‘Tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ xung quanh 12,5 - 13%’

Minh Thư SM | 15:12 31/03/2023

Nhận định của ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối Phân tích Maybank Investment Bank về tăng trưởng tín dụng năm nay sau tình hình kém khả quan trong quý I.

‘Tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ xung quanh 12,5 - 13%’
Xuất khẩu thủy sản quý I/2023 đã giảm 27%.

Nội dung chính:

  • - Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống quý I/2023 đạt 1,61% trong khi cùng kỳ 2022 đạt 4,03%.
  • - Tiền gửi của người dân, doanh nghiệp vào ngân hàng cũng chỉ tăng 0,77% trong 3 tháng đầu năm. 
  • - Chuyên gia dự đoán tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ đạt  mức 12,5 - 13% do những khó khăn chung của nền kinh tế. 

Tăng trưởng tín dụng quý I/2023 đạt 1,61% so với cuối năm 2022 (và chỉ tăng khoảng 10.5% so với cùng kỳ năm ngoái), theo số liệu vừa được Tổng Cục thống kê công bố. So với mức tăng trưởng 4,03% (tương đương 15.9% so sánh cùng kỳ) của quý 1/2022, tăng trưởng tín dụng năm nay ở mức rất thấp. 

Mức tăng trưởng thấp này diễn ra trong bối cảnh lượng tiền gửi của người dân, doanh nghiệp vào các tổ chức tín dụng cũng chỉ tăng 0,77% trong quý I, còn thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng, và thấp hơn nhiều so với mức tăng 2,15% vào cùng kỳ năm trước. 

Tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng huy động vốn trong quý I từ năm 2015 - 2023 (Đơn vị: %)

Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đề ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 14 - 15%, tương đương với mức tăng năm 2022. Mục tiêu này, theo ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối Phân tích Maybank Investment Bank - là khó thực hiện trong bối cảnh năm nay. 

“Tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ xung quanh 12,5 - 13%” - ông Thành nhận định. Nguyên nhân chính, theo ông Thành là cho vay bất động sản (bao gồm cả cho vay doanh nghiệp và cho vay mua nhà, ước tính hơn 2,5 triệu tỷ đồng mỗi năm) đều sẽ gặp khó, đồng thời tình hình xuất nhập khẩu giảm khiến cho vay mảng này cũng giảm sút. 

qtt.jpg
Ông Quản Trọng Thành - Giám đốc Khối Phân tích Maybank Investment Bank

“Các ngân hàng vẫn tăng trưởng tín dụng cao các năm trước cũng sẽ gặp khó khăn trong năm nay” - chuyên gia đến từ Maybank bổ sung. 

NHNN cũng bày tỏ quan điểm sẽ giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên lãi suất cho vay giảm được mức độ nào sẽ phụ thuộc năng lực tài chính của từng ngân hàng - ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN vừa chia sẻ trong một cuộc hội thảo ngày 30/3. 

Giảm lãi suất là một giải pháp nới lỏng chính sách tiền tệ, đi ngược lại với chính sách thắt chặt tiền tệ từ Mỹ và các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Philippines… Quyết định này sẽ đặt NHNN trước nhiều sức ép bởi phải đồng thời đảm bảo mục tiêu lạm phát và tỷ giá. 

Ông Thành cho rằng, giảm lãi suất là việc nên làm, thậm chí phải đánh đổi bằng lạm phát cao hơn một chút. “Chúng ta đang quá cầu toàn” - ông Thành nhận định về mục tiêu lạm phát 4,5% năm 2023. Các doanh nghiệp cần phải “sống được” - từ đó mới có thể mở rộng đầu tư, tạo thu nhập cho người lao động. 

Doanh nghiệp và người dân “cạn tiền”

Mặc dù NHNN ra sức khống chế đà tăng lãi suất, các ngân hàng thương mại vẫn đua nhau tăng lãi suất nhằm thu hút nguồn tiền từ người dân và doanh nghiệp. Mức lãi suất tiền gửi đã có lúc chạm ngưỡng 10%, thậm chí nếu biết cách thương lượng, khách hàng có thể được hưởng mức lãi suất lên tới 12% tại một số ngân hàng thương mại.

Cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi đã tạm dừng sau nhiều tháng sôi động. Tuy nhiên, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy lượng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng chỉ tăng 0,77% trong ba tháng đầu năm, thấp hơn nhiều so với mức tăng 2,75% cùng kỳ năm 2022.

Về kết quả này, ông Quản Trọng Thành nhận định “Doanh nghiệp và người dân đang cạn tiền”.

Đối với doanh nghiệp, nền lãi suất cao suốt thời gian qua đã đẩy chi phí vốn lên cao, khiến họ phải thu vén các nguồn tiền. Trong khi đó, kênh huy động trái phiếu và cổ phiếu đều không khả quan. Chưa kể, một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu đến hạn thanh toán, hoặc buộc phải mua lại trước hạn theo yêu cầu của trái chủ. Tất cả những lý do nói trên khiến doanh nghiệp không còn dư dả để gửi tiền vào ngân hàng.

Đối với người dân, những rắc rối từ trái phiếu doanh nghiệp đã ảnh hưởng đến dòng tiền của cá nhân. Tình hình bất động sản trầm lắng, các doanh nghiệp thắt chặt chi tiêu… cũng ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của mỗi gia đình. “Chắc chắn nhiều người đang phải rút tiền tiết kiệm ra để dùng” - ông Thành chia sẻ quan điểm.

Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài hiện cũng đang giảm mất “động lực” để gửi tiền tại ngân hàng Việt Nam khi lãi suất đồng USD vẫn được duy trì 0%, trong khi Mỹ và các quốc gia khác đã không ngừng tăng lãi suất trong thời gian qua. “Lãi suất càng tăng, họ càng có thêm động lực để rút tiền về. Nhất là trong điều kiện chờ đợi cơ hội đầu tư tại Việt Nam trong giai đoạn này” - ông Thành nhận định.


(0) Bình luận
‘Tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ xung quanh 12,5 - 13%’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO