Hoàn thiện hành lang pháp lý
Theo Bộ Tài chính, thời gian tới cơ quan quản lý sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ hoạt động cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, cũng như việc duy trì các điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá của các doanh nghiệp.
Dịch vụ thẩm định giá (TĐG) góp phần tiết kiệm chi tiêu trong đầu tư mua sắm tài sản, chống lãng phí, thất thoát, tiêu cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của chủ tài sản, của các nhà đầu tư, các bên liên quan tham gia giao dịch; thúc đẩy phát triển kinh tế, minh bạch quan hệ kinh tế giữa các chủ thể tham gia thị trường.
Hoạt động nghề TĐG thường xuyên được củng cố trên các phương diện, nhất là khi Luật Giá được ban hành năm 2012. Từ 44 doanh nghiệp và 184 thẩm định viên về giá năm 2009, đến thời điểm ngày 1/1/2024, cả nước có 278 doanh nghiệp TĐG được thông báo đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ TĐG, 21 doanh nghiệp không đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ TĐG.
Việc cấp mới các doanh nghiệp đủ điều kiện đã được siết chặt. Thực hiện quy định của pháp luật về việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ TĐG, Bộ Tài chính đã cấp mới Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ TĐG cho 14 doanh nghiệp (năm 2022) và 12 doanh nghiệp (năm 2023).
Để hoàn thiện thể chế pháp luật về TĐG, Bộ Tài chính đã tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ chủ trì soạn thảo dự thảo Luật Giá (sửa đổi) và hiện Luật Giá số 16/2023/QH15 đã được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2023 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2024).
Luật Giá 2023 yêu cầu các doanh nghiệp TĐG tăng cả về số lượng và chất lượng thẩm định viên, củng cố quy định về điều kiện hoạt động của doanh nghiệp và chi nhánh doanh nghiệp TĐG nhằm quản lý chặt chẽ hơn hoạt động TĐG của doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp có biến động về thẩm định viên về giá ảnh hưởng đến điều kiện hoạt động.
Ngoài ra, luật đã quy định rõ hơn việc đăng ký hành nghề với Bộ Tài chính thông qua doanh nghiệp TĐG và quy định rõ thẩm định viên về giá phải là những người có thẻ thẩm định viên và đang hành nghề TĐG tại các doanh nghiệp TĐG. Điều kiện để đăng ký hành nghề phải là người có thẻ thẩm định viên và có kinh nghiệm 36 tháng làm việc thực tế để nâng cao chất lượng dịch vụ TĐG (trừ đối tượng được đào tạo trình độ đại học trở lên theo chương trình định hướng ứng dụng thì cần đủ 24 tháng).
Bên cạnh đó, nhằm quản lý chặt chẽ hơn đối với các thẩm định viên về giá, luật đã quy định về những điều cấm đối với thẩm định viên về giá, quy định một số trường hợp xử lý đối với thẩm định viên về giá khi vi phạm pháp luật về TĐG như tước thẻ, thu hồi thẻ thẩm định viên về giá; qua đó tăng cường tính răn đe đối với thẩm định viên, góp phần yêu cầu các thẩm định viên không ngừng cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.
Tích cực, chủ động nâng cao chất lượng hoạt động thẩm định giá
Theo ông Phạm Văn Bình - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), những quy định mới tại Luật Giá 2023 nâng chất lượng hoạt động TĐG. Nổi bật là việc chuyên môn hóa hoạt động của thẩm định viên theo lĩnh vực tài sản, điều chỉnh điều kiện hành nghề của thẩm định viên về giá và điều kiện kinh doanh dịch vụ TĐG tại doanh nghiệp.
Cùng các quy định khác tới đây được ban hành sẽ là hành lang pháp lý trong hoạt động TĐG hoàn thiện hơn, giúp hoạt động TĐG phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.
Trên thực tế, hoạt động TĐG thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Số lượng doanh nghiệp TĐG trước đây tương đối lớn, trong đó lại có nhiều doanh nghiệp nhỏ, chỉ đảm bảo số lượng tối thiểu 3 thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp, hay thay đổi thông tin, nên ảnh hưởng nhất định đến công tác quản lý doanh nghiệp và quản lý thẩm định viên.
Dịch vụ TĐG là dịch vụ tư vấn tài chính phức tạp, chuyên môn sâu và tương đối mới so với các lĩnh vực dịch vụ tài chính khác, thực tế mới phát triển mạnh mẽ sau khi Luật Giá được ban hành. Một số sai phạm của cá nhân thẩm định viên và người đứng đầu doanh nghiệp TĐG phải xử lý hình sự thời gian qua cho thấy, cơ bản đều xuất phát nhiều từ nguyên nhân chủ quan của cá nhân thẩm định viên về giá hành nghề (cố ý thông đồng, câu kết làm sai lệch kết quả TĐG). Điều này cũng phần nào gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm soát sai phạm của cơ quan quản lý nhà nước.
Cũng theo ông Bình, để quản lý chặt chẽ hoạt động này, thời gian qua, Bộ Tài chính đã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực TĐG.
Mới đây, phản hồi ý kiến đại biểu Quốc hội trong cuộc chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, nhận xét Bộ Tài chính cấp phép cho nhiều công ty thẩm định giá chưa hoàn toàn chính xác. Kiểm định viên về giá, muốn có chứng chỉ phải qua đào tạo và thi cấp thẻ thẩm định viên về giá.
Minh chứng bằng các số liệu, người đứng đầu ngành Tài chính cho biết, trong 3 năm qua, chưa có kỳ thi nào mà vượt quá 33% số dự thi trúng tuyển. “Cho nên, chúng tôi quản lý rất chặt chẽ trong cấp phép cũng như hoạt động của các doanh nghiệp TĐG” - Bộ trưởng khẳng định.
Theo Bộ Tài chính, thời gian tới sẽ xây dựng các nghị định và thông tư hướng dẫn liên quan đến lĩnh vực TĐG để kịp thời trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn luật (2 nghị định, 11 thông tư liên quan đến lĩnh vực TĐG), trong đó ban hành Chuẩn mực TĐG Việt Nam (thay thế cho Hệ thống Tiêu chuẩn TĐG Việt Nam) quy định và hướng dẫn đầy đủ về nghiệp vụ đối với dịch vụ TĐG, đảm bảo có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Đồng thời, tiếp tục quản lý chặt chẽ hoạt động cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ TĐG cũng như việc duy trì các điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ TĐG...