Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), ngành giao thông vận tải chịu trách nhiệm cho 27% khí phát thải nhà kính trên toàn cầu vì thế để giảm thải carbon cũng như vận hành có hiệu quả hơn thì việc điện hóa trong lĩnh vực giao thông vận tải đang diễn ra ngày càng nhanh chóng hơn. Theo dự báo, vào giai đoạn 2050 thì tỷ trọng sử dụng năng lượng điện trong lĩnh vực giao thông vận tải sẽ tăng từ 1% lên đến 49%.
Phát biểu tại Forum Horizon Innovation 5.0 (Diễn đàn đổi mới 5.0: Đổi mới để phát triển bền vững hơn) do Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức ngày hôm nay, ông Đồng Mai Lâm - Tổng Giám Đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia chia sẻ:
“Schneider Electric nhận thấy có 3 xu thế sử dụng năng lượng điện trong lĩnh vực giao thông vận tải trong tương lai. Thứ nhất là về các cam kết phát triển bền vững của các Chính phủ đang trở nên rất là mạnh mẽ và Việt Nam chúng ta cũng là một trong những quốc gia đã cam kết đạt mục tiêu Netzero vào năm 2050. Thứ 2 là việc điện hoá trong ngành giao thông vận tải là một trong những yếu tố rất quan trọng và các Chính phủ ngày càng đưa ra những chính sách, chế tài để đẩy nhanh tiến trình điện hóa tiến trình phát triển xe điện. Xu thế thứ 3 là thế giới điện mới mà việc đầu tư vào ESG đang trở nên ngày càng phổ biến. Năm ngoái, toàn thế giới đã có trên 1.000 tỷ USD đầu tư vào tất cả các lĩnh vực ESG”.
Trong xu hướng đầu tư đó, phát triển xe điện và phát triển năng lượng tái tạo cũng là trọng tâm xu hướng đầu tư thời điểm hiện tại. Báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố ngày 26/4 cho thấy doanh số bán xe điện (EV) đang tăng mạnh và dự kiến sẽ chiếm gần 20% số xe bán ra trong năm 2023. Trong báo cáo thường niên về EV, IEA dự kiến doanh số bán hàng hàng năm sẽ tăng 35% trong năm nay, đạt 14 triệu xe và thị phần EV sẽ ở mức 18%, tăng từ mức 4% trong năm 2020.
Doanh số xe điện tăng đồng nghĩa với việc nhu cầu về trạm sạc cũng tăng theo. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là cơ sở hạ tầng trạm sạc vẫn chưa đủ phát triển và công nghệ liên quan vẫn còn hạn chế. Điều này đặt ra một nhiệm vụ lớn cho ngành công nghiệp để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dùng xe điện.
Ông Đồng Mai Lâm nói: “Những người sử dụng xe điện có nhu cầu sạc khi dừng chứ không phải dừng để sạc. Với sự phát triển của công nghệ, tầm hoạt động của xe điện ngày càng xa hơn vì thế nhu cầu dừng lại để sạc xe điện càng ngày càng nhỏ đi. Khi người dùng xe điện sạc xe tại nhà hay các toà cao ốc, sẽ giảm được chi phí từ 20% – 25%, chủ động được thời gian sạc theo khung giá thấp điểm cũng như ứng dụng các công nghệ về năng lượng tái tạo để sạc xe điện. Đặc biệt, nhu cầu về sự thuận tiện, tiện lợi sạc xe điện là rất quan trọng”.
Theo một khảo sát, tại châu Âu 1/3 người sử dụng xe điện hiện tại muốn sạc xe điện tại nhà và 89% người sở hữu xe điện sở hữu luôn bộ sạc xe tại nhà. Đây chính là bằng chứng cho thấy trong tương lai, nhà dân hay các cao ốc sẽ là những trung tâm, hệ sinh thái sạc xe điện. Theo tính toán của Schneider Electrics, 98% bộ sạc xe điện sẽ được lắp đặt tại nhà hay các cao ốc trong tương lai.
Là một công ty quản lý năng lượng hàng đầu, Schneider Electric đưa ra những giải pháp để giúp thúc đẩy tiến trình chuyển dịch sang xe điện cho khách hàng, qua đó giúp đẩy nhanh tiến trình giảm thải carbon, hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu của thế giới.
Trong các giải pháp về xe điện, Schneider Electric đã thiết kế giải pháp EcoStruxure dành cho eMobility - một giải pháp toàn diện, ngoài cơ sở hạ tầng sạc, nơi toàn bộ hệ sinh thái được dễ dàng tích hợp, kết nối hệ thống để tối ưu hóa sử dụng và tái tạo năng lượng sạch cho các ngôi nhà, tòa nhà, trạm sạc công cộng.
Bên cạnh đó, giải pháp này còn có thể tự động thích nghi với hạ tầng của công trình tại từng thời điểm (ví dụ: Giờ cao điểm thì công suất sạc sẽ tự động điều chỉnh giảm để tránh quá tải).
EcoStruxure dành cho eMobility là hệ kiến trúc bao gồm 3 tầng. Đầu tiên là tầng bảo đảm toàn bộ hệ thống sạc xe điện, hệ thống quản lý năng lượng, đo lường được kết nối toàn bộ với nhau và qua đó có thể sử dụng những phần mềm để quản lý việc sạc xe điện, quản lý việc sử dụng năng lượng, quản lý tài sản.
Với sản phẩm Tủ sạc nhanh (EVLink) của Schneider Electric được tích hợp sẵn các thiết bị đóng cắt (đây là một trong những thế mạnh lớn của Schneider Electric) để bảo vệ người dùng khỏi các sự cố chập điện, quá tải gây hỏa hoạn.
Schneider Electric cũng cung cấp ứng dụng EV Charging Expert có chức năng điều khiển, giám sát, vận hành, và phân bố tải tự động để thích ứng riêng với từng công trình. Ngoài ra, đây là hệ thống mở - cho phép tích hợp với hệ thống quản lý điện hiện hành của công trình, đảm bảo cho sự hoạt động liên tục và ổn định.
Một ứng dụng khác là EV Advisor có chức năng quản lý sử dụng năng lượng, giúp giảm thiểu chi phí vận hành thông qua phân tích dữ liệu ví dụ như tự động điều chỉnh nguồn điện sẵn có trong tòa nhà trong giờ cao điểm hoặc giúp giảm năng lượng thất thoát khi ở trong trạng thái chờ, cho phép chủ đầu tư hoặc người dùng chủ động quản lý hiệu quả các chi phí điện.
Với hệ sinh thái của mình, các giải pháp của Schneider Electric mang đến khả năng kết nối giữa công nghệ thông minh và số hoá để giúp cho khách hàng sạc xe điện dễ dàng hơn, an toàn hơn, linh hoạt hơn cũng như tiết kiệm chi phí hơn, sử dụng năng lượng một cách có hiệu quả nhất.