Tài chính tuần qua: Loạt ngân hàng chưa thực hiện kết luận kiến nghị của KTNN, Tỷ giá USD sẽ không vượt qua 26.000 đồng, ACB nâng vốn điều lệ "vượt mặt" Agribank

Mạnh Đại | 08:23 09/06/2024

Điểm nóng tài chính trong tuần qua gồm: Loạt ngân hàng PG Bank, Vietcombank, Vietinbank, VDB,… chưa thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước; Số liệu từ NHNN tiền người dân gửi ngân hàng tăng cao trong 2 tháng đầu năm nay; Tỷ giá USD sẽ không vượt quá 26.000 đồng; ACB nâng vốn điều lệ lên gần 45.000 tỷ đồng, “vượt mặt” Agribank....

Tài chính tuần qua: Loạt ngân hàng chưa thực hiện kết luận kiến nghị của KTNN, Tỷ giá USD sẽ không vượt qua 26.000 đồng, ACB nâng vốn điều lệ "vượt mặt" Agribank
Loạt ngân hàng PG Bank, Vietcombank, Vietinbank, VDB,… chưa thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước

Tiền gửi ngân hàng của dân cư tăng mạnh

Số liệu mới đây của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến hết tháng 2, tiền gửi dân cư tại hệ thống ngân hàng đạt kỷ lục gần 6,64 triệu tỷ đồng, tăng 1,6% so với đầu năm.

Trong khi tiền người dân gửi ngân hàng tăng cao thì tiền gửi của khối tổ chức, doanh nghiệp lại giảm mạnh. Nhóm này gửi 6,52 triệu tỷ đồng tại hệ thống ngân hàng, giảm 4,66% so với đầu năm. Đà giảm của khối doanh nghiệp kéo tổng tiền gửi chảy vào hệ thống tính đến tháng 2 giảm nhẹ, từ hơn 13,17 triệu tỷ vào cuối tháng 1 xuống còn 13,16 triệu tỷ.

Trước đó, tổng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống ngân hàng cuối tháng 1 đạt hơn 13,17 triệu tỷ đồng, giảm gần 200 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2023.

Tiền gửi quay lại hệ thống ngân hàng trong bối cảnh lãi suất huy động vẫn còn thấp dù các nhà băng bắt đầu điều chỉnh tăng trở lại. Trước đó, theo Ngân Nhà nước cho biết, tính đến 31/3 lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023. 

Xem thêm tại đây

Loạt ngân hàng chưa thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước

2.jpg

Theo Kiểm toán Nhà nước, loạt ngân hàng gồm Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex - PG Bank (đã đổi tên thành Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển); Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank); Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank),… nằm trong danh sách các tổ chức, cá nhân chưa thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước (KTNN) tính đến thời điểm 31/12/2023.

Xem thêm tại đây

SeABank hoàn tất tăng vốn điều lệ lên 24.957 tỷ đồng

Được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, Hose: SSB) chính thức hoàn tất việc tăng vốn điều lệ lên 24.957 tỷ đồng thông qua đợt phát hành 42 triệu cổ phiếu theo Chương trình lựa chọn dành cho người lao động (ESOP) năm 2023 cho hơn 2.000 cán bộ nhân viên (CBNV) có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngân hàng.

3.jpg

Theo kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 thông qua, trong năm 2024 SeABank dự kiến tiếp tục tăng vốn lên 30.000 tỷ đồng theo các phương thức: Phát hành để trả cổ tức và phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tổng tỉ lệ gần 14%; Phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) năm 2024; Chào bán cổ phiếu theo hình thức riêng lẻ và/hoặc phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ.

Việc không ngừng tăng vốn điều lệ nằm trong kế hoạch phát triển dài hạn của SeABank, giúp Ngân hàng có đủ tiềm lực, nguồn vốn để nâng cao các chỉ số an toàn vốn, bổ sung quy mô vốn hoạt động, đầu tư công nghệ, qua đó khẳng định uy tín, hiệu quả hoạt động cũng như tiềm lực tài chính của SeABank trên thị trường tài chính - ngân hàng.

Xem thêm tại đây

Đợt tăng lãi suất liên ngân hàng vừa qua không tác động nhiều tới các ngân hàng

Đây là nhận định của Công ty Cổ phần Dịch vụ Nhà đầu tư và Xếp hạng tín nhiệm Việt Nam (VIS Rating) về đợt tăng lãi suất liên ngân hàng diễn ra vừa qua.

4.png

Theo đó, trong tháng 4 và tháng 5/2024, lãi suất qua đêm VND trên thị trường liên ngân hàng đã tăng gần 400 điểm cơ bản lên mức cao nhất 12 tháng. Lãi suất qua đêm VND trên thị trường liên ngân hàng có lúc đã lên mức 5,1%, so với mức dưới 1% vào tháng 1 năm 2024.

VIS Rating cho rằng lãi suất liên ngân hàng tăng trong thời gian gần đây phản ánh thanh khoản thắt chặt hơn trong hệ thống sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ động rút bớt cung tiền nhằm hạn chế biến động trên thị trường ngoại tệ.

Các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn vốn liên ngân hàng để cho vay và đảm bảo thanh khoản. Tuy nhiên, VIS Rating cho rằng ảnh hưởng của việc tăng lãi suất liên ngân hàng tới các ngân hàng vẫn trong vòng kiểm soát.

Xem thêm tại đây

TS. Trương Văn Phước: Tỷ giá USD sẽ không vượt qua 26.000 VND

Theo TS. Trương Văn Phước, chuyên gia kinh tế cho rằng, USD sẽ không còn tăng cao nữa mà sẽ giảm giá ít nhất từ nay đến hết năm 2027, chúng ta không còn lo lắng về tỷ giá.

Theo chuyên gia này, tỷ giá sẽ không vượt qua 26.000 VND/USD bởi khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 7/2024. Cho dù việc cắt giảm lãi suất diễn ra vào tháng 7 hay tháng 9 thì USD vẫn trong xu hướng giảm giá. Khi Fed cắt giảm lãi suất, USD Index sẽ giảm xuống 100 điểm. Do đó, Việt Nam không cần thiết phải nâng lãi suất để giữ ổn định tỷ giá.

5.png

“USD sẽ giảm giá ít nhất từ nay đến năm 2027 và USD Index đi quanh ngưỡng 95-105 điểm, không còn tăng cao hơn nữa. Lãi suất của Fed sẽ giảm xuống mức 2,75-3% trong vòng 3 năm nữa. Theo đó, VND nên mất giá ở mức độ xấp xỉ với tốc độ lạm phát. Mặt bằng lãi suất cần xoay quanh mức CPI cộng với biên độ khoảng 3-4%”, TS. Trương Văn Phước nói.

Về mức mất giá gần 5% của tỷ giá từ đầu năm đến nay, ông Trương Văn Phước cho rằng, nếu xét về cân đối, lẽ ra chúng ta có thể không để VND bị mất giá đến 5% chỉ trong 1 quý. Các cân đối ở đây là xuất siêu, lạm phát thấp, lãi suất,... là những yếu tố giúp tỷ giá ổn định.

“Điều mà tôi muốn nói là đừng sử dụng thuốc kháng sinh liều cao để chữa bệnh đường ruột. Nếu đẩy lãi suất lên cao để trị lạm phát, tỷ giá thì quá đơn giản, nhưng cái giá phải trả là nền kinh tế đang cần chi phí vốn rẻ", chuyên gia này cho hay.

Xem thêm tại đây

Lãi suất huy động rục rịch tăng nhẹ

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, tháng 5 đánh dấu bước chuyển về mặt chính sách tiền tệ với nhiều hành động từ phía NHNN nhằm kiểm soát biến động tỷ giá, lãi suất và vàng. Tuy nhiên, mục tiêu tổng thể của các giải pháp này là nhằm chống lại áp lực mất giá đối với tiền đồng.

Trong tháng qua, NHNN tiếp tục cân đối thanh khoản trên thị trường mở nhằm duy trì lãi suất liên ngân hàng ở mức cao. Cụ thể, NHNN hút ròng khoảng 106,1 nghìn tỷ đồng qua kênh cầm cố và 25,5 nghìn tỷ đồng qua kênh tín phiếu trong tháng 5/2024.

dauan-1-1715.jpg

Tổng quy mô hút ròng trong tháng 5/2024 là khoảng 131,6 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, từ 22/04-27/05, NHNN cũng bán ra khoảng 4,1 tỷ USD để kiềm chế đà mất giá của tiền đồng, tương đương 105,5 nghìn tỷ đồng. Như vậy, việc điều tiết qua thị trường mở kết hợp với bán can thiệp USD vừa đủ để cân đối lại lượng bơm ròng khoảng 238,1 nghìn tỷ đồng trong tháng trước. Ngoài ra, một lượng tiền đồng cũng được hút về qua 9 phiên đấu thầu vàng nhưng không đáng kể (48,5 nghìn lượng, tương đương 4,3 nghìn tỷ đồng).

Trong bối cảnh trên, lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng bình quân khoảng 4,3%/năm, tăng 28 điểm cơ bản so với tháng trước. Lãi suất cho vay kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần cũng tương ứng tăng 24-39 điểm cơ bản lên lần lượt là 4,52%/năm và 4,63%/năm. Trong khi đó, lãi suất các kỳ hạn dài hơn từ 1 tháng đến 3 tháng ghi nhận mức tăng cao hơn, lần lượt là 54 điểm cơ bản và 70 điểm cơ bản lên 4,68%/năm và 5,08%/năm, phản ánh một phần kỳ vọng thị trường về xu hướng lãi suất trong tương lai gần.

Theo VDSC, diễn biến tăng của lãi suất liên ngân hàng cũng tương đồng với quyết định nâng lãi suất trên thị trường mở của NHNN. Cụ thể, lãi suất cho vay ở kênh cầm cố và lãi suất kênh tín phiếu đã được NHNN điều chỉnh tăng 50 điểm cơ bản kể từ 24/04 đến nay lên lần lượt là 4,5%/năm và 4,25%/năm. Mức lãi suất cho vay trên thị trường mở như vậy đã ngang bằng với lãi suất cho vay tái cấp vốn NHNN đang ấn định.

Trên thị trường 1, trong khi các NHTMCP Nhà nước vẫn duy trì lãi suất huy động như một điểm neo về mặt chính sách, lãi suất huy động của các NHTMCP tư nhân nhóm 1 đã nhích dần với mức tăng trung bình từ 15-33 điểm cơ bản ở tất cả các kỳ hạn, kỳ hạn ngắn 1-3 tháng ghi nhận mức thay đổi nhiều hơn so với kỳ hạn dài.

Theo quan sát của VDSC, xu hướng tăng lãi suất huy động có phần hạn chế, và chưa mở rộng sang các nhóm ngân hàng khác. Đồng thời, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của toàn hệ thống vẫn đang thấp hơn 20-46 điểm cơ bản so với đầu năm.

ACB nâng vốn điều lệ lên gần 45.000 tỷ đồng, “vượt mặt” Agribank

Mới đây, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB - Mã: ACB) vừa công bố cáo báo kết quả phát hành 582,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 15% (cổ đông nắm giữ 100 cổ phiếu sẽ nhận được 15 cổ phiếu mới).

acb.jpg

Sau phát hành, số cổ phiếu lưu hành của ACB tăng từ 3,884 tỷ cổ phiếu lên 4,447 tỷ cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ tăng lên mức 44.667 tỷ đồng.

Như vậy, sau khi hoàn thành thủ tục pháp lý, vốn điều lệ của ACB sẽ chính thức vượt qua Agribank (40.963 tỷ đồng), trở thành ngân hàng có quy mô vốn cao thứ 6 toàn hệ thống và đứng sau VPBank, BIDV, Vietcombank, VietinBank và MBBank.

Tuy nhiên, ACB dự kiến sẽ tụt xuống hạng 8 vào cuối năm nay khi Agribank và Techcombank hoàn thành kế hoạch tăng vốn.

Ngoài việc phát hành cổ phiếu với tỷ lệ 15%, cổ đông ACB cũng được nhận cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 10% vào ngày 13/6. Tổng số tiền để ACB trả cổ tức bằng cổ phiếu và tiền mặt cho cổ đông trong năm nay là 9.710 tỷ đồng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Tài chính tuần qua: Loạt ngân hàng chưa thực hiện kết luận kiến nghị của KTNN, Tỷ giá USD sẽ không vượt qua 26.000 đồng, ACB nâng vốn điều lệ "vượt mặt" Agribank
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO