Sự “trỗi dậy” của các doanh nghiệp Nhà nước: Vietcombank, Viettel Global, BIDV “chễm chệ” câu lạc bộ vốn hóa trên 100.000 tỷ, tân binh thuộc về “gã khổng lồ” vận tải biển tăng 60% từ đầu năm

Ngọc Ly | 22:00 06/02/2025

Thống kê, toàn sàn chứng khoán có khoảng 18 doanh nghiệp có vốn hóa trên 100.000 tỷ đồng (~ 4 tỷ USD) tính đến ngày 6/2/2025, trong đó có 8 doanh nghiệp Nhà nước.

Sự “trỗi dậy” của các doanh nghiệp Nhà nước: Vietcombank, Viettel Global, BIDV “chễm chệ” câu lạc bộ vốn hóa trên 100.000 tỷ, tân binh thuộc về “gã khổng lồ” vận tải biển tăng 60% từ đầu năm

Thời gian gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến sự phân hóa giữa nhóm doanh nghiệp do Nhà nước chi phối và các tập đoàn tư nhân lớn. Trong khi nhóm doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là các ngân hàng quốc doanh, doanh nghiệp thuộc ngành hàng không, viễn thông, liên tiếp lập đỉnh và gia tăng vốn hóa, nhiều tập đoàn tư nhân từng dẫn dắt thị trường lại có dấu hiệu chững lại.

Thống kê, toàn sàn chứng khoán có khoảng 18 doanh nghiệp có vốn hóa trên 100.000 tỷ đồng (~ 4 tỷ USD) tính đến ngày 6/2/2025, trong đó có 8 doanh nghiệp Nhà nước. Đáng chú ý, top 4 doanh nghiệp hàng đầu đều là những tên tuổi do Nhà nước chi phối: Vietcombank (VCB), Viettel Global (VGI), BIDV (BID) và ACV.

screenshot-2025-02-06-152514.png
Màu vàng là các doanh nghiệp Nhà nước 

Vietcombank là ngân hàng quốc doanh dẫn đầu thị trường chứng khoán về vốn hóa từ đầu năm 2022 và giữ vững vị trí này cho tới nay. Vietcombank cũng là cái tên đầu tiên trong lịch sử chứng khoán Việt Nam vượt ngưỡng nửa triệu tỷ vốn hóa khi lập đỉnh mới vào tháng 7/2023. Dù đã điều chỉnh đôi chút nhưng nhà băng này hiện vẫn bỏ xa top phía sau trên đường đua vốn hóa với giá trị lên đến 520.000 tỷ đồng.

Theo sau Vietcombank, cổ phiếu Viettel Global liên tục tăng trưởng trong năm 2024 và có thời điểm đạt đỉnh lịch sử, nhờ đó vốn hóa cũng tăng trưởng vượt trội. Hiện tại, dù đã bị thu hẹp lại sau nhịp điều chỉnh, VGI vẫn đứng ở vị trí Á quân trong danh sách với giá trị vốn hóa 278.000 tỷ trong khi BID và ACV theo sát, ghi nhận lần lượt 275.000 tỷ và 270.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nhiều đại gia Nhà nước khác cũng góp mặt trong danh sách như VietinBank (CTG), PV GAS (GAS), GVR và mới nhất là VIMC (MVN). Cổ phiếu “ông trùm” ngành cảng và vận tải biển Việt Nam bứt phá mạnh từ đầu năm, qua đó lập đỉnh lịch sử mới tại 88.000 đồng/cp. Vốn hóa thị trường của VIMC cũng theo đó lập kỷ lục hơn 106.000 tỷ đồng (~ 4 tỷ USD), tăng 60% từ đầu năm 2025.

Ngoài câu lạc bộ các doanh nghiệp vốn hóa trên trăm nghìn tỷ kể trên, nhiều doanh nghiệp Nhà nước cũng chứng kiến đà bứt phá mạnh mẽ thời gian gần đây phải kể tới: TOS, KSV, PHP,… liên tiếp lập đỉnh lịch sử.

tos_2025-02-06_09_06_20.png

Còn nhớ giai đoạn 2020-2021 trước đây, nhiều doanh nghiệp tư nhân thậm chí chi phối sàn chứng khoán Việt Nam, điển hình như bộ 3 “đình đám” Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM) và Vincom Retail (VRE). Các doanh nghiệp “họ” Vingroup có thời điểm đạt tổng mức vốn hóa lên đến 1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 1/4 giá trị toàn thị trường.

Thời điểm hiện tại, tổng vốn hóa của các doanh nghiệp “họ” Vingroup (tính cả VEFAC) cũng chỉ vào khoảng 381.000 tỷ đồng, chiếm 5,5% giá trị toàn thị trường. Con số này thậm chí còn kém xa so với vốn hóa của một mình Vietcombank (VCB).

Có thể thấy rằng, thị trường luôn luôn vận động, các doanh nghiệp dù là doanh nghiệp tư nhân hay do Nhà nước chi phối nếu tận dụng tốt lợi thế từ chính sách hỗ trợ, đầu tư công và nền tảng tài chính vững chắc sẽ dễ dàng gia tăng vị thế.

Trong dài hạn, sự cạnh tranh giữa các khối doanh nghiệp sẽ tạo nên một bức tranh kinh tế cân bằng hơn, mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư và sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam.


(0) Bình luận
Sự “trỗi dậy” của các doanh nghiệp Nhà nước: Vietcombank, Viettel Global, BIDV “chễm chệ” câu lạc bộ vốn hóa trên 100.000 tỷ, tân binh thuộc về “gã khổng lồ” vận tải biển tăng 60% từ đầu năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO