Các startup xe điện từng hy vọng sẽ hạ bệ được Tesla dường như đã quên đi quy tắc đầu tiên trong kinh doanh: Phải bán sản phẩm ở mức giá cao hơn giá thành.
Những kẻ mới vào nghề “đói vốn” như Rivian Automotive hay Lucid Group vẫn đang thua lỗ rất nhiều trên mỗi chiếc xe họ bán ra trong bối cảnh tăng tốc sản xuất chậm chạp. Điều này khiến những công ty như vậy đứng trước rủi ro một ngày phải tìm tới các cổ đông để “xin” thêm tiền. Tờ Bloomberg cho rằng, những công ty như vậy nên tham khảo cách tiếp cận giống như Fisker, thuê ngoài sản xuất để giảm rủi ro và chiến lược này cũng sẽ làm hài lòng nhà đầu tư.
Có thể dễ dàng nhận ra tại sao Rivian và Lucid lại đi theo chiến lược khác Fisker. Cả 2 công ty này đều đang cố bắt chước kế hoạch “tích hợp theo chiều dọc” – tức là tự sản xuất xe và phát triển công nghệ cốt lõi của Tesla. Điều này đã khiến họ thu hút được một lượng lớn những nhà đầu tư tư nhân – ít nhất là trong giai đoạn đầu và những phương tiện của họ cũng có những đánh giá tốt. Tuy nhiên, mức thua lỗ cứ phình to vào năm ngoái do chi phí làm xe quá cao và họ không thể tăng giá đủ để bù đắp.
Trên thực tế, từ 1 năm trước, ông chủ Tesla là Elon Musk đã cảnh báo rằng Rivian sẽ chứng kiến biên lợi nhuận gộp âm ở mức “sốc”.
Những tuyên bố của Musk không phải lúc nào cũng đúng nhưng trong trường hợp này, có vẻ như ông ấy đã chính xác hoàn toàn. Chi phí sản xuất của Rivian cao gấp 3 lần so với doanh thu vào năm 2022 gây ra lỗ ròng 3,1 tỷ USD. Trong khi đó, lỗ ròng hàng năm của Lucid là 1 tỷ USD. Sau khi hạch toán chi phí nghiên cứu, bán hàng và hành chính, 2 công ty này đã báo cáo khoản lỗ hoạt động lần lượt là 6,9 tỷ USD và 2,6 tỷ USD.
Công bằng mà nói, 2022 là một năm quá khó khăn để có thể đưa 1 nhà máy xe hơi mới hoạt động hiệu quả. Việc thiếu linh kiện và gián đoạn chuỗi cung ứng khiến các dây chuyền sản xuất bị ngưng trệ.
Các nhà máy được xây dựng để sản xuất hàng chục nghìn xe mỗi năm hoàn toàn không hiệu quả khi chỉ một phần nhỏ của con số đó được đưa ra khỏi dây chuyền sản xuất thành công. Về mặt tiêu dùng tiền mặt, việc tạo ra một chút doanh thu còn tồi tệ hơn so với việc không bán được bất cứ thứ gì. Khối lượng bán hàng thấp cũng hạn chế khả năng của các nhà sản xuất trong việc đạt được các thoả thuận tốt với các nhà cung cấp.
Gần đây hơn, việc tăng lãi suất và sụt giảm nhu cầu của khách hàng đã khiến một số công ty xe điện càng khó khăn hơn trong việc bù đắp cho những phần không hiệu quả này bằng việc tăng giá. Tận dụng tình huống này, Tesla đã giảm giá một số dòng xe của mình.
Điều đáng nói là, độ lớn và bản chất chứng kiến biên lợi nhuận gộp âm kéo dài của nhiều công ty vượt xa bất cứ điều gì Tesla đã trải qua trong những ngày đầu. Hồi năm 2012, biên lợi nhuận gộp của Tesla trong một thời gian ngắn ở mức thấp tồi tệ là -17,5% khi ra mắt mẫu sedan mới nhưng nhanh chóng phục hồi sau đó. Biên lợi nhuận gộp của Tesla hiện là khoảng 25%.
Biên lợi nhuận gộp của Rivian và Lucid ít nhất là đang có xu hướng đi đúng hướng nhưng tình hình có vẻ không thể được cải thiện trong tương lai gần.
Rivian nói với các nhà đầu tư vào thứ 3 rằng họ không kỳ vọng đạt được biên lợi nhuận gộp dương cho tới năm 2024. Trong khi đó, Lucid từ chối đưa ra khung thời gian để đạt được biên lợi nhuận gộp dương. Tuy nhiên, dự đoán sản lượng năm 2023 của họ là 14.000 xe, thấp hơn một chút so với mức để có thể đạt biên lợi nhuận gộp dương.
Rivian và Lucid vẫn tự hào về khối tiền mặt hàng tỷ USD của họ. Chính vì vậy, những nhà sản xuất xe điện gặp khó khăn về tiền mặt khác đã bắt đầu những hành động quyết liệt hơn. Nikola đã cảnh báo vào tuần trước rằng họ có thể hết tiền trong vòng 12 tháng tới. “Càng nhiều xe tải điện được bán ra, chúng tôi càng lỗ nhiều hơn trong ngắn hạn” là kết luận của công ty vào tháng 11. Nikola dự báo biên lợi nhuận gộp âm từ 75% - 95% trong năm 2023 – có sự cải thiện hơn so với năm 2022 nhưng vẫn ở mức tồi tệ.
Tương tự như vậy, Foxconn Technology cũng đang có cách tiếp cận chậm chạp tại nhà máy ở Ohio của họ. Hiện Foxconn đang là đơn vị lắp ráp cho công ty xe điện Lordstown Motors. Tuần trước, họ đã tuyên bố hoạt động sản xuất hoàn toàn bị đình trệ và thu hồi sản phẩm do lỗi chất lượng linh kiện. Thật may mắn, Lordstown mới chỉ giao được... 19 chiếc xe vì vậy việc thu hồi xe cũng không quá phức tạp.
Một ngoại lệ cho tới thời điểm này có lẽ là Fisker. Bằng việc thuê ngoài sản xuất, startup này cho biết họ có thể sản xuất hơn 40.000 xe trong năm 2023 – cũng là năm đầu sản xuất và đạt biên lợi nhuận gộp tới 12%. Sự tự tin mà Fisker có được đã giúp cổ phiếu của hãng tăng 30%.
Với chưa đầy 750 triệu tiền mặt trong tay tính tới cuối tháng 12, Fisker buộc phải theo đuổi cách tiếp cận “không nhiều tài sản” và bản thân họ cũng mới chỉ sản xuất được 56 chiếc xe cho tới giờ và vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận bán. Fisker hiểu rõ câu thành ngữ “chưa biết bò đã lo học chạy”.
Hiện tại đã quá muộn cho Lucid và Rivian để quay đầu, từ bỏ chiến lược “đốt tiền”. Rivian đang xây dựng nhà máy thứ 2 tại Georgia trong khi Lucid cũng đang bổ sung thêm 1 nhà máy ở Ả rập Saudi.
Dĩ nhiên, những khoản đầu tư lớn của họ vào công nghệ và phần mềm có thể vẫn hữu ích khi mở rộng quy mô – điều từng xảy ra với Tesla – nhưng vấn đề là họ phải tiếp tục đốt tiền cho tới khi đó. Kết quả là giá cổ phiếu càng giảm mạnh hơn so với mức mà nhà đầu tư từng trả.
Nguồn: Bloomberg