Cước phí tin nhắn dịch vụ ngân hàng: Thu cao nhưng không chịu trách nhiệm

Thanh Thanh | 06:24 05/11/2021

Hiện mức giá cước nhà mạng đang thu đối với tin nhắn dịch vụ ngân hàng hiện cao gấp 3 lần so với tin nhắn thông thường. Lý do được các nhà mạng đưa ra là những tin nhắn này mang tính bảo mật cao hơn nên giá cũng cao hơn…

Cước phí tin nhắn dịch vụ ngân hàng: Thu cao nhưng không chịu trách nhiệm
Hiện giá cước nhà mạng đang thu đối với tin nhắn dịch vụ ngân hàng cao gấp 3 lần so với tin nhắn thông thường.

Trong thực tế, mặc dù “được cho” là bảo mật nhưng rủi ro vẫn phát sinh và khách hàng là bên chịu thiệt hại từ những rủi ro này.

Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chia sẻ, không ít trường hợp ngân hàng “mang tiếng” và bị yêu cầu phải chịu trách nhiệm về những vụ việc tài khoản khách hàng “bốc hơi” do “click” vào tin nhắn giả mạo.

Do đó các nhà mạng cần phải công khai, minh bạch trong cách tính phí với dịch vụ ngân hàng, cũng như có trách nhiệm với các tin nhắn giả mạo ngân hàng.

Dịch xảy ra, ngân hàng giảm phí – nhà mạng thì không

Trong thời kỳ dịch Covid – 19 xảy ra, bên cạnh việc giảm lãi vay các ngân hàng còn riển khai nhiều chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán, với tổng số tiền đạt hơn 1.800 tỷ đồng.

Trong đó tổng số phí dịch vụ thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng và qua hệ thống chuyển mạch bù trừ (hệ thống Napas) dự kiến thực hiện giảm trong năm 2021 khoảng 1.557 tỷ đồng.

Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) đã thực hiện 4 lần giảm giá phí khai thác dịch vụ với tổng số tiền khoảng 252 tỷ đồng.

Tuy nhiên, các ngân hàng đang trở nên đơn độc trong việc giảm phí để phục vụ khách hàng mùa dịch. Nhiều lãnh đạo ngân hàng cho rằng thật thiếu công bằng khi các ngân hàng chấp nhận giảm doanh thu, lợi nhuận bằng việc giảm các khoản thu từ đầu ra. Trong khi đó các đối tác cung cấp sản phẩm, dịch vụ đầu vào cho ngân hàng lại không giảm giá.

Giá đầu vào giữ nguyên, giá đầu ra giảm mạnh và bên chịu thiệt là các ngân hàng.

Hiện giá cước nhà mạng đang thu đối với tin nhắn dịch vụ ngân hàng cao gấp 3 lần so với tin nhắn thông thường.

Cụ thể Mobifone và Vinaphone thu 820 đồng/1tin nhắn, Viettel thu 785 đồng/1 tin nhắn, trong khi cước phí tin nhắn của các nhà mạng này với khách hàng cá nhân chỉ từ 99 – 350 đồng/tin nhắn.

Nếu tính sơ bộ, một tổ chức tín dụng cỡ nhỏ hàng tháng phải trả phí cước cho 15 đến 20 triệu tin nhắn, còn các tổ chức tín dụng tầm trung trở lên phải trả phí cho từ 50 đến 80 triệu tin nhắn mỗi tháng.

Lấy mức phí của Mobifone và Vinaphone thu 820 đồng/1tin nhắn nhân với số lượng tin nhắn của tổ chức tín dụng tầm trung trở lên là 50 triệu tín nhắn mỗi tháng. Như vậy, mỗi tháng tổ chức tín dụng tầm trung trở lên phải trả khoảng 41 tỷ đồng phí tin nhắn cho nhà mạng.

Như vậy, với số lượng TCTD, số lượng dịch vụ tin nhắn và mức giá như trên, thì chi phí cho dịch vụ tin nhắn đang là “gánh nặng” khá lớn nhất là trong bối cảnh ngành Ngân hàng liên tục kêu gọi các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm lương giảm thưởng để giảm lãi, giảm phí, cơ cấu nợ tạm chưa thu lãi... cho khách hàng.

Căn cứ nào để nhà mạng thu phí tin nhắn cao?

Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, Hiệp hội đã 4 lần gửi tới Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị chỉ đạo quyết liệt nhà mạng thực hiện nghiêm túc việc giảm phí cước tin nhắn đối với các dịch vụ ngân hàng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi từ Bộ Thông tin và Truyền thông hay các doanh nghiệp viễn thông đối với đề nghị giảm phí.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Hùng, căn cứ tính phí của các nhà mạng đang có nhiều điểm cần làm rõ và minh bạch.

Cụ thể, đâu là cơ sở để đưa ra mức giá tin nhắn dịch vụ ngân hàng cao gấp 3 lần so với tin nhắn thông thường?. Nếu là do yêu cầu chi phí đầu tư cho bảo mật thì tại sao tình trạng lừa đảo qua tin nhắn giả mạo thương hiệu của các ngân hàng gửi từ nhà mạng vẫn liên tục xuất hiện làm ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tin của người dân vào tính an toàn trong giao dịch số với ngân hàng?.

Ai chịu trách nhiệm cho tình trạng lừa đảo qua tin nhắn giả danh ngân hàng?.

“Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ và ngành ngân hàng cũng là một trong những ngành luôn đi đầu về chuyển đổi số. Các hội viên cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các dịch vụ số hóa để tiết giảm chi phí hoạt động”, ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Cước phí tin nhắn dịch vụ ngân hàng: Thu cao nhưng không chịu trách nhiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO