Cách đây ít phút, chương trình Táo Quân chào đón năm Giáp Thìn được phát sóng. Bên cạnh quan tâm đến nội dung. Khán giả còn chú ý đến nhãn hàng nào chi tiền mạnh nhất để có slot quảng cáo trên sóng giờ vàng này.
Cũng như các năm trước, thời lượng quảng cáo được đa số các hãng lựa chọn vẫn là 30 giây và 15 giây. Theo thống kê từ chương trình Táo quân 2024, 20 thương hiệu (ít hơn so với năm 2023, 28 thương hiệu) đã mua quảng cáo với tổng thời lượng khoảng 16 phút.
Nếu dựa theo bảng giá quảng cáo do TVAD công bố trước đó với mức giá 322.750.000 đồng cho 10 giây, 387.300.000 đồng cho 15 giây, 484.125.000 đồng cho 20 giây, 645.500.00 đồng cho 30 giây, chương trình Táo Quân năm nay thu về ít nhất 21,2 tỷ đồng.
Thời lượng quảng cáo đa số các nhãn hàng lựa chọn là 15 - 30 giây. Trong đó, nhãn hàng “chịu chi” nhất vẫn là ngân hàng VietinBank. Trước đó, năm 2022, 2023, nhãn hàng này cũng chiếm sóng quảng cáo với thời lượng dài nhất. Năm nay ngân hàng này đã bỏ ra 2,7-3 tỷ đồng để mua khoảng 130-140 giây quảng cáo trên sóng chương trình này.
Đứng thứ hai về thời lượng quảng cáo là hệ sinh thái số VNPAY bao gồm ví điện tử, VNShop và VNTaxi. Một số thương hiệu khác trong nhóm quảng nhiều năm nay gồm Kokomi, Chinsu, Mì 3 miền, Bia Hà Nội - Habeco, Bổ phế Bảo Thanh, Thép VAS, Bupnon Tea 365, Bia Tiger (60 - 90 giây).
Trong khi đó, một số thương hiệu quen mặt tại chương trình Táo Quân các năm trước đó vắng mặt năm nay như Thời trang Elise, Vietnam Airlines.
Sức hút bền bỉ của “món ăn tinh thần” 30 Tết
Với mức giá trên, nhiều người đặt ra hoài nghi liệu bỏ cả trăm triệu đồng cho vài chục giây ngắn ngủi lên sóng liệu có xứng đáng.
Trên thực tế, trải qua hơn 20 năm phát sóng, Táo Quân vẫn giữ vững sức hút là chương trình Tết hàng đầu được khán giả cả nước quan tâm và đón xem. Bên cạnh đó, còn nhiều yếu tố để các nhãn hàng sẵn sàng chi tiền “ khủng” để quảng cáo trên Táo quân mỗi năm.
Sức hút truyền thông từ thương hiệu Táo Quân
Phát sóng vào đúng ngày cuối cùng của năm cũ, Táo Quân đưa khán giả nhìn lại 1 năm vừa qua bằng cách phản ánh những vấn đề nổi cộm từ mọi lĩnh vực như kinh tế, giao thông, giáo dục,...
Ngay từ những hình ảnh hé lộ hậu trường chuẩn bị Táo Quân của dàn nghệ sĩ mỗi năm đã cho thấy sức hút khổng lồ từ chương trình này. Thông qua cách thể hiện dí dỏm nhưng không kém phần châm biếm, kết hợp yếu tố giải trí với thời sự, Táo quân vừa tạo ra nhiều tràng cười sảng khoái cho khán giả vừa khiến người xem phải suy ngẫm để đánh giá, nhìn nhận lại những vấn đề vẫn còn tồn đọng trong xã hội hiện nay.
Nhiều phát ngôn, câu hát chế trong chương trình trở thành xu hướng, “viral” trên mạng xã hội dịp Tết và thậm chí vẫn được nhắc lại sau hàng chục năm lên sóng. Sau mỗi chương trình Táo quân lên sóng nhiều bàn luận sôi nổi nổ ra xung quanh loạt vấn đề xã hội nổi cộm được dàn Táo lồng ghép xuyên suốt chương trình. Điều này cho thấy ảnh hưởng mạnh mẽ của Táo quân đến đa dạng đối tượng khán giả.
Sự mới mẻ và sáng tạo cũng là điểm hấp dẫn của Táo Quân khi dàn nghệ sĩ nhanh chóng cập nhật các xu hướng của giới trẻ, tìm cách thể hiện độc đáo và tạo bất ngờ cho khán giả theo dõi.
Quy tụ dàn nghệ sĩ gạo cội trong làng giải trí
Nhắc đến sức hút của Táo Quân là không thể không nhắc đến dàn nghệ sĩ được “đo ni đóng giày” cho các vai diễn quan trọng: "Ngọc Hoàng" Quốc Khánh, "Nam Tào" Xuân Bắc, "Bắc Đẩu" Công Lý cùng các "Táo" Tự Long, Vân Dung, Chí Trung, Quang Thắng,...
Diễn xuất “chất lượng miễn bàn” cùng sự kết hợp ăn ý, “tung hứng” mượt mà giữa các Táo khiến người xem thích thú. Dàn diễn viên chính của Táo quân được đánh giá là khó thay thế khi đã gắn bó với chương trình đến cả thập kỷ. Mỗi năm Táo quân cũng mời nhiều nghệ sĩ trẻ tham gia để tạo ra “làn gió mới”, tạo nên tổng thể bức tranh Táo quân đa màu sắc.
1 năm chỉ có 1 lần, rating “đụng nóc”
Đúng với tên gọi “Gặp nhau cuối năm - Táo Quân”, chương trình chỉ có 1 năm 1 lần, phát sóng vào đúng tối 30 Tết, vậy nên hiệu ứng khan hiếm từ một chương trình có thương hiệu lâu đời cũng là lý do nhiều nhãn hàng không ngại chi tiền mạnh tay để xuất hiện trên Táo quân.
Với thương hiệu đã được bảo chứng chất lượng, Táo Quân cũng trở thành chương trình có rating cao hàng đầu dịp Tết VTV. Táo Quân khi phủ sóng trên tất cả các kênh của VTV suốt đêm 30 Tết, thời điểm “người người nhà nhà” quây quần bên mâm cơm Tất niên vậy nên các nhãn hàng có thể tiếp cận đến đa dạng đối tượng khán giả.
Theo hệ thống đo lường định lượng khán giả truyền hình Việt Nam Vietnam-Tam, mức rating trong 2 năm 2018 và 2019 ở Hà Nội lên đến 32,39% và 29,66%, tại Đà Nẵng cũng ở ngưỡng 2 con số, dao động ở mức 11% còn tại TP.HCM có mức rating 5,7-6,44%.
Rating cho thấy sự quan tâm của khán giả đặc biệt của khán giả miền Bắc với chương trình này, chính vì vậy các doanh nghiệp muốn củng cố, giữ vững hoặc mở rộng thị phần ở miền Bắc sẽ là những đơn vị mạnh tay nhất cho việc quảng cáo trên Táo Quân.
Năm 2020 là năm duy nhất Táo Quân ngừng phát sóng và thay bằng chương trình “Làng Vũ Đại thời nay”, mức rating cho chương trình chiếu 30 Tết đã sụt giảm còn 14,7% ở Hà Nội và 1,67-3,55% ở TP.HCM - Đà Nẵng. Sự trở lại của Táo quân năm 2021 và những năm sau được đánh giá là “thỏa lòng mong ước” của khán giả luôn đón chờ chương trình với tinh thần “Có Táo Quân là có Tết” suốt 2 thập kỷ qua.