Dữ liệu VBMA tổng hợp từ HNX và SSC cho biết, tính đến ngày 2/6, các DN đã thực hiện mua lại 25.598 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong tháng 5, chưa có TPDN nào được mua lại trong tháng 6. Trong đó, nhóm ngân hàng chiếm đa số với 17.067 tỷ đồng, tương đương 66%. Tổng giá trị TPDN đã được các DN mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 76.523 tỷ đồng (tăng 70,6% so với cùng kỳ năm 2022).
Theo VBMA, tổng giá trị TPDN đến hạn trong phần còn lại của năm 2023 là 195.090 tỷ đồng. Trong đó, nhóm đất động sản dẫn đầu về giá trị đến hạn với 101.179 tỷ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng với 31.661 tỷ đồng.
Trong kỳ báo cáo, có 6 DN công bố chậm thanh toán gốc, lãi TPDN trị giá 12.461 tỷ đồng và 4 DN công bố phương án tái cơ cấu TPDN.
Cũng theo số liệu từ VBMA, tính đến ngày công bố thông tin 2/6/2023, có 4 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận trong tháng 5/2023 với tổng giá trị 2.600 tỷ đồng.
Cả 4 đợt phát hành này đều của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo, trái phiếu có kỳ hạn 5 năm, lãi suất phát hành 9%/năm.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái được ghi nhận là 34.258 tỷ đồng, với 7 đợt phát hành công chúng trị giá 5.521 tỷ đồng, chiếm 16% tổng giá trị phát hành và 19 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 28.737 tỷ đồng, chiếm 84% tổng số.
Trước đó, cũng theo VBMA, trong tháng 4/2023, có một đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và một đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị phát hành 2.671 tỷ đồng, chỉ bằng 10% tổng khối lượng phát hành của tháng 3.
Nhận định về thị trường TPDN, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho biết, ông chưa kỳ vọng sự khởi sắc này. Ngay cả nghị định 08 thay thế cho Nghị định 65 về thị trường trái phiếu cũng không cho thấy sự khởi sắc này, bởi các quy định chỉ có lợi cho nhà phát hành chứ không bảo vệ cho các trái chủ. Quan trọng nhất là niềm tin, nhưng chưa tạo được niềm tin cho người dân sẽ không có nhà đầu tư tham gia vào thị trường TPDN.