“Ngày xưa muốn anh em làm việc tốt lên thì tăng lương, tăng thưởng. Bây giờ lương thưởng mọi người cũng lắc đầu. Tăng thì họ cũng vui, nhưng không quá vui như hồi xưa”, Giám đốc Giải pháp Học viện Quản lý PACE Vũ Đức Trí Thể phát biểu tại sự kiện HR Tech Conference 2022 do TopCV Việt Nam tổ chức hôm 3/11.
“Bây giờ các sếp đừng tưởng lớn tuổi hơn thì nói gì cũng được. Nói không khéo là nhân sự giận. Hồi xưa giận thì họ lặng im, bây giờ giận là đâm đơn nghỉ việc. Con người ta bây giờ mong manh, dễ vỡ”, vị diễn giả ví dụ một số thực trạng trong các công ty.
Theo ông Trí Thể, con người đang sống trong một thế giới liên tục thay đổi, mọi chuyện đều có thể xảy ra. Xã hội tràn đầy lo âu với quá nhiều tin tức, quá nhiều thứ ngoài tầm kiểm soát, không còn vận hành theo những quy luật cũ. Nhiều niềm tin, giá trị đã không còn như trước.
“Bối cảnh hiện nay và tác động của Covid-19 đã làm đảo lộn mọi thứ trong vận hành nhân sự. Tình trạng nhảy việc được nâng cấp thành siêu nhảy việc. Bên cạnh đó là khoảng cách thế hệ. Bây giờ, cùng một môi trường làm việc có ba thế hệ là chuyện bình thường, và các thế hệ quá khác biệt”, ông nêu ra những đặc điểm chính của thị trường lao động hiện nay.
Các số liệu thống kê cho thấy nhận xét của ông Trí Thể bám sát thực tế. Theo thống kê của công ty Anphabe được thực hiện trong năm nay, 17% lực lượng lao động đang được xếp vào nhóm "siêu nhảy việc". Tỷ lệ số người gắn bó lâu dài với công ty đang ở mức thấp nhất từ trước đến giờ, chỉ còn 46%.
Từ cuối năm 2021 đến đầu năm 2022, TopCV cũng tiến hành khảo sát với khoảng 5.000 người lao động. Kết quả cho thấy mức lương, thưởng, đãi ngộ không tương xứng chỉ xếp thứ hai trong những lý do nghỉ việc hàng đầu của cả Gen Z (sinh từ năm 1997-2012) và Gen Y (sinh từ năm 1981-1996). Lý do số 1, chiếm trên 60% với cả hai thế hệ, là công việc ít có khả năng phát triển.
Phát biểu tại sự kiện HR Tech Conference 2022, Founder & CEO của TopCV Trần Trung Hiếu bày tỏ niềm tin rằng đối với mỗi doanh nghiệp, bài toán đau đầu và quan trọng nhất luôn là bài toán về con người. Với chủ đề “Thu hút và giữ chân nhân tài bằng trải nghiệm số”, sự kiện được tổ chức nhằm tìm hướng giải quyết bài toán đó.
“Hoạt động quản trị, truyền thông, văn hóa hay nhân sự, đào tạo có yếu tố công nghệ sẽ tạo ra sự đột phá tốt hơn. Chúng tôi mong muốn các hoạt động HR Tech (áp dụng công nghệ trong quản trị nhân sự) sẽ phổ biến hơn nữa, thúc đẩy ngành nhân sự phát triển nhanh hơn cùng những lĩnh vực khác đang rất hot như FinTech (áp dụng công nghệ trong tài chính)”, ông Hiếu nêu ra phương hướng.
Đối với ông Trí Thể, yếu tố thu hút người lao động là sứ mệnh tốt đẹp của doanh nghiệp và thương hiệu nhà tuyển dụng, còn thứ khiến họ muốn tiếp tục ở lại là cảm giác được thuộc về, được gắn kết. Trong khi đó, mức độ gắn kết với công ty phụ thuộc vào hành trình trải nghiệm của người lao động tại đây, bao gồm trải nghiệm số - đặc biệt với thế hệ nhân sự trẻ.
“Rốt cục, cốt lõi của việc thu hút nhân tài là “đất lành chim đậu”. Nhiệm vụ của chúng ta là tập trung tạo ra mảnh đất đủ lành, nền văn hóa đủ tử tế, một sứ mệnh đủ chính nghĩa, trải nghiệm đủ thú vị và hấp dẫn, chim sẽ đổ về. Còn những con chim đã ở đó sẽ không đi chỗ khác”, ông kết luận.