Lo cổ phiếu bị pha loãng
Tại đại hội đồng cổ đông của Techcombank, một số cổ đông đã đặt câu hỏi về việc nhiều năm rồi Techcombank không chia cổ tức.
Ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch HĐQT Techcombank cho biết, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu thời điểm này là không cần thiết. Trước đó, năm 2018 Techcombank đã chia tới 80%.
"Giá trị doanh nghiệp vẫn vậy, chia cổ tức bằng cổ phiếu thì sẽ bị pha loãng. Nhiều người nghĩ chia xong thì giá cổ phiếu tăng nhưng không phải vậy, giá cổ phiếu lúc đó đã giảm 3 lần. Thậm chí, cổ đông còn phải trả 5% thu nhập cá nhân khi nhận được cổ tức bằng cổ phiếu. Tôi cho rằng như vậy không có lợi cho ngân hàng và cổ đông" ông Hồ Hùng Anh nói.
Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu có thể làm giá cổ phiếu hạ sau khi chia do bản chất doanh nghiệp vẫn như vậy, không thay đổi
Cũng theo lời ông Hồ Hùng Anh: “Hiện chỉ số ROE (tỉ suất lợi tức trên vốn chủ sở hữu) ở mức 20%. Tôi cũng là một cổ đông như các anh chị, lợi nhuận hơn 20%, đó là lợi nhuận rất tốt. Tôi không biết anh chị đầu tư gì có lợi nhuận hơn 20% không thì tôi không rõ”.
Chủ tịch HĐQT Techcombank còn cho rằng, cổ phiếu không lên được nhưng giá cổ phiếu có sức bền tốt, cả thị trường hiểu đó là giá trị thật.
Năm 2022, lợi nhuận trước thuế của Techcombank ước tính đạt 27.900 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2021. Trong khi đó năm 2021 Techcombank tăng trưởng tới hơn 47% lên 23.238 tỷ đồng. Nguyên nhân là do thị trường trái phiếu doanh nghiệp hạ nhiệt và biên lợi nhuận (NIM) giảm 19 điểm cơ bản.
Ngoài ra Techcombank còn là ngân hàng có tỷ lệ cho vay bất động sản lớn, nên chịu tác động khi tăng trưởng thị trường bất động sản chậm hơn và tỷ lệ nợ xấu mới hình thành cao hơn ước tính, cùng với đó là chi phí hoạt động (CIR) có thể tăng 31% so ngân hàng tiếp tục đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và số hóa.
Báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI
Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 27.000 tỷ đồng, tăng 16,2% so với 2021 và duy trì nợ xấu dưới 1,5%. Tín dụng dự kiến tăng 15,0% lên 446.600 tỷ đồng hoặc cao hơn, trong mức quy định của Ngân hàng Nhà nước. Techcombank đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ lên 35.200 tỷ đồng, tăng 0,18%, với kế hoạch phát hành 6,3 triệu cổ phiếu cho cán bộ nhân viên (ESOP).
Như vậy, với việc không nhận được cổ tức trong nhiều năm và giá cổ phiếu “ổn định” thì cổ đông của Techcombank chịu thiệt thòi. Trong khi đó, nhân viên của Tecombank liên tục “hưởng lợi” khi những năm qua liên tục nhận đươc cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên.
Hiện Techcombank có tổng số 11.600 nhân sự nhưng trong đợt phát hành mới nhất chỉ có 237 nhân sự của nhà băng này được mua cổ phiếu ESOP. Trong đó, riêng 9 vị trí cấp cao mua hơn 1,2 triệu cổ phiếu, tương đương gần 20% lượng ESOP chào bán.
Năm 2022, với kế hoạch phát hành 6,3 triệu cổ phiếu cho cán bộ nhân viên (ESOP) với gái 10.000 đồng/cổ phiếu nhân viên của Techcombank lại thêm một lần “hưởng lợi” còn các cổ đông tiếp tục “ngậm ngùi”.
Phát hành thêm cổ phiếu có làm giảm giá cổ phiếu hiện hữu
Đi ngược lại quan điểm của Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh, mùa đại hội cổ đông năm 2022 ghi nhân hàng loạt ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Theo khảo sát của MarketTimes, HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã trình cổ đông kế hoạch tăng vốn qua phát hành cổ phiếu trong kỳ đại hội sắp tới. Theo đó ACB sẽ chia cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 25% bằng cổ phiếu. Khi hoàn thành thực hiện, vốn điều lệ sẽ nâng lên hơn 33.700 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cũng trình đại hội đồng cổ đông qua việc chia cổ tức với tỷ lệ 30% cho năm 2021.
Ngân hàng Quốc tế VIB dự kiến trả cổ tức, thưởng cổ phiếu tỷ lệ 35%, đồng thời, phát hành 0,7% vốn cho cán bộ - công nhân viên từ nguồn vốn chủ sở hữu. Qua đó, nhà băng này sẽ nâng vốn điều lệ lên 21.000 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Hà Nội – Sài Gòn (SHB) chi trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu với tỷ lệ tối thiểu 15%.
Các nhà băng thuộc khối Nhà nước cũng lựa chọn phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu. Như Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ngày từ đầu năm 2022 đã hoàn thành phát hành hơn 1,02 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 với tỷ lệ 27,6%. Sau phát hành, vốn điều lệ nâng lên hơn 47.300 tỷ đồng.
Còn Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) cũng vừa hoàn thành trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25,7%, nâng vốn điều lệ lên 50.585 tỷ đồng.
Nhìn vào số lượng các nhà băng (chưa nói đến các công ty chứng khoán, bất động sản) trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ cho thấy không phải cứ phát hành thêm cổ phiếu, pha loãng cổ phiếu là đem đến rủi ro.
Nếu rủi ro lớn các nhà băng đã không lựa chọn phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Lật lại thị trường chứng khoán cho thấy có câu chuyện phát hành thêm cổ phiếu đã mang đến “lợi nhuận” tốt cho cổ đông. Năm 2017 Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG) công bố phát hành thêm cổ phiếu với mức giá 20.000 đồng/cổ phiếu, tại thời điểm đó giá cổ phiếu HPG đang là 30.000 đồng/cổ phiếu.
Điều này đã làm các cổ đông lo lắng nhưng sau đó cổ phiếu HPG đã vọt tăng sau đó một thời gian. Đến giữa năm 2021 giá cổ phiếu HPG lên tới mức 68.000 đồng/cổ phiếu. Nguyên nhân được cho là Hòa Phát phát hành cổ phiếu thêm với mục đích kinh doanh rõ ràng, mục tiêu cụ thể và HĐQT của doanh nghiệp này nhìn thấy được khả năng sinh lời từ những đồng vốn huy động thêm qua phát hành cổ phiếu.
Việc phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu có nghĩa là nhà đầu tư của doanh nghiệp phát hành được mua thêm cổ phiếu với giá thấp. Điều này khác với việc phát hành rộng rãi ra thị trường.