Vào những năm thập niên 90, hàng hóa thời trang không đủ cung cấp cho thị trường nội địa cùng với hàng ngoại nhập không ngừng chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Trong bối cảnh ấy, năm 1993, Công ty TNHH Thái Tuấn đã ra đời. Chỉ 3 năm sau, nhà máy dệt đầu tiên được xây dựng tại Q12, TP Hồ Chí Minh.
Năm 1993 - 1996: Thái Tuấn cung cấp cho thị trường Việt Nam với những sản phẩm đơn sắc, trơn màu và không có nhiều họa tiết nổi bật cho tà áo dài Việt Nam.
Năm 1996 - 1997: Thái Tuấn ra đời gấm thị sắc và gấm thun co giãn, điều đó tạo nên xu hướng mới trong làng gấm, trào lưu Comple Jacquard được ứng dụng rộng rãi trong thời trang công sở cũng bắt nguồn từ đây.
Tiếp nối sự thành công của Gấm thị sắc và gấm thun co giãn, Thái Tuấn cho ra đời họa tiết Thổ Cẩm, tạo một làn sóng mới cho tà áo dài Việt Nam. Lúc ấy, những người yêu áo dài chuyển sang xu hướng thổ cẩm cho được ứng dụng cho đến tận bây giờ.
Một điểm đặc biệt ở doanh nghiệp này là đã chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu từ rất sớm thông qua nhiều hoạt động. Năm 1998, lần đầu tham gia Hội chợ hàng tiêu dùng tại Cần Thơ, Thái Tuấn mạnh dạn in logo của công ty lên biên vải để khẳng định chất lượng, một sự cam kết của nhà sản xuất đối với người tiêu dùng.
Đây là sự kiện đánh dấu lần đầu tiên một doanh nghiệp trong nước mạnh dạn in thương hiệu Việt lên biên vải, góp phần thúc đẩy phong trào “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.
Thập niên 1990s và 2000s, Thái Tuấn đã liên tiếp thay đổi, cho ra đời những sản phẩm mới áp dụng kỹ thuật hiện đại cũng như xuất hiện thường xuyên trong các hình thức quảng cáo, phủ sóng hình ảnh tới người tiêu dùng.
Năm 2010 - 2012: Đánh dấu bước ngoặc của Thái Tuấn trong việc ra đời dòng sản phẩm với vải in công nghệ in phẳng. Đầu tư thêm công nghệ in Digital 3D góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời ứng dụng các xu hướng thời trang của thế giới vào sáng tạo những sản phẩm mang lối sống tích cực và phù hợp với vẻ đẹp truyền thống của dân tộc.
Năm 2012, lần đầu tiên Thái Tuấn hợp tác với chương trình Thúy Nga - Paris By Night, một trong những chương trình Ca nhạc giải trí hàng đầu tại Hải ngoại, thu hút sự quan tâm của truyền thông và cộng đồng người Việt trên khắp thế giới về sự ra đời của dòng sản phẩm lụa cao cấp.
Từng được định giá tới hơn 1.900 tỷ đồng, chật vật trả gốc lãi trái phiếu đến hạn
Ngày nay, không chỉ duy trì mảng sản xuất dệt vải với áo dài vốn là thế mạnh, Thái Tuấn còn tham gia vào lĩnh vực sản xuất trang phục thời trang với 2 nhà máy tại Long An.
Với nhiều dự án đã và đang được đầu tư mới, năm 2022, Thái Tuấn kỳ vọng sẽ từng bước thay đổi để gia nhập vào chuỗi cung ứng thời trang toàn cầu với diện mạo hoàn toàn khác biệt.
Tuy nhiên, thời gian qua công ty lại đang được nhắc tới nhiều với việc chậm thanh toán lô trái phiếu đến hạn phát hành từ năm 2021.
Từ ngày 20/5 đến ngày 22/7/2021, CTCP Tập đoàn Thái Tuấn (Thái Tuấn Fashion) đã phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 18 tháng. Mục đích phát hành là tăng vốn và thực hiện đầu tư vào các chương trình dự án của công ty.
Đáng nói, tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu này có 16,05 triệu cổ phần Thái Tuấn Fashion với tổng giá trị cổ phần là 809,7 tỷ đồng (tương đương mỗi cổ phần có giá 50.450 đồng). Đơn vị định giá là CTCP Giám định và Thẩm định tài sản Việt Nam.
Tại thời điểm đó, Thái Tuấn Fashion có vốn điều lệ 380 tỷ đồng, như vậy, với mức giá 50.450 đồng/CP, công ty này được định giá lên tới 1.917 tỷ đồng.
Trước đó vào tháng 4/2021, Thái Tuấn Fashion cũng đã phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 18 tháng, lãi suất 11%/năm. Như vậy, chỉ trong năm 2021, Thái Tuấn Fashion đã phát hành tổng cộng 800 tỷ đồng trái phiếu và 2 lô trái phiếu này lần lượt đến hạn thanh toán vào tháng 10, tháng 11 năm 2022.
Tuy nhiên, do chưa thu xếp được nguồn nên 2 lô trái phiếu này đều bị chậm thanh toán.
Trong diễn biến mới nhất, Tập đoàn đã công bố kết quả lấy ý kiến trái chủ bằng văn bản về việc điều chỉnh kéo dài thời gian thanh toán gốc, lãi trái phiếu TTDCH2122002.
Cụ thể, theo biên bản họp hội nghị chủ sở hữu trái phiếu, các trái chủ đồng thuận gia hạn gói trái phiếu đến ngày 20/11/2024 (trước đó là 20/11/2022), lãi suất áp dụng 16,5%/năm từ ngày 20/11/2022-20/11/2024 và tài sản đảm bảo bổ sung là 7 căn biệt thự dự án Cross Long Hải.
Về tình hình tài chính, tính đến hết năm 2022 vốn chủ sở hữu của Thái Tuấn đạt 1.726 tỷ đồng, tổng nợ phải trả hơn 2.500 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tương ứng 1,45 lần.
Trong đó, nợ trái phiếu 800 tỷ đồng, bằng hơn 46% vốn chủ sở hữu. Năm 2022, Thái Tuấn ghi nhận lợi nhuận sau thuế 9,5 tỷ đồng.
Mới đây, cũng theo thông tin công bố trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong 6 tháng đầu năm 2023, CTCP Tập đoàn Thái Tuấn mang về 449 triệu đồng lãi sau thuế. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) mỏng, ở mức 0,02%.
Vốn chủ sở hữu của Công ty tính đến ngày 30/06/2023 đạt hơn 2.000 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu 131%