Thảm cảnh lao động công nghệ nước ngoài tại Mỹ: Bị đuổi việc phải về nước nhưng bị coi thường, kỳ thị, chẳng mấy ai muốn thuê

Băng Băng | 15:14 09/10/2024

Mất công ăn học, tốn chi phí sang nước ngoài nhưng những tài năng này lại phải về nước cạnh tranh việc làm với người bản địa, thậm chí còn chẳng được tuyển dụng, bị chất vấn về năng lực bản thân.

Thảm cảnh lao động công nghệ nước ngoài tại Mỹ: Bị đuổi việc phải về nước nhưng bị coi thường, kỳ thị, chẳng mấy ai muốn thuê

Trong khoảng tháng 11/2022-1/2023, hơn 200.000 nhân viên công nghệ đã bị sa thải tại Mỹ, riêng người Ấn Độ chiếm 30-40%.

Khoảng 80.0000 chuyên gia công nghệ thông tin Ấn Độ có có thị thực H-1B và L-1 đã phải đối mặt với tình trạng mất việc làm tại Mỹ kể từ cuối năm 2022.

"Tình hình yếu kém của các công ty khởi nghiệp đã tác động mạnh đến thị trường lao động", giám đốc Krishna Vij của hãng nhân sự Teamlease Digital thừa nhận.

Hậu quả là nhiều lao động công nghệ Ấn Độ đã phải ngậm ngùi về nước tìm việc, nhưng đối mặt với họ là một thị trường khó khăn chẳng kém. Thậm chí chính các nhân viên "xuất ngoại" này còn bị coi thường hơn đồng nghiệp bản xứ.

Kể từ năm 2022, ngành công nghệ Ấn Độ đã sa thải hơn 30.000 lao động. Hàng loạt những cái tên khởi nghiệp nổi tiếng như Paytm, Byju's, Unacademy, Meesho và Sharechat đã cắt giảm việc làm trong năm ngoái cũng như đóng băng tuyển dụng.

Vật lộn để thích nghi

Anh Deepak đã làm việc tại Amazon chi nhánh Ấn Độ trong 6 năm trước khi được chuyển đến trụ sở chính của tập đoàn tại Seattle cùng vợ với thị thực L-1 vào năm 2022.

Những tưởng đây là cuộc sống trong mơ với mức lương 160.000 USD và cổ phiếu thưởng thì chỉ 7 tháng sau đó, Deepak đã nằm trong số 18.000 nhân viên bị Amazon sa thải.

Sau khi hết hạn thị thực, anh Deepak phải ngậm ngùi về nước xin việc nhưng trong suốt 2 tháng, chẳng mấy nhà tuyển dụng muốn nói chuyện với người đàn ông này.

Mức lương tại Mỹ của Deepak quá cao và không hợp lý tại Ấn Độ, thế nhưng kể cả khi anh đồng ý giảm lương thì cũng chẳng có mấy cơ hội cho cựu nhân viên Amazon.

Tháng 3/2023, Deepak nhận được một công việc mà mức lương chỉ bằng ¼ số tiền kiếm được tại Mỹ, thậm chí còn thấp hơn cả so với các đồng nghiệp đang làm trong nước.

"Tôi hiện kiếm được chưa đến 3 triệu Rupee, tương đương 36.000 USD mỗi năm trong khi đồng nghiệp kiếm được đến 3,5-4 triệu Rupee", anh Deepak than thở.

Không riêng gì anh Deepak, tờ Rest of World (RoT) cho hay hàng loạt lao động công nghệ từ các tập đoàn lớn như Amazon, Microsoft, Google và Meta ở Mỹ đã phải trở về quê nhà kiếm việc làm sau các đợt sa thải hàng loạt.

Phần lớn những lao động này đang phải vật lộn để thích nghi với thị trường việc làm ảm đạm ở chính quê nhà.

