Thị trường bia Việt Nam có giá trị ước tính lên đến 9,2 tỷ USD dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ 11%/năm trong 3 năm tới nhờ sự hồi phục của du lịch và kinh tế sau Covid. Việt Nam hiện cũng là nước tiêu thụ bia thứ 3 châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản.
Đối với một quốc gia với tỷ lệ tiêu thụ bia trên đầu người hàng đầu khu vực, cạnh tranh trong ngành cũng rất gay gắt. Tại thị trường Việt Nam, miếng bánh thị phần đang nằm trong tay các doanh nghiệp dẫn dầu như Heneiken, Sabeco, Habeco và tại mỗi khu vực địa phương lại thường có một hãng bia riêng.
ABInbev là hãng bia nổi tiếng của Bỉ. Doanh nghiệp này sở hữu rất nhiều thương hiệu bia đình đám đã phần nào được thị trường Việt Nam biết đến là Budweiser. ABInbev chính thức có mặt tại Việt Nam từ năm 2015, tuy nhiên các sản phẩm bia của hãng này chưa thực sự nổi bật sau nhiều năm xuất hiện chỉ chiếm được khoảng 1% thị phần.
Nguyên nhân do kênh phân phối của ABInbev ở Việt Nam giữ chủ đạo trước kia là kênh Offtrade (Siêu thị, cửa hàng tiện lợi) người tiêu dùng sẽ mua về và sử dụng tại nhà, trong khi văn hoá của người dân Việt Nam lại là On-trade (Kênh nhà hàng, quán nhậu, quán bar) sử dụng trực tiếp trên bàn nhậu
Ngoài ra, thế hệ trước của người Việt thường chuộng sử dụng những sản phẩm nội của Habeco, Sabeco hay các thương hiệu địa phương do thương hiệu nội đã quen thuộc từ lâu và ưu tiên sử dụng các sản phẩm giá rẻ do thường tiêu thụ số lượng lớn.
Tuy nhiên, ABInbev sẽ có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai do kinh tế giảm tốc cũng tạm thời làm cho kênh tiêu thụ chính của sản phẩm bia là kênh HORECA (Khách sạn – Nhà hàng – Dịch vụ ăn uống) sụt giảm do người dân hạn chế chi tiêu các dịch vụ lưu trú, ăn uống bên ngoài và có xu hướng chuyển sang tiêu dùng các sản phẩm giá rẻ hơn, tuy nhiên tín hiệu tốt là doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đã có dấu hiệu tạo đáy và đang hồi phục trở lại.
Bên cạnh đó, thế hệ Gen Y và Gen Z hiện tại do thu nhập đã tốt hơn và lượng tiêu thụ cũng ít hơn do quan tâm đến sức khoẻ và cả ảnh hưởng từ Nghị định 100, thói quen chuyển đổi dần sang sử dụng các sản phẩm có thương hiệu trung cao cấp và có danh tiếng thay thế các sản phẩm bia bình dân, tự phát không đảm bảo chất lượng. Do đó các sản phẩm bia có thương hiệu bao gồm cả ABInbev (Budweiser, Corona, Beck) sẽ có nhiều cơ hội khi mà thói quen và tệp khách hàng tiêu dùng chính dần thay đổi.
Cuối cùng là, dù là hãng bia ngoại hàng đầu thế giới nhưng giá bán các sản phẩm của ABInbev hoàn toàn cạnh tranh với các sản phẩm trong nước đang có trên thị trường và phủ hầu hết các phân khúc, có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với các hãng bia trên thị trường.
Tại Việt Nam, Công ty Cổ phần (CTCP) Thế Giới Số (Digiworld) hợp tác với ABInbev để phân phối các sản phẩm bia Budweiser, Corona, Beck. ABInbev là hãng bia lớn nhất thế giới về doanh thu năm 2022, thương hiệu Budweiser cũng là thương hiệu bia bán chạy số 1 thế giới.
Với kinh nghiệm và nguồn lực của mình, ABInbev cũng đang cùng DGW tích cực thực hiện nhiều chiến dịch marketing nhằm xâm nhập và mở rộng thị trường. Dự báo khi nền kinh tế phục hồi, sức mua tăng trưởng trở lại, các sản phẩm của ABInbev với chất lượng đã được khẳng định sẽ có sự tăng tốc mạnh mẽ, chiếm lấy thị phần của các thương hiệu yếu hơn.
DGW dù mới bước chân vào thị trường nhưng cũng đã có 16.000 đại lý, hệ thống bán hàng bao gồm tất cả các kênh như Shopee, Tiki, Lazada, Sendo; các điểm bán tại các kênh truyền thống (tạp hoá nhỏ lẻ) và hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi).
Theo đánh giá của KBSV, do mới gia nhập ngành nên cần thêm thời gian để nghiên cứu, phân tích thị trường, đưa ra những giải pháp marketing, bán hàng hiệu quả. Một khi đã nắm rõ thị trường, với khả năng tăng độ phủ nhanh chóng nhờ hệ thống phân phối có mặt trải khắp mọi miền, hệ thống logistic hiện đại, DGW sẽ nhanh chóng đưa các sản phẩm của ABInbev đến tận tay người tiêu dùng nhanh nhất.
"Chúng tôi cho rằng với năng lực MES của DGW kết hợp với một ông lớn hàng đầu thế giới như ABInbev có kinh nghiệm, nguồn lực và danh tiếng, đây sẽ là một mảng kinh doanh tiềm năng trong tương lai đối với DGW... Chúng tôi tin rằng với danh mục các sản phẩm mạnh đã có thành công lớn ở các thị trường khác như ABInbev, khả năng thành công ở ngành hàng này sẽ cao hơn và sớm đóng góp doanh thu cho DGW", KBSV nhận định.
Công ty Cổ phần (CTCP) Thế Giới Số (Digiworld) được thành lập năm 1997, tiền thân là Công ty TNHH Hoàng Phương, chuyên phân phối các sản phẩm linh kiện điện tử. CTCP Thế Giới Số thực hiện cổ phần hóa năm 2003 và đến năm 2015, Công ty chính thức được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) với mã DGW.
Trải qua hơn 25 năm hình thành và phát triển, DGW hiện là nhà cung cấp dịch vụ phát triển thị trường (MES) và phân phối chính thức các sản phẩm của hơn 30 thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Năm 2022, DGW tăng vốn điều lệ lên hơn 1.600 tỷ đồng và hiện tại DGW là top 2 doanh nghiệp phân phối ICT lớn nhất tại Việt Nam.
Về cơ cấu cổ đông, ông Đoàn Hồng Việt là chủ tịch của CTCP Thế Giới Số từ khi thành lập và cũng là cổ đông lớn nhất của công ty. Ban lãnh đạo nắm giữ khoảng hơn 45% cổ phần doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài chiếm 22% và còn lại thuộc về các nhà đầu tư khác.