Hình tượng “con rắn quấn quanh cây gậy” là biểu tượng của ngành y đã được quốc tế hóa, màu trắng là màu của Ngành Y tế.
Bốn nét hình cung lan tỏa từ trung tâm ra ngoài bao quanh hai bên logo, thể hiện sự thống nhất, liên hoàn của 4 cấp trong ngành Y tế từ trung ương (Bộ) đến tỉnh (thành phố), huyện (quận), xã (phường).
Không phải ở Việt Nam mà trên thế giới, từ lâu, hình ảnh một con rắn cuốn quanh một cây gậy là tượng trưng chính thức của ngành Y, Dược.
Có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh con rắn cuốn quanh một cây gậy (có đôi cánh) trên logo của các tổ chức, sản phẩm liên quan đến ngành Y.
Để giải thích cho điều này, các nhà nghiên cứu Cổ học và Y khoa đã tranh cãi suốt nhiều thập kỷ qua, chưa hẳn ngã ngũ nhưng phổ biến 3 cách giải thích theo Thần thoại Hy Lạp, Dân gian và Thánh Kinh.
Truyền thuyết về vị thần của y khoa Asclepios
Theo thần thoại Hy Lạp, biểu hiệu y khoa có hình một con rắn cuốn quanh cây gậy liên quan đến thần Hy lạp tên Asclepios (Asclepius hay Aesculapius), vị thần của y khoa.
Theo truyền thuyết, Asclepius một y sĩ người Hy lạp hành nghề khoảng 1200 trước công nguyên và được xem như là thần y khoa. Ông này thường được miêu tả là một người đàn ông có râu, mặc áo hở ngực, tay trái cầm một cây gậy có một con rắn linh thiêng cuốn xung quanh tượng trưng cho sự hồi sinh, trẻ trung như con rắn lột xác.
Dần dần qua huyền thoại và truyền thuyết, Asclepius đuợc thờ phụng như là thần Hy lạp Asclepius chuyên chữa trị bệnh tật. Cây gậy Asclepius nguyên thủy có một con rắn cuốn quanh một cây gậy sần sùi có mấu khúc.
Rắn này có tên là Elaphe longissima, họ Colubridae, da nhẵn mềm, thân mảnh mai, lưng màu nâu, có những sọc màu đậm hơn ở sau mắt, bụng màu trắng ngà có vảy có thể bám dễ dàng trên những bề mặt làm rắn có thể bò trên cây.
Đây là loại rắn nguồn gốc từ Asia Minor và vài vùng Trung đông, có lẽ do người La mã mang về vì đặc tính chữa bệnh của chúng.
Rắn liên quan đến khoa học gắn liền với chất độc và chết chóc, cũng mang một ý niệm siêu hình. Từ lâu, rắn được xem như là một biểu hiệu cho Y Học, nghề nghiệp Y khoa, và độc chất học.
Theo lòng tin từ xa xưa, rắn có thể chữa trị hay làm lành được vết thương khi đụng đến. Rắn cũng cho liên tưởng đến dược lực học, và khử trùng, vì rắn có đặc tính chứa chất chống nọc độc để bảo vệ chống lại chính nọc độc của mình.
Theo truyền thuyết, rắn ám chỉ tính cách chuyển thể giữa thế giới người chết siêu hình và người trần vì rắn bò trên mặt đất và có thể mang lại chết chóc. Khả năng lột da của rắn tượng trưng cho tuần hoàn của cuộc sống và làm cơ thể trẻ lại
Trong ngành Y, biểu tượng rắn cuốn quanh cây gậy và trong ngành Dược biểu tượng rắn cuốn quanh một cái chén thuốc, đã đuợc biết qua những chứng tích cổ xưa ở vùng Địa Trung Hải như Hy lạp hay Ai Cập.
Dân gian tương truyền thuyết "Con giun"
Thuyết này có thể tóm tắt đơn giản bằng một câu" Đời trước vẽ giun, đời sau ngỡ rắn"
Một vài học giả viết rằng biểu hiệu này là biểu tượng cho một con giun cuốn quanh một cây gậy, giun này là một ký sinh trùng giun chỉ mang tên Dracunculus medinensis.
Giun này còn được gọi là “con rắn dữ dằn”, “con rồng của Medina”, “con giun thử nghiệm”.
Đây là loại giun ký sinh thường thấy trong thời cổ, nó nằm ẩn dưới da, được y sĩ chữa trị bằng cách rạch da nơi có giun nằm ẩn. Khi con giun bò ra khỏi vết cắt thì y sĩ lấy ra bằng cách cuốn nó từ từ quanh một cây gậy cho đến khi cuốn được hết con giun ra.
Người ta cho rằng y sĩ thời đó có thể đã quảng cáo dịch vụ của họ bằng một cái bảng hiệu có vẽ một con giun cuốn quanh một cây gậy. Thời Trung cổ đã tưởng lầm rằng con giun này là một con rắn và từ đó đã miêu tả hình ảnh này như một con rắn cuốn quanh một cây gậy.
Hay nguồn gốc từ Thánh Kinh?
Biểu tượng con rắn bằng đồng có tên Nehushtan đã được nhắc đến trong Thánh kinh. Trong Bộ sách những con số của Thánh kinh có viết rằng người Do thái (Israelites) than phiền với Moses và Chúa về hoàn cảnh tuyệt vọng của họ "Tại sao ngài lại mang chúng tôi…để chết trong trong hoang dã? Vì chẳng có thức ăn và nước uống...”
Sự than phiền này làm Chúa nổi giận nên sai rắn hung dữ tấn công người Do thái. Nhiều người chết quá làm người Do thái phải chạy đến Moses và cầu khẩn Chúa tha tội cho họ.
Chúa nguôi giận, bèn sai Moses làm một cây gậy có một con rắn bằng đồng cuốn quanh. Những người nào đã bị rắn cắn chỉ cần nhìn vào cây gậy này là tự nhiên khỏi bệnh.
Có thể cũng vì lý do này mà Nehushtan đã mang ảnh hưởng đến cho cây gậy Asclepius và đuợc dùng sau đó như một biểu tượng cho y khoa và ngành y.
(Tổng hợp)