Tại Đại hội đồng cổ đông vừa diễn ra, Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC) – một trong những tên tuổi gạo cội của ngành công nghiệp cao su Việt Nam – đã chính thức hé lộ kế hoạch phát triển dòng lốp chuyên biệt cho xe điện, hợp tác trực tiếp với VinFast. Theo DRC, dự án này đã bước vào giai đoạn hoàn thiện và sẽ thương mại hóa sản phẩm vào khoảng tháng 6 năm nay.
Đây là một bước đi chiến lược của DRC nhằm đón đầu xu thế chuyển dịch xanh trong ngành ô tô toàn cầu, đồng thời thể hiện nỗ lực của các doanh nghiệp Việt trong việc làm chủ công nghệ ngành sản xuất ô tô nói chung.
Doanh nghiệp 50 năm kinh nghiệm
Thành lập từ năm 1975, DRC là một doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), hiện được xem là một trong những nhà sản xuất lốp xe hàng đầu Việt Nam. Với nhà máy chính đặt tại Khu công nghiệp Hòa Khánh (Đà Nẵng), DRC đã phát triển mạnh mẽ cả ở thị trường nội địa lẫn quốc tế. Đơn vị này cung cấp đa dạng chủng loại lốp từ xe máy, xe tải, xe bus đến xe du lịch.
Đáng chú ý, thương hiệu DriveForce do DRC phát triển đã được xuất khẩu sang nhiều quốc gia như Mỹ, Brazil, Myanmar, và nhận được các chứng chỉ quốc tế như DOT (Mỹ), E-Mark (châu Âu). Với công suất nhà máy sản xuất lốp radial lên đến 1 triệu chiếc/năm, DRC hiện không chỉ đứng vững tại thị trường nội địa mà còn có tiềm năng trở thành đối tác quan trọng trong chuỗi cung ứng xe điện khu vực Đông Nam Á.

DRC được thành lập từ cuối năm 1975.
Vào ngày 25/4/2025, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC) đã chính thức công bố kế hoạch phát triển dòng lốp xe điện dành cho VinFast. Đây là một phần trong chiến lược hợp tác giữa Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) và VinFast, với mục tiêu đưa lốp thương hiệu Việt lên các mẫu xe điện cao cấp là VF 8 và VF 9.
Sự hợp tác này không chỉ đơn thuần là cung ứng sản phẩm mà còn là bước tiến chiến lược trong việc nội địa hóa chuỗi cung ứng xe điện tại Việt Nam. DRC, với hơn 50 năm kinh nghiệm trong ngành công nghiệp cao su, sẽ đảm nhận việc nghiên cứu và phát triển lốp xe điện đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe của VinFast.
Lốp xe điện: Bài toán hóc búa
Lốp ô tô đã xuất hiện từ lâu, nhưng ít ai biết rằng lốp dành cho ô tô điện có khác biệt rất lớn so với lốp của các mẫu xe sử dụng động cơ đốt trong. Những khác biệt này đến từ những yêu cầu khắt khe hơn dành cho loại phương tiện của thế kỷ 21.
Sản xuất lốp xe điện được xem là một thách thức về mặt công nghệ, yêu cầu tái định nghĩa toàn bộ quy trình thiết kế và vật liệu.
Dưới đây là những lý do khiến sản phẩm này "hóc búa" hơn so với lốp xe thông thường:

Lốp xe điện có đặc tính khác lốp ô tô thông thường, dẫn đến đòi hỏi kỹ thuật sản xuất cao hơn.
1. Tải trọng cao hơn
Xe điện có khối pin lớn đặt dưới sàn xe, khiến trọng lượng tổng thể tăng từ 200 đến 500 kg so với xe chạy xăng cùng phân khúc. Điều này yêu cầu lốp phải có kết cấu chịu lực vượt trội, từ khung bố, hông lốp đến các lớp bảo vệ chống biến dạng.
Vật liệu bố thường dùng trong lốp EV hiện đại là aramid hoặc thép kết cấu cao cấp, có độ chịu lực lớn nhưng vẫn đảm bảo trọng lượng nhẹ. Nếu không được gia cố đúng cách, lốp có thể dễ bị biến dạng, tăng nguy cơ nổ lốp hoặc mòn không đều.
2. Độ bám đường tốt hơn
Khác với động cơ xăng cần thời gian để động cơ đạt mức công suất tối ưu, động cơ điện sản sinh mô-men xoắn cực đại ngay khi nhấn ga. Điều này đòi hỏi lốp phải có độ bám đường cực tốt, nhất là khi người lái tăng tốc đột ngột; ngoài ra, lốp cũng cần bám đường để có thể hãm lại chiếc xe có trọng lượng lớn hơn khi phanh.
Các nhà sản xuất lốp xe điện buộc phải sử dụng vật liệu có độ mềm vừa đủ để bám đường tốt, nhưng không quá mềm để tránh bị mòn nhanh. Ngoài ra, thiết kế rãnh gai (tread pattern) cũng cần được tối ưu để vừa tăng ma sát, vừa giảm hiện tượng trượt khi đi trên đường ẩm ướt.
3. Độ ồn ít hơn
Vì xe điện khi vận hành gần như không gây tiếng ồn, nên mọi tiếng ồn sẽ có thể được nghe thấy rõ hơn, trong đó có tiếng ồn do lốp gây ra khi lăn bánh. Để giải quyết bài toán này, lốp xe điện thường được tích hợp lớp bọt xốp cách âm bên trong (foam-insert), cùng với thiết kế đặc thù ở hông lốp để triệt tiêu sóng âm.
Việc tích hợp lớp xốp mà không ảnh hưởng đến độ cân bằng và nhiệt độ lốp là một trong những công nghệ khó thực hiện, đòi hỏi sự chính xác gần như tuyệt đối trong khâu lắp ráp và kiểm định.

Ảnh minh họa.
4. Lực cản lăn thấp
Một trong những yếu tố quan trọng nhất với xe điện là quãng đường tối đa đi được mỗi lần sạc. Lốp xe điện phải được thiết kế để tối ưu lực cản lăn (rolling resistance) – yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến mức tiêu thụ điện năng.
Để đạt điều này, cấu trúc lốp phải giảm ma sát với mặt đường nhưng không làm mất độ bám, sử dụng hợp chất cao su có khả năng "phục hồi biến dạng" nhanh chóng. Đây là bài toán hóa học – vật lý khó mà không phải doanh nghiệp nào cũng làm được.
5. Tuổi thọ cao
Dù phải chịu lực ma sát và tải trọng cao hơn, lốp xe điện vẫn cần phải đạt tuổi thọ tương đương hoặc cao hơn lốp truyền thống để đảm bảo hiệu quả kinh tế cho người dùng. Điều này dẫn đến yêu cầu cao về khả năng chống mài mòn, tỏa nhiệt, và biến dạng.
