Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2023 ước đạt 544,8 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2% so với tháng trước và tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 15,8% (cùng kỳ năm 2022 giảm 4%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2023 tăng 34,2% so với tháng 1/2019 - năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Trong đó:
- Doanh thu bán lẻ hàng hóa: Ước đạt 435,4 nghìn tỷ đồng, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Hàng may mặc tăng 27%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 23,8%; lương thực, thực phẩm tăng 17,9%; phương tiện đi lại tăng 14,8%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 7,2%.
Xét từng địa phương so với cùng kỳ, doanh thu bán lẻ hàng hóa tại Đà Nẵng tháng 1/2023 tăng 24,7%; Hà Nội tăng 16,6%; Hải Phòng tăng 13,9%; Quảng Ninh tăng 11,4%; Khánh Hòa tăng 9,3%; TPHCM tăng 7,8%.
- Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống: Ước đạt 56 nghìn tỷ đồng, tăng 37,3% so với cùng kỳ năm trước, một số địa phương có tốc độ tăng cao là Đà Nẵng tăng 83,6%; Kiên Giang tăng 47,4%; TPHCM tăng 43,4%; Hà Nội tăng 32,4%; Quảng Ninh tăng 29,8%; Thừa Thiên - Huế tăng 27,4%.
- Doanh thu du lịch lữ hành: Ước đạt 2,2 nghìn tỷ đồng, tăng 113,4% so với cùng kỳ năm trước, một số địa phương tăng mạnh: Hải Phòng tăng 541,5%; Đà Nẵng tăng 387,1%; Tiền Giang tăng 380,2%; Lào Cai tăng 196,3%; Hà Nội tăng 113,8%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 98,7%.
- Doanh thu dịch vụ khác: Ước đạt 51,2 nghìn tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước, một số địa phương có tốc độ tăng cao: Đà Nẵng tăng 65,3%; Đồng Nai tăng 32,9%; Khánh Hòa tăng 31,4%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 20,9%; Hà Nội tăng 12,6%; Cần Thơ tăng 10,1%; Hải Phòng tăng 6,5%; TPHCM giảm 9,8%.
Mặc dù tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2023 tăng mạnh, theo Tổng cục Thống kê, con số năm nay chỉ đạt 88,1% quy mô của chỉ tiêu này nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 năm trước đó đạt 454,2 nghìn tỷ đồng, chỉ đạt 82,5% quy mô của chỉ tiêu này nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay, cũng theo Tổng cục Thống kê.