Táo Quân hay Gặp nhau cuối năm chào sân khán giả từ năm 2003. Với tính chất là chương trình hài kịch chính luận, kịch bản Táo Quân thường hội tụ những vấn đề nóng hổi, nhức nhối của một năm qua dưới diễn xuất dí dỏm, châm biếm của các diễn viên, nghệ sĩ hài. Chương trình được coi là "món ăn tinh thần" với nhiều thế hệ khán giả trong 20 năm qua.
Theo hệ thống đo lường định lượng khán giả truyền hình Việt Nam, Táo quân đứng đầu trong số các chương trình truyền hình trong khung giờ 19h00-24h00 nhiều năm liên tiếp, với rating tại Hà Nội đạt đỉnh 30% vào năm 2018.
Đã từng rất thành công, nhưng việc duy trì format chương trình quá nhiều năm, đi kèm với nội dung kịch bản gặp phải những ý kiến không hài lòng khiến cho đã có thời điểm, trung tâm SX Phim truyền hình Việt Nam (VFC) thuộc Đài Truyền hình Việt Nam quyết định dừng sản xuất Táo quân.
Năm 2020, không phát sóng Táo quân. Ngay lập tức, Gặp nhau cuối năm - 2020 của VTV sụt giảm rating thảm hại và mất luôn thứ hạng vốn có. Tại Hà Nội, rating chỉ còn gần 15% và thậm chí ở TP Hồ Chí Minh, rating chưa đầy 2%.
Đồng thời với đó, năm 2020, mức giá quảng cáo lần lượt là 200 triệu đồng (10 giây), 240 triệu đồng (15 giây), 300 triệu đồng (20 giây), 400 triệu đồng (30 giây), thấp hơn khá nhiều so với năm 2019, chi phí tối thiểu để nhãn hàng xuất hiện trong Táo Quân là 265 triệu đồng (10 giây) và cao nhất là 530 triệu đồng (30 giây).
Điều này phần nào cho thấy, cả nhà sản xuất và các nhãn hàng đều đánh giá cao và đặt niềm tin vào thương hiệu của chương trình Táo quân, bất chấp những ý kiến "chê" sau mỗi một năm phát sóng.
Trong Táo quân 2023, nhãn hàng "chịu chi" nhất là Vietinbank với 140 giây quảng cáo, tương đương số tiền bỏ ra đâu đó hơn 1,5 tỷ đồng, chưa kể phần "cài cắm" do táo Kinh tế Quang Thắng giới thiệu trong nội dung chương trình.
Đứng thứ hai về thời lượng quảng cáo trong chương trình Táo quân 2023 là Bia Hà Nội - Habeco. Trong khi hầu hết các nhãn hàng lựa chọn quảng cáo bằng video 15 giây, thì Habeco là bên duy nhất lựa chọn video dài tới 45 giây và phát 2 lần.
Theo tính toán tổng số tiền VTV thu về năm nay từ quảng cáo của các nhãn hàng tăng khoảng 2,4% so với năm trước, lên khoảng 28,6 tỷ đồng.
Rating cao cùng thương hiệu được bảo chứng trong nhiều năm là những nguyên nhân khiến các nhãn hàng không ngại chi tiền để xuất hiện trong chương trình Táo quân đêm giao thừa. Bên cạnh đó, còn một điểm đáng lưu ý nữa, có thể rõ ràng hơn khi nhìn vào thống kê dưới đây của vietnamtam.
Cơ cấu rating ở 3 thành phố lớn cho thấy rõ sự quan tâm của khán giả ở các miền khác nhau. Ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, Táo quân được yêu thích và đón chờ nhiều hơn. Ngược lại, tại Tp Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam, Táo quân ít được xem hơn.
Theo thống kê, rating tại Tp Hồ Chí Minh chỉ bằng khoảng 1/5 rating tại Hà Nội.
Như vậy, khi chọn Táo quân là nơi gửi gắm các TVC quảng cáo, nhãn hàng hẳn phải cân nhắc kỹ lường về mặt thị trường để đạt được hiệu quả. Theo đó, các doanh nghiệp muốn củng cố, giữ vững hoặc mở rộng thị phần ở miền Bắc sẽ thích hợp với Táo quân hơn là các doanh nghiệp tập trung vào thị trường miền Nam hoặc miền Trung.
Có thể thấy nhiều các nhãn hàng quảng cáo trong chương trình Táo quân là các đơn vị có trụ sở chính tại miền Bắc như Vietinbank, Habeco, sơn Jymec, Yumangel (Hà Nội), bổ phế Nam Hà (Nam Định), sứ Long Phương (Bắc Ninh), Bảo Xuân (Hà Nội), Trúc Bạch, bệnh viện Hà Thành (Hà Nội), Omeli (công ty CP quốc tế Bảo Hưng - Thái Bình), Long Hải (Hải Dương)...