Thành phố nào sắp tách thành 2 quận?

Nhã Mi | 17:10 13/10/2024

Tỉnh Thừa Thiên Huế sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sẽ vẫn có 9 đơn vị hành chính (cấp huyện) trực thuộc, trong đó có một thành phố trực thuộc tách thành 2 quận.

Thành phố nào sắp tách thành 2 quận?

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 891/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch, có 5 đô thị trực thuộc Trung ương gồm Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh (dự kiến đến năm 2030 là đô thị loại đặc biệt), Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng (dự kiến đến năm 2030 là đô thị loại I).

8 tỉnh định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Dương, Bình Dương (dự kiến đến năm 2030 là đô thị loại I).

Như vậy, đến 2030, Việt Nam sẽ có 13 thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, Thừa Thiên Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sớm nhất trong 8 tỉnh trên, năm 2025. 

Theo“Đề án Thành phố trực thuộc trung ương và sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế”, Thành phố Huế (sau khi trực thuộc Trung ương) có diện tích tự nhiên: 4.947,10 km2, quy mô dân số là 1.380.000 người; có 9 đơn vị hành chính, gồm: 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện; có 131 ĐVHC cấp xã (73 xã, 51 phường và 7 thị trấn (giảm 22 xã và tăng 12 phường). Thành phố Huế sẽ có 9 đơn vị hành chính trực thuộc:

1- Quận Phú Xuân (Quận phía bắc sông Hương), có 127,00 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 229.649 người với 13 phường.

2- Quận Thuận Hóa (Quận phía nam sông Hương), có 139,41 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 313.800 người với 19 phường.

3- Thị xã Hương Trà có 392,57 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 79.843 người với 9 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 06 phường và 03 xã.

4- Thị xã Hương Thủy có 427,48 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 107.468 người với 08 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 07 phường và 01 xã.

5- Thị xã Phong Điền, có 945,66 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 121.554 người với 12 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 6 phường và 06 xã.

6- Huyện Phú Lộc có 1.368,23 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 213.803 người với 27 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 23 xã và 04 thị trấn (Lăng Cô, Phú Lộc, Lộc Sơn và Khe Tre).

7- Huyện Phú Vang, có 235,31 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 151.842 người với 14 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 13 xã và 01 thị trấn.

8- Huyện Quảng Điền, có 162,89 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 108.094 người với 11 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 10 xã và 01 thị trấn.

9- Huyện A Lưới, có 1.148,49 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 54.436 người với 18 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 17 xã và 01 thị trấn.

Như vậy, tỉnh Thừa Thiên Huế sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với tên gọi mới là Thành phố Huế vẫn có 9 đơn vị hành chính (cấp huyện) trực thuộc. Thành phố Huế cũ sẽ được tách thành 2 quận là Phú Xuân và Thuận Hoá. Huyện Phong Điền trở thành Thị xã Phong Điền. Huyện Nam Đông sẽ được sáp nhập vào huyện Phú Lộc.

Quyết định 1745/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của địa phương, thể hiện vị trí quan trọng của tỉnh trong xu thế hội nhập quốc tế, đồng thời cũng phù hợp với chủ trương của Đảng và Chính phủ. Việc này cũng tạo cơ hội cho tỉnh phát triển đô thị theo hướng bền vững, dựa trên thế mạnh về văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, môi trường và công nghệ thông tin.

Mục tiêu tổng quát: đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương; đến năm 2030 là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần người dân đạt mức cao.

Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 9 - 10%/năm, trong đó: Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,5 - 4%/năm; công nghiệp xây dựng 10 -11%/năm; dịch vụ 11,5 - 12,5%/năm.

Tầm nhìn đến năm 2050, Thừa Thiên Huế - thành phố trực thuộc trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, xanh, bản sắc Huế, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững; là đô thị lớn thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế ở mức cao của cả nước; thành phố Festival, trung tâm văn hóa-du lịch, giáo dục, khoa học công nghệ và y tế chuyên sâu của cả nước và châu Á; là điểm đến an toàn, thân thiện, hạnh phúc.


(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Thành phố nào sắp tách thành 2 quận?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO