tôi”, bà Sudha chia sẻ.
Giống như bao gã khổng lồ công nghệ khác, Infosys cũng có xuất phát điểm khiêm tốn: căn phòng tại nhà của vợ chồng ông Narayana và 250 USD. Tuy nhiên, với tình trạng tài chính của gia đình, bà Sudha đưa ra thời hạn 3 năm để chồng phát triển công việc kinh doanh, còn kiếm tiền và việc nhà, bà sẽ lo liệu.
Trong thời gian này, bà Sudha vừa làm công việc khác, vừa là thư ký, lập trình viên kiêm người phụ trách nấu ăn cho ông Narayana và 6 người bạn kỹ sư phần mềm của ông. Và nỗ lực của họ cuối cùng cũng được đền đáp khi liên tiếp đạt được các bước đột phá trong kinh doanh. Năm 1999, công ty đạt doanh thu 100 triệu USD và niêm yết trên sàn Nasdaq.
Năm 2004, doanh thu của Infosys đạt 1 tỷ USD và đến năm 2016, con số này đã tăng lên 10 tỷ USD. Trong năm tài chính 2020 - 2021, công ty đạt doanh thu 14 tỷ USD với lợi nhuận ròng là 2,7 tỷ USD. Cùng với đó, công ty không ngừng mở thêm chi nhánh tại các quốc gia trên thế giới.
Về phần mình, ông Narayan giữ vai trò CEO của Infosys trong 21 năm trước khi từ chức vào năm 2002. Thời điểm hiện tại, ông sở hữu khối tài sản trị giá 4,6 tỷ USD. Chia sẻ về thành công của bản thân, ông luôn nhấn mạnh về sự đồng hành và hỗ trợ to lớn của vợ.
Ngoài là một kỹ sư phần mềm, một tác giả, bà Sudha còn tích cực làm từ thiện và là nguồn cảm hứng cho hàng triệu phụ nữ trên thế giới. Khi Infosys đạt được thành công, bà quyết định lui về phía sau để làm hậu phương cho chồng đồng thời thành lập quỹ từ thiện mang tên công ty để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Một điều đáng chú ý khác, vợ chồng ông Narayan có con gái Akshata Murthy là phu nhân của ông Rishi Sunak, Thủ tướng đầu tiên là người gốc Ấn Độ của nước Anh.