Anh Veer, một lao động công nghệ đã sống 10 năm ở Mỹ đã phải đưa vợ con về New Delhi mùa hè năm 2023 vì bị sa thải, ngậm ngùi thừa nhận giờ đây có hàng trăm đơn xin việc cho từng vị trí.

Bởi vậy dù có lịch sử làm việc ở nước ngoài nhưng anh Veer chẳng được coi trọng. Lý do là bởi các nhà tuyển dụng hoài nghi mức độ trung thành của những người như anh Veer.

"Các nhà tuyển dụng cảm thấy khó tin tưởng nhóm lao động này vì họ luôn có xu hướng trở lại Mỹ với mức lương và chất lượng sống cao hơn. Do đó mọi người đều ngại tuyển dụng những lao động này", đồng sáng lập Kamal Karanth của hãng tuyển dụng nhân sự Xpheno cho hay.

Đồng quan điểm, giám đốc Vij của Teamlease Digital cho biết dù các lao động công nghệ từ nước ngoài về rất tài năng nhưng thị trường đang có nhu cầu yếu. Nhiều vị trí có yêu cầu thấp hơn so với tài năng của họ và không đủ chi phí chi trả.

Hậu quả là rất nhiều tài năng công nghệ từ Mỹ về Ấn Độ bị thất nghiệp hoặc phải chấp nhận làm một công việc lương thấp hơn so với đồng nghiệp bản địa.

Kỳ thị xã hội

Một vấn đề nữa cực kỳ nghiêm trọng với các lao động từng xuất ngoại là câu chuyện kỳ thị của xã hội.

Những tài năng này mất công ăn học, tốn nhiều chi phí để được sang nước ngoài nhưng cuối cùng lại phải về nước cạnh tranh việc làm với người bản địa. Không những vậy, nhiều người còn chẳng được tuyển dụng, phải thất nghiệp ngồi nhà với những ánh mắt coi thường của người thân.

Một nữ nhân viên công nghệ từng làm việc ở Seattle-Mỹ trở về Mumbai-Ấn Độ tháng 5/2023 đã chia sẻ rằng cô phải mất hơn 7 tháng mới kiếm được việc làm.

Theo nữ nhân viên này, thị trường việc làm Ấn Độ không ưu tiên những người có kinh nghiệm tại Mỹ như cô bởi cơ sở khách hàng và kinh nghiệm xử lý của 2 nước là khác nhau.

Quá xấu hổ, vị nữ nhân viên xin được giấu tên với RoT vì không muốn gia đình, bạn bè biết đến tình trạng khó khăn này.

Tương tự, anh Pratik tốt nghiệp bằng MBA tại một trường đại học Mỹ năm 2021 rồi gia nhập công ty công nghệ địa phương. Thế nhưng hoàn cảnh ảm đạm của giới khởi nghiệp khiến ngày càng nhiều bạn bè của Pratik bị sa thải.

Tình hình tồi tệ đến mức Pratik phải luôn kiểm tra hàng ngày trong cộng đồng người Ấn Độ của khu phố mình về những ai đã mất việc. Cuối cùng, điều lo sợ đã xảy ra, anh Pratik cũng bị sa thải và phải trở về Maharashtra, Ấn Độ vào tháng 10/2023.

Theo anh Pratik, điều đáng sợ nhất khi trở về Ấn Độ là bị mọi người chất vấn năng lực của bản thân và bị xã hội kỳ thị. Những ánh mắt của gia đình, bạn bè và người thân khiến những người như anh Pratik cực kỳ khổ sở khi không xin được việc làm ở Ấn Độ hoặc chỉ nhận được một công việc lương thấp.

Rõ ràng, thời hoàng kim của lao động công nghệ và giới khởi nghiệp đã qua, khi những tài năng "con cưng" từ nước ngoài về không còn được coi trọng như trước.

*Nguồn: RoT

Bài liên quan

(0) Bình luận
Thảm cảnh lao động công nghệ nước ngoài tại Mỹ: Bị đuổi việc phải về nước nhưng bị coi thường, kỳ thị, chẳng mấy ai muốn thuê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO