Tài chính tuần qua: Lợi nhuận ngân hàng quý đầu năm dự báo phân hóa mạnh, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng cao nhất 4,15%/năm

Mạnh Đại | 18:25 05/04/2025

Lợi nhuận ngân hàng quý đầu năm dự báo phân hóa mạnh; Lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng cao nhất 4,15%%/năm; Đề xuất tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được thu giữ tài sản bảo đảm; Ngân hàng đầu tiên báo lỗ trong quý 1/2025, …

Tài chính tuần qua: Lợi nhuận ngân hàng quý đầu năm dự báo phân hóa mạnh, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng cao nhất 4,15%/năm

Lợi nhuận ngân hàng quý đầu năm dự báo phân hóa mạnh

Công ty Chứng khoán SSI vừa công bố báo cáo ước tính kết quả kinh doanh quý I/2025 của 39 doanh nghiệp trong phạm vi nghiên cứu, bao gồm 13 ngân hàng. Theo đánh giá của SSI, bức tranh lợi nhuận quý đầu năm của ngành ngân hàng khá tích cực khi có tới 11 ngân hàng được dự báo ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận dương so với cùng kỳ năm trước. Một ngân hàng giữ lợi nhuận đi ngang, trong khi chỉ có một nhà băng bị suy giảm lợi nhuận.

Trong số các ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng, nổi bật là Sacombank với mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế dự báo lên tới 51% so với cùng kỳ năm 2024, đạt khoảng 4.000 tỷ đồng. Động lực chính đến từ việc chi phí dự phòng giảm nhờ chất lượng tài sản được duy trì ổn định và biên lãi ròng (NIM) phục hồi nhẹ. Tuy vậy, so với quý IV/2024, lợi nhuận của Sacombank có thể giảm khoảng 14%.

VietinBank cũng được kỳ vọng đạt kết quả kinh doanh khả quan trong quý I, với lợi nhuận trước thuế dự báo lên đến 8.800 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ. Sự tăng trưởng đến từ hoạt động tín dụng tích cực với mức tăng khoảng 5% tính đến cuối quý I, cùng với nền lợi nhuận thấp trong quý I/2024.

VPBank được dự báo đạt 5.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 32% so với cùng kỳ. Theo SSI, chất lượng tài sản cải thiện cùng tăng trưởng tín dụng khoảng 5% từ đầu năm là hai yếu tố chính thúc đẩy kết quả tích cực của ngân hàng này.

Các ngân hàng khác như HDBank, MSB và Techcombank cũng được dự báo có kết quả kinh doanh quý I khởi sắc nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh. Cụ thể, HDBank dự kiến đạt 4.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 19% so với cùng kỳ và 18% so với quý trước, nhờ tăng trưởng tín dụng khoảng 6%. MSB ước đạt 1.700 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ nhờ tín dụng tăng 6% từ đầu năm. Techcombank được kỳ vọng thu về 8.300 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ và 77% so với quý IV/2024, nhờ tăng trưởng tín dụng khoảng 6,5% và biên lãi ròng được cải thiện.

Cuối cùng, BIDV được dự báo sẽ đạt lợi nhuận quý I dao động trong khoảng 8.000 - 8.500 tỷ đồng, tăng 8 - 15% so với cùng kỳ, nhờ tín dụng tăng 2% so với đầu năm và biên lãi ròng có dấu hiệu cải thiện.

Lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng cao nhất 4,15%%/năm

Thị trường tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 1 tháng đang chứng kiến sự vươn lên dẫn đầu của các ngân hàng mới được chuyển giao bắt buộc. Theo thống kê mới nhất, ba nhà băng gồm VCBNeo, Vikki Bank và MBV hiện đang áp dụng mức lãi suất cao nhất cho kỳ hạn này, vượt trội so với phần còn lại của thị trường.

co-lay-lai-tien-gui-trong-ngan-hang-bi-mat_0304102003.jpg

Cụ thể, VCBNeo và Vikki Bank đang niêm yết mức lãi suất huy động lên tới 4,15%/năm cho các khoản tiền gửi tiết kiệm trực tuyến có kỳ hạn 1 tháng – mức cao nhất hiện nay. MBV, cùng với VietBank, cũng đưa ra mức lãi suất cạnh tranh 4,1%/năm cho cùng kỳ hạn.

Ngoài ra, một số ngân hàng khác như Eximbank, Nam A Bank, NCB và OCB vẫn duy trì mức lãi suất 4%/năm cho hình thức gửi tiết kiệm này. Như vậy, trên toàn thị trường hiện chỉ còn 8 ngân hàng đang áp dụng lãi suất từ 4%/năm trở lên đối với tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 1 tháng.

Đáng chú ý, sự cạnh tranh về lãi suất diễn ra trong bối cảnh hơn một tháng qua thị trường liên tục chứng kiến xu hướng điều chỉnh giảm lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng. Trước đó, Eximbank từng là một trong những đơn vị có mức lãi suất cao nhất, lên tới 4,75%/năm cho tiền gửi trực tuyến kỳ hạn dưới 6 tháng. Tuy nhiên, hiện nay mức này đã được điều chỉnh giảm đáng kể.

Đề xuất tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được thu giữ tài sản bảo đảm

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây đã gửi tới Bộ Tư pháp góp ý vào dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các Tổ chức tín dụng.

Dự thảo đề xuất cho phép tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Báo cáo đánh giá tác động nhận định đề xuất này phù hợp với bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, VCCI nhận thấy cần xem xét thêm một số khía cạnh.

tsdb-5985-9661.jpg

Thứ nhất là tính bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh. Hoạt động cho vay có tài sản bảo đảm giữa tổ chức tín dụng và người vay là một giao dịch dân sự. Trên thực tế, có nhiều giao dịch dân sự tương tự giữa các cá nhân, tổ chức khác. Việc không thu giữ và xử lý được tài sản bảo đảm có thể dẫn đến nợ xấu, ảnh hưởng đến dòng vốn và năng lực tài chính của các chủ thể kinh tế. Do đó, cần làm rõ cơ sở pháp lý để tổ chức tín dụng được áp dụng cơ chế riêng này, trong khi các chủ thể khác không có quyền tương tự.

Thứ hai là khía cạnh về bảo vệ quyền lợi của người vay. Theo đề xuất, tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu sẽ trực tiếp thu giữ tài sản bảo đảm, chỉ cần thông báo với UBND cấp xã và cơ quan công an nơi có tài sản bảo đảm; tuy nhiên, chưa làm rõ vai trò của các cơ quan này trong quá trình thu giữ.

VCCI cho rằng, cần có cơ chế kiểm soát phù hợp để đảm bảo tổ chức tín dụng thực hiện đúng quy định và không xâm phạm quyền lợi hợp pháp của người vay, đặc biệt khi hoạt động này tác động trực tiếp đến quyền sở hữu tài sản của cá nhân, tổ chức mà không thông qua cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ngân hàng đầu tiên báo lỗ trong quý 1/2025

Ngân hàng TMCP Nam Á - NamABank (HoSE: NAB) - là ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh quý I với lợi nhuận trước thuế đạt 1.214 tỷ đồng, tăng gần 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

hinh-2-kqkd-op1.jpg

Tính đến ngày 31/3, tổng tài sản của ngân hàng đạt gần 263.000 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với đầu năm. Hoạt động tín dụng đạt gần 178.000 tỷ đồng, tăng 6%, trong khi huy động vốn tăng gần 14%, đạt 204.000 tỷ đồng.

Xem thêm tại đây

Bài liên quan

(0) Bình luận
Tài chính tuần qua: Lợi nhuận ngân hàng quý đầu năm dự báo phân hóa mạnh, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng cao nhất 4,15%/năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